1. Giống
Ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày, phù hợp với
nhu cầu thị trường; giống có khả năng thích ứng điều kiện ngoại cảnh và chống
chịu tốt với sâu, bệnh hại (đặc biệt bệnh đạo ôn vụ Xuân); nên sử dụng các
giống lúa của các công ty giống có uy tín và được cơ quan có thẩm quyền cho
phép lưu hành. (BC15, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8, TBR225, TBR87,…)
2. Thời vụ
Gieo mạ từ ngày 24/01 đến ngày 05/02/2025 (Tức ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 08 tháng Giêng
năm Ất Tỵ, xung quanh tiết Lập Xuân). Làm
mạ theo phương thức gieo mạ non trên nền đất cứng có khung vòm phủ nilon trắng
để chống rét hoặc gieo mạ khay trong nhà màng hoặc có che phủ nilon.
Lưu ý: Chủ động phòng chống rét cho mạ; gieo
tăng 5 – 10% mạ dự phòng và chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời
tiết bất thuận xảy ra. Cấy khi mạ đạt 2,5-3 lá. Kết thúc cấy trước ngày 25/02/2025.
3. Làm đất
Vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất phơi ải, dọn
sạch cỏ bờ để cắt nguồn sâu, bệnh hại chuyển vụ sang vụ xuân. Tùy từng chân đất
mà có biện pháp làm đất phù hợp. Riêng đối với các vùng chua, trũng, các xã ven
biển chủ động lấy nước, giữ nước mặt ruộng để hạn chế xâm nhập mặn, không để ải
xác. Nên sử dụng 1 số chế phẩm xử lý rơm rạ để thúc đẩy quá trình phân giải các
tàn dư nhanh hơn, góp phần cải tạo đất.
Trước khi cấy, cần làm đất
kỹ, phẳng mặt ruộng để nước phân bổ đều khắp mặt ruộng. Sau khi cấy, gặp thời
tiết rét, bà con lưu ý giữ mực nước nông đều để chống rét cho lúa mới cấy.
4. Phân bón
Sử dụng phân bón NPK chuyên dùng cho cây lúa của
các công ty uy tín, chất lượng như: Việt Nhật, Lâm Thao, Văn Điển, Bình
Điền,... Bón phân theo phương châm “bón lót sâu, bón thúc sớm”, tăng cường sử
dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại địa
phương để giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường.
Tác giả : Ths. Quách Thị Phương