CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tiến bộ kỹ thuật mới
NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ VƯỜN ỔI BẰNG BIỆN PHÁP BAO QUẢ TRÊN CÂY

Cập nhật: 10/08/2013

    Ổi là cây ăn quả trồng phổ biến ở Thái Bình và một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Nam Định... Quả ổi có nhiều dinh dưỡng, vitamin tốt cho sức khoẻ con người. Đặc biệt tốt cho người bị bệnh tiểu đường.

      Hiện nay ở các nơi người dân trồng phổ biến các giống ổi lai, bỏ dần các giống ổi địa phương một năm chỉ ra quả một vụ và cho quả nhỏ. Cây ổi lai cho hai vụ quả trên năm. Đợt ra quả chính là vụ hè thu từ cuối tháng 3 ra hoa đến tháng 7 thu hoạch. Đợt ra quả trái vụ từ cuối tháng 9 thu hoạch vào dịp tết nguyên đán, ở vụ này ổi có giá trị kinh tế cao.

    Vụ hè thu ổi thường hay bị sâu ăn lá, sâu róm, các loại rệp hại cành, chồi non và  quả chín. Khi ổi chín thường bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại đặc biệt là dòi đục quả  (bà con thuờng gọi là ổi bị ngâu vầy).

 - Ruồi đục quả: (Bactrocera dorsalis - Họ: Trypetidae-Bộ diptera): Là loại côn trùng phá hại nghiêm trọng rất nhiều loại cây ăn quả như xoài, mận, ổi, táo, thanh long, cam quýt. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, có khả năng bay xa. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ trái khoảng 5 mm rồi đẻ một chùm 5 - 10 trứng vào đó. Vết chích rất nhỏ nhưng có thể nhận ra được nhờ vết mủ khô màu nâu trên mặt vỏ trái. Một con cái đẻ 100 - 200 trứng. Dòi nở ra đục ăn trong trái, tuổi càng lớn càng đục sâu vào phía trong làm trái bị thối và rụng. Bị hại nặng trái rụng hàng loạt. Trong 1 trái có thể có nhiều con dòi phá hại. Khi trưởng thành dòi chui ra khỏi trái rơi xuống đất hóa nhộng. Vòng đời trung bình 20 - 30 ngày, trong đó thời gian trứng 2 - 3 ngày, dòi 10 - 15 ngày, nhộng 7 - 10 ngày, ruồi trưởng thành có thể sống trên 1 tháng.

       Trong những trường hợp mật độ nhiều, sức gây hại lớn trong một thời gian ngắn thì bà con sớm sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh để phun trừ hoặc sử dụng các loại bẫy bả chua ngọt (tỷ lệ pha 1 đường + 1 dấm + thuốc dịch bách trùng) để dẫn dụ diệt ruồi vàng hoặc dùng pheromone của viện bảo vệ thực vật.

       Hiện nay một số nhà vườn dùng sản phẩm bả mồi dẫn dụ cả ruồi đực và ruồi cái: Sofri protein 10 DD, hạn chế phun thuốc trừ sâu bệnh nhằm tránh ngộ độc cho người sử dụng và đảm bảo tiêu chuẩn quả sạch an toàn.

       Biện pháp tiên tiến và có hiệu quả tốt nhất là bao quả bằng túi nilon. Bà con sử dụng kỹ thuật bao quả ngay từ khi quả ổi còn nhỏ để bảo vệ cho quả sạch, ngoại hình đẹp, không bị sâu bệnh tấn công, quả lớn nhanh, khách hàng ưa chuộng nên bán được giá cao. Túi bao quả thường sử dụng túi nilon trắng kết hợp tận dụng các túi lưới xốp đã sử dụng để bao quả nhằm giảm giá thành chi phí cho bà con và đảm bảo an toàn cho quả.

       Cách làm như sau: Sau khi ổi đã đậu quả được khoảng 2 tuần (quả lớn cỡ ngón tay cái) thì sử dụng các loại thuốc trừ sâu, bệnh như đã nói ở trên phun xịt qua một lần, chờ 3 - 4 ngày sau thì tiến hành bao quả. Chú ý: phun kỹ trên bề mặt vỏ quả, các chùm quả. Dùng túi nilon, lưới xốp… để bao quả, bằng cách luồn túi vào từng quả (với túi nhỏ cỡ 8 x 10 cm) hoặc cả chùm (với túi lớn cỡ 15 x 20 cm) rồi dùng dây buộc túm miệng túi lại, mỗi chùm quả bà con chỉ nên để 1 - 2 quả/chùm cho quả sinh trưởng nhanh hơn.

       Phía dưới đáy túi nhớ đục một vài lỗ để không bị đọng nước gây thối quả. Bằng cách làm này, chi phí cho công đoạn bao trái chỉ tốn khoảng 500 đồng/kg quả khi thu hoạch mà thực tế đã tiết kiệm được rất nhiều tiền thuốc, công phun, đặc biệt là tăng được sản lượng khoảng 25 - 30% so với không bao quả (nhờ quả ít bị rụng, ruồi châm đục), chất lượng, mã quả đẹp vỏ quả không bị rám, giá bán cao hơn nên mức lợi nhuận cũng cao hơn. Kỹ thuật bao trái này áp dụng cho đợt quả hè thu và đợt quả ra trái vụ. Đợt quả hè thu là vụ thu chính, cũng là vụ nhiều sâu bệnh hại. Từ kết quả kỹ thuật trên các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khảo Nghiệm Khuyến Nông Khuyến Ngư Thái Bình đã áp dụng biện pháp kỹ thuật này nhiều vụ đạt hiệu quả tại vườn ổi của Trung tâm. Vậy kính mong bà con tham khảo kỹ thuật bao quả để có hướng giải quyết cho vườn ổi nhà mình đạt kết quả và chất lượng.

Tác giả : Ks. Trần Thị Kiều Diễm - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: