CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh vụ xuân

Cập nhật: 03/02/2025

    Cây bí xanh dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, dễ thâm canh, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Kỹ thuật trồng bí xanh không quá phức tạp, không cần nhiều lao động và có thể làm với diện tích lớn. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả trồng bí xanh cần chú ý một số biện pháp sau

 


1. Giống: Hiện nay trên thị trường có một số loại giống bí xanh phổ biến như: Bí Sặt, bí xanh số 1, bí xanh số 2, bí xanh HN999, bí xanh lai F1 Fuji 868, VA 206, Linda 210,…

         

2. Gieo hạt

           

- Ngâm ủ: Ngâm hạt giống trong nước sạch từ 6-8 tiếng, vò nhẹ và rửa cho hết nhớt, gói vào vải ẩm rồi đem ủ ấm. Sau ủ khoảng 40-48 giờ kiểm tra hạt, hạt nứt nanh thì tiến hành gieo.

          

- Gieo hạt: Tùy vào điều kiện thời tiết cũng như quỹ đất ở từng địa phương có thể gieo hạt trực tiếp trên ruộng, mỗi hốc từ 1- 2 hạt hoặc gieo hạt vào bầu rồi trồng ra ruộng. Nên áp dụng biện pháp trồng bầu để đảm bảo thời vụ, đặc biệt trên diện tích đất 2 vụ lúa. Trồng bầu sẽ thuận tiện hơn trong việc chăm sóc cây con và khi đưa cây con ra ruộng sẽ phát triển nhanh hơn, rút ngắn thời gian trên đồng ruộng.

          

- Đất làm bầu: Chuẩn bị đất bột (đất ải, đất vườn hoặc bùn mương, máng phơi khô đập nhỏ) + phân hữu cơ (phân chuồng mục, trấu, phân hữu cơ vi sinh,…) theo tỉ lệ 1:1.

          

- Làm bầu: Mỗi sào cần chuẩn bị 650-700 bầu (trồng làm giàn). Tuỳ thuộc thời gian cây con ở trong bầu để làm kích cỡ bầu khác nhau, thông thường bầu có đường kính từ 5-6 cm. Vỏ bầu có thể sử dụng túi bầu chuyên dùng được bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, hoặc làm bằng lá chuối, vỏ bao xi măng, bằng túi nilon có chọc lỗ thủng… hoặc có thể gieo bầu bánh chưng.

            

- Gieo hạt vào bầu: Cho đất vào bầu cách mặt bầu 1cm, tưới nước đủ ẩm rồi mới tra hạt, sau đó phủ đất cho kín hạt. Đối với bầu làm bằng lá chuối, vỏ bao xi măng,… khi cho đất vào bầu cần nén chặt 1/3 đế bầu để tạo đế khi vận chuyển không làm vỡ bầu.


- Nền đặt bầu: Nên chọn chỗ có ánh nắng, không bị lá cây rụng, giúp cây sinh trưởng khoẻ, khi đưa ra ruộng cây dễ thích nghi và không bị héo. Đặt bầu thoáng cách nhau 2-3cm giúp cây con không bị vống, lá không bị cài vào nhau.


- Chăm sóc cây con trong bầu: Thường xuyên tưới ẩm. Khi bắt đầu nảy mầm, một số cây bị ấp vỏ, dùng tay tách nhẹ vỏ để cây phát triển bình thường. Có thể dùng lưới đen để che bớt nắng trong những ngày nắng to, hoặc dùng nilon trắng che những ngày trời mưa để giúp cho cây con trong bầu phát triển tốt. Dùng lân pha loãng để tưới cho cây con giúp bộ rễ phát triển tốt. Có thể sử dụng Validacin, Anvil,…phun phòng trừ nấm bệnh hại cho cây. Khi cây con có 1,5 - 2 lá thật đem trồng là tốt nhất. Tùy vào điều kiện cụ thể, nếu chưa có ruộng trồng hoặc trời mưa chưa thể trồng ra ruộng được thì cần bổ sung dinh dưỡng cho cây con bằng lân Supe pha loãng hoặc phun các loại phân qua lá, chế phẩm sinh học như KH, siêu lân,…

          

3. Chọn đất và làm đất:

          

- Chọn đất: Chọn đất nơi cao ráo, có tầng canh tác dày, tơi xốp, đất trung tính, tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu.Cày bừa, nhặt sạch cỏ dại, lên luống và xử lý mầm sâu bệnh.


- Làm đất: Cày bừa kỹ, làm đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ, rắc đều 15 kg vôi bột lên mặt ruộng. Sau đó tiến hành lên luống. Lên luống rộng 1,5 m; rãnh rộng 30cm; cao luống 25 - 30cm, trồng 2 hàng trên luống với khoảng cách hàng cách hàng 80cm; cây cách cây 50cm.


4. Kỹ thuật trồng cây ra ruộng


Sau khi bón phân lót xong, tiến hành trồng, đảm bảo mật độ 320 - 350 cây/sào.


Khi trồng cần làm nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu, đứt rễ, hướng ngọn vào giữa luống. Tuyệt đối không đặt bầu trực tiếp lên phân bón.


5. Phân bón

         

- Lượng phân bón cho 1 sào: 4 - 5 tạ phân chuồng hoặc 20 - 30 kg phân hữu cơ vi sinh; 20 - 25 kg lân supe; 10 - 12 kg đạm ure, 8 – 10kg kali. Hoặc có thể sử dụng các loại phân NPK loại (16:16:8) với lượng 20 - 25 kg/sào. Nên bón thêm 15 - 20 kg vôi bột để hạn chế nấm bệnh và giúp vỏ bí cứng chắc, bảo quản được lâu hơn

          

- Cách bón:

          

+ Bón lót: Bón 100% lượng phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân lân supe, vôi bột, 1/4 lượng đạm và kali hoặc 1/4 lượng phân bón NPK.

          

+ Bón thúc: Có thể chia làm 3 giai đoạn bón thúc.

     

Lần 1 khi cây có từ 3 – 4 lá thật, bón 1/4 lượng đạm và kali hoặc 1/4 lượng NPK.

     

Lần 2 khi cây bắt đầu ngả ngọn bò, bón 1/4 lượng đạm và kali hoặc 1/4 lượng phân NPK.

     

Lần 3 khi cây đậu quả, bón hết lượng phân bón còn lại.

          

6. Nước tưới

          

Sau trồng cần tưới nước đủ ẩm giúp bí nhanh bám đất, để kích thích rễ phát triển. Trong quá trình sinh trưởng của cây cần giữ độ ẩm vừa phải. Cây bí không chịu được úng nên nếu gặp mưa phải tiêu thoát nước nhanh giúp cây không bị thối rễ, chết rột và đảm bảo được mật độ. Giai đoạn ra hoa cây cần nhiều nước, cần tưới đủ nước cho cây, tốt nhất là nên tưới rãnh, tưới nước xong phải tháo ngay. Những lần tưới nước sau nên áp dụng hình thức tưới rãnh để đảm bảo “trên khô, dưới ẩm”.

         


7. Một số biện pháp chăm sóc khác

          

Khi cây bò kín dàn hoặc bắt đầu ra hoa có thể rắc vôi lên lá, vừa có tác dụng diệt nấm bệnh, vừa giúp vỏ quả dày hơn. Nên thụ phấn bổ sung cho bí.


Thường xuyên giữ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển. Sau vun xới lần 2, tỉa nhánh (để 1 thân chính và 1 thân phụ), dùng dây mềm buộc cây lên giàn. Mỗi nhánh để 2 - 3 quả non hoặc để 1 quả già.

          

Lưu ý nếu mưa lớn gây ngập úng:

          

Cần khẩn trương thoát nước ngay, tuyệt đối không để cây bị ngập úng. Sau đó, ngâm lân supe với nước, pha loãng tưới liên tục 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 ngày hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học như KH, siêu lân,... để phục hồi, kích thích ra rễ mới, lá mới. Kết hợp xới xáo nhẹ cho thoáng gốc, dặm tỉa cây chết.

          

Phun phòng bệnh lở cổ rễ và nấm bệnh cho cây bằng thuốc: Validacin, Anvil... Tuyệt đối không được bón phân ngay nhất là phân đạm.

          

Những diện tích trồng màng phủ nilon nếu sau mưa có nắng và gió thì cần vén màng phủ gần gốc để lộ đất cho bộ rễ thông thoáng, hạn chế nấm bệnh.

          

Không nên bấm ngọn, tỉa nhánh, tỉa lá gốc sau mưa vì dễ gây vết thương làm nấm khuẩn xâm nhập và gây hại cho cây. Khi trời tạnh ráo tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa thân lá bị bệnh.


Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Tươi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: