CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tiến bộ kỹ thuật mới
GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIẢI PHÁP XỬ LÝ RƠM RẠ

Cập nhật: 30/05/2013

    Rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa, mỗi ha trồng lúa có đến 10-12 tấn rơm rạ

Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm xenluloza (cellulose): 60%, linhin (lignin): 14%, đạm hữu cơ (protein): 3,4%, chất béo (lipid): 1,9%. Nếu tính theo nguyên tố thì cácbon (C) chiếm 44%, hyđrô (H) chiếm 5%, ôxy (O) chiếm 49%, Ni tơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ phốtpho (P), lưu huỳnh (S) và kali (K). Khi đốt rơm rạ lượng C,H, O biến hết thành các khí CO­2, CO và hơi nước. Protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… bay lên. Trong tro chỉ còn sót lại ít P , K, Ca và Si… nghĩa là giá trị về mặt khoáng chất, chất hữu cơ không còn nhiều.

Song nếu toàn bộ lượng rơm rạ được xử lý thành phân bón thì có lợi rất lớn cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là gần đây lượng phân chuồng bón ra ruộng rất ít, chủ yếu sử dụng phân vô cơ và thuốc BVTV. Cách làm này đã làm đất chai cứng, thay đổi thành phần các chất trong đất, đất thiếu các chất hữu cơ làm giảm sự liên kết nên khả năng hút nước, hút phân kém. Mặt khác, nguồn vi sinh vật trên đồng ruộng ngày càng cạn kiệt nên rơm rạ và các chất tồn dư phân hủy chậm, gây ra các độc tố làm ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa, làm giảm năng suất cuối vụ.

Không thể bỏ phí nguồn hữu cơ quan trọng này nhưng cần phải làm thế nào để vừa tận dụng nguồn rơm rạ làm phân vừa không gây độc cho lúa và môi trường. Đặc biệt là giai đoạn chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa thời gian rất ngắn, cần làm đất ngay để kịp thời vụ lúa mùa. Xin giới thiệu một số phương pháp xử lý rơm rạ như sau:

1.Phun phân bón hữu cơ sinh học AT xử lý rơm rạ

*Thành phần: Nts 2,8%; P2O5 1,5 %; K2O 2%; Humic 2,5 %; HC 23 %; các axit amin và 11 chủng vi sinh phân giải có hoạt tính mạnh.

*Công dụng: Phân giải nhanh các chất hữu cơ  như rơm ra, xác thực-động vật, chất thải nông nghiệp, ... thành chất mùn, chất dinh dưỡng dễ hấp thu cho cây trồng.

Xử lý ruộng, vườn, đất trồng trước khi trồng mới, xứ lý các chất thải hữu cơ làm sạch môi trường, sản xuất phân bón hữu cơ.

*Cách sử dụng:

Phun phân AT trực tiếp trên bề mặt ruộng, đặc biệt với ruộng gặt lưng cây lúa (máy gặt)  gốc rạ bị phân hủy nhanh để cấy lúa mùa

-Áp dụng 400ml phân bón hữu cơ sinh học AT (1 lọ) pha 1 bình 16 lít nước phun cho 1 sào bắc bộ (360m2)

-Phun đều lên gốc rạ, sau đó bừa dập rạ xuống cho rạ nằm chìm dưới nước.

-Giữ mức nước từ 1-3 cm để tăng tác dụng của chế phẩm

- Sau khi phun chế phẩm AT từ 7-10 ngày là có thể cấy được.

2.Bón phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobacterin

Phân Vi sinh Azotobacterin là loại phân kết hợp nhiều chủng vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật cố định đạm từ khí trời, vi khuẩn phân giải các chất hữu cơ, vi khuẩn chuyển hóa các chất khó tiêu thành dễ tiêu, vi khuẩn ức chế sinh trưởng của nấm hại. Tất cả được gói trong hỗn hợp chất mang là than bùn và mùn hữu cơ. Ngoài ra phân vi sinh Azotobacterin còn cung cấp đạm, lân, kali nhờ hoạt động của hệ vi sinh vật.

Khi bón phân vi sinh Azotobacterin sẽ cải tạo cải tạo được hóa tính của đất trồng nhờ việc tích lũy và gia tăng hàm lượng hữu cơ, phân giải các chất xơ như rơm rạ làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, tăng số lượng và chủng loại vi sinh vật có ích trong đất. Đồng thời nâng cao chất lượng nông sản do các hoạt động của vi sinh vật góp phần làm giảm các độc tố như NO3 và tăng cường quá trình tích lũy và hình thành các chất dinh dưỡng trong bộ phận thu hoạch.

Trong vụ mùa, để rơm rạ nhanh được phân hủy cần tăng cường vi sinh vật, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, hạn chế hiện tượng cây lúa bị ngộ độc, bạc lá. Bà con nên bón bổ sung phân vi sinh Azotobacterin. Cách bón như sau:

-Trường hợp không có phân chuồng:

Bón lót: 7-8 kg phân vi sinh thay thế phân chuồng + 20-25 kg NPK chuyên lót

Bón thúc: Lượng bón NPK chuyên thúc theo khuyến cáo của nhà sản xuât (bón như cũ)

-Trường hợp có phân chuồng:

Bón lót cùng với phân chuồng, lượng 6-7 kg/sào (hoặc có thể bón cùng lúc với phân thúc sau cấy 5-7 ngày) + NPK chuyên lót

Bón thúc: Lượng bón NPK chuyên thúc theo khuyến cáo của nhà sản xuât (bón như cũ)

3 Chế phẩm Fito-Biomix RR

*Nguyên liệu cho 1 sào

-Chế phẩm Fito- Biomix: 200g

-Chế phẩm xử lý H2S: 200ml

-Đất bột hoặc cát

*Cách làm

-Tiến hành trộn đều 200 g chế phẩm Fito- Biomix với 3 kg đất bột hoặc cát sạch sau đó trộn tiếp với 200 ml chế phẩm xử lý H2S.

-Rắc đều hỗn hợp vừa trộn xuống 1 sào gốc rạ sau đó tiến hành cày lật và đưa nước vào ruộng ngập 7-10cm.

-Sau 7-10 ngày là bừa cấy được.

Tác giả : Ks. Mai Thị Thu Hương- TTKNKNKN Thái Bình
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: