Phát triển du lịch nông thôn gắn với trồng hoa, cây cảnh tại xã Hồng Việt
Dưới sự hướng dẫn
của các cơ quan chức năng, bà con nông dân nơi đây đã tích cực ứng dụng khoa học
công nghệ vào sản xuất như làm hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động…,
mở rộng diện tích trồng, trồng nhiều chủng loại để nâng cao chất lượng, tăng
thu nhập. Đến nay, toàn xã đã mở
rộng diện tích lên trên 200ha với sự tham gia của 2.000 hộ, chiếm gần 70% tổng
số hộ của cả xã. Với thế mạnh sẵn có cộng với giao thông thuận tiện, nguồn lao
động dồi dào huyện đã xây dựng mô hình phát triển làng nghề trồng hoa, cây cảnh
gắn với du lịch nông nghiệp tại xã Hồng Việt. Mô hình này góp phần phát triển
nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người
dân.
Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng đã phối hợp tổ chức tập huấn
cho xã thực hiện mô hình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị
và phát triển du lịch nông thôn. Huyện cũng hỗ trợ xã thành lập Hợp tác xã hoa
và cây cảnh Hồng Việt để nhân rộng diện tích, nâng chất lượng, tăng thu nhập
cho người trồng. Rất nhiều nông dân xã Hồng Việt đã và đang xây dựng nhà
vườn của mình theo mô hình homestay gắn với phát triển du lịch nông thôn, bước
đầu thu hút được khách đến tham quan. Trong đó, có nhà vườn rộng trên 2ha của
anh Trần Văn Hưng, thôn Bá Thôn 1, xã Hồng Việt. Với xuất phát điểm từ năm
2017, anh bắt đầu thu gom và mua lại ruộng của các hộ bỏ hoang, dần dần tích tụ,
đến nay tổng diện tích nhà vườn của anh lên đến 25.000m2.
Trong đó,
nhà vườn có 4 nhóm cây chính là: cây công trình, cây hoa ( chủ yếu là nhài nhật,
nguyệt quế, mộc hương), cây hàng nền và cây hàng thảm. Để tiếp cận với nhiều
khách hàng, anh có thành lập công ty riêng và có trang web hoạt động. Khách
hàng của anh hiện nay chủ yếu là tư nhân, công ty, tập thể trong tỉnh và các tỉnh
miền Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc
Giang, Hưng Yên... Doanh thu công
ty 1 năm khoảng hơn 2 tỷ và tạo việc làm
cho chục công nhân với mức lương 6 – 10 triệu đồng/ tháng.Thu nhập trung
bình trên 1 sào canh tác hoa, cây cảnh đạt 30 - 50 triệu đồng (tùy loại), cao gấp
12 - 20 lần canh tác lúa cùng chân ruộng.So với trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh không chịu áp lực thời
vụ, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mất mùa.
Anh Hưng cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi học cách làm nhà vườn
kết hợp du lịch sinh thái. Khi tham gia lớp tập huấn về phát triển kinh tế nông
nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn, tôi tiếp thu được
nhiều kiến thức bổ ích, được tiếp thêm động lực, quyết tâm thực hiện mô hình
này tại nhà vườn của mình. Tôi sẽ tiếp tục quy hoạch nhà vườn bài bản, theo từng
khu riêng về hoa, cây cảnh, cây giống để tạo cảnh quan đẹp hấp dẫn khách đến
tham quan. ”.
Theo ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển
nông thôn huyện Đông Hưng: “Để nông nghiệp
gắn với du lịch nông thôn, thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền
nhằm nâng cao nhận thức của người dân về khai thác triệt để lợi thế sẵn có của
địa phương phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị;
tăng cường đào tạo nâng cao trình độ toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Huy động các nguồn lực đầu tư đồng
bộ hệ thống công trình kết cấu hạ tầng, văn minh phục vụ cho phát triển sản xuất
và yêu cầu của khách du lịch; đa dạng hóa các mô hình và cơ sở dịch vụ hấp dẫn
đối với du khách. Xây dựng các tour du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với các
điểm đến văn hóa trên địa bàn huyện”.
Đây cũng là hướng đi nằm trong chủ trương chính sách của tỉnh
và huyện, thúc đẩy du lịch nông nghiệp nông thôn trên quê lúa Thái Bình.
Tác giả : Ks. Trần Thị Lương