CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tiến bộ kỹ thuật mới
GIỚI THIỆU GIỐNG LÚA MỚI CÓ TRIỂN VỌNG VỤ MÙA 2015

Cập nhật: 10/06/2015

    Qua khảo nghiệm và tuyển chọn nhiều vụ, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến Nông Khuyến ngư Thái Bình xin giới thiệu với bà con nông dân trong tỉnh một số giống lúa có triển vọng gieo cấy ở vụ mùa năm 2015 gồm: Giống lúa lai Nam ưu 209, giống lúa thuần Thiên Ưu 8, và giống lúa Nhật J03.

I. GIỐNG LÚA LAI NAM ƯU 209

1. Nguồn gốc: Là giống lúa lai 3 dòng của Công ty giống cây trồng Miền Nam lai tạo và phân phối tại Việt Nam.

2. Đặc điểm giống:

- Là giống lúa cảm ôn ngắn ngày, thời gian sinh trưởng vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ mùa 110 - 115 ngày, chiều cao cây 115 - 120 cm, đẻ nhánh khỏe, lá màu xanh đậm, nhỏ bản vũm lòng mo giống lá Xi 23, lá đòng đứng bền, trỗ thoát cổ bông tốt và ít mẫn cảm với thời tiết bất thuận.

- Khả năng chống chịu sâu bệnh: vụ xuân chưa nhiễm đạo ôn, vụ mùa chưa nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn nhẹ, chưa nhiễm rầy nâu... (đây là giống lúa lai thích hợp với vụ mùa ở Thái Bình)

- Các yếu tố cấu thành năng suất: số bông/khóm cao, số hạt/bông dao động 130 - 140 hạt, tỷ lệ lép 10 - 15%, trọng lượng 1000 hạt 26 - 28 gam, năng suất vụ xuân đạt 68 - 75 tạ thâm canh cao có thể đạt 80 tạ/ha, vụ mùa đạt 55 - 65 tạ/ha.

- Giống có hạt gạo dài, chất lượng cơm dẻo, có mùi thơm nhẹ đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được người dân rất ưa chuộng.

- Giống có thể thâm canh cả hai vụ đều cho năng suất ổn định.

3. Kỹ thuật canh tác:

* Chân đất cấy: Thích ứng nhiều chân đất, thích hợp nhất là chân ruộng thấp trũng, tầng canh tác dầy, điều kiện thâm canh cao.

* Thời vụ và ph­ương thức gieo cấy :

 - Lư­ợng giống 1kg/sào.

- Vụ xuân nên làm mạ nền cứng gieo xung quanh lập xuân, cấy khi mạ được 2,5 - 3 lá.

- Vụ mùa gieo 05/6 - 20/6 và cấy cuối tháng 6 đầu tháng 7.

 *  Mật độ cấy: nên cấy trên 38 - 40 khóm/m2, cấy với 1 - 2 dảnh/khóm.

 * Phân bón: (Dùng cho 1 sào): Cần thâm canh cân đối, bón tập trung đầu vụ. Dùng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng  cho lúa của các Công ty có uy tín trên thị trường hiện nay và tùy vào chân đất có thể sủ dụng lượng phân bón khác nhau.

- Bón lót: 3 - 4 tạ phân chuồng + 25 kg đa yếu tố NPK chuyên lót (6:11:2). Bón lót sâu tr­ước khi bừa cấy.

- Bón thúc:

+ Vụ xuân: bón 14 - 16 kg Phân NPK (16:5:17) chuyên thúc ngay khi lúa ra lá non; khi lúa bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa đòng nếu thấy lúa đói ăn bón thêm 1 - 2 kg urê và 1 - 2 kg kaly Clorua/sào (nên bón bằng kaly Canada, tránh phân kaly dính vào lá gây cháy lá lúa).

+ Vụ mùa: nên bón lượng phân 13 - 14 kg (16:5:17). Giai đoạn lúa thấp thoi trỗ có thể phun thêm phân bón lá: Đầu trâu + thuốc Tilsuper phòng đen lép hạt, tăng năng suất và chất l­ượng hạt.

* Chăm sóc:

- Giữ đủ n­ước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh.

- Th­ường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

II. GIỐNG LÚA THUẦN THIÊN ƯU 8

1. Nguồn gốc: Là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương chọn tạo.

2. Đặc điểm giống:

- Là giống cảm ôn ngắn ngày gieo cấy được cả hai vụ xuân, mùa.

- Chiều cao cây 100 - 110 cm, phiến lá thẳng đứng vũm lòng mo, màu xanh đậm, đẻ nhánh tập trung, gọn khóm.

- Thời gian sinh trưởng: vụ Xuân 125 - 130 ngày; vụ Mùa 100 - 105 ngày (gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 7 - 10 ngày).

-  Hạt thon, dài, mỏ cong, màu vàng sáng, khối lượng 1000 hạt 20 - 21 gram, chất lượng gạo tốt, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm. Năng suất trung bình vụ xuân đạt 65 - 75 tạ/ha, vụ mùa đạt 55 - 65 tạ/ha.

- Khả năng chống đổ khá, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính như: đạo ôn vụ xuân, bạc lá vụ mùa…

3. Kỹ thuật canh tác:

* Chân đất cấy: Thích ứng nhiều chân đất nhưng thích hợp nhất là chân đất từ vàn đến vàn cao, không nên cấy trên chân đất chua, trũng, hẩu để hạn chế sâu bệnh hại.

* Thời vụ và ph­ương thức gieo cấy:

- Lư­ợng giống 1 - 1,5 kg/sào bắc bộ.

- Vụ xuân nên làm mạ nền cứng gieo xung quanh lập xuân 4/2 cấy khi mạ được 2,5 - 3 lá.

- Vụ mùa gieo 05/6 - 20/6 và cấy cuối tháng 6 đầu tháng 7.

 *  Mật độ cấy: nên cấy trên 40 - 45 khóm/m2, cấy với 2 - 3 dảnh/khóm. 

 * Phân bón: (Dùng cho 1 sào bắc bộ): Cần thâm canh cân đối, bón tập trung. Nên dùng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho lúa của các Công ty có uy tín trên thị trường hiện nay và tùy vào chân đất có thể sử dụng lượng phân bón khác nhau.

- Bón lót: 3 - 4 tạ phân chuồng + 25 kg đa yếu tố NPK chuyên lót (6:11:2). Bón lót sâu tr­ước khi bừa cấy.

- Bón thúc:

+ Vụ xuân: bón 13 - 14 kg phân chuyên thúc NPK (16:5:17) ngay khi lúa ra lá non.

+ Vụ mùa: bón 12 - 13 kg phân chuyên thúc NPK (16:5:17). Giai đoạn lúa thấp thoi trỗ có thể phun thêm phân bón lá: Đầu trâu... + thuốc Tilsuper phòng đen lép hạt, tăng năng suất và chất l­ượng hạt.

* Chăm sóc:

- Giữ đủ n­ước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh.

- Th­ường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

III. GIỐNG LÚA NHẬT J03

1. Nguồn gốc: giống do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chọn tạo.

2. Đặc điểm:

- Đặc điểm sinh trưởng: J03 là giống lúa thuần, gieo trồng được hai vụ trong năm, thời gian sinh trưởng vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày; chiều cao cây trung bình từ 110 - 115 cm, dạng hình gọn, góc lá hẹp, cứng cây, chống đổ tốt, chịu rét tốt, chịu thâm canh, lá xanh đậm, khỏe.

- Các chỉ tiêu năng suất: Dạng hạt bầu tròn ít rụng, tỷ lệ lép thấp, số hạt chắc/bông cao trung bình từ 140 - 150 hạt; P1000 hạt dao động từ 25 - 26 gam, năng suất đạt từ 65 - 75 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt trên 80 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo. 

- Khả năng chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện ngoại cảnh: chưa thấy nhiễm đạo ôn, bạc lá, nhiễm khô vằn nhẹ, chưa bị nhiễm rầy, chịu lạnh tốt.

- Thời vụ và chân đất: J03 thích hợp ở trà xuân chính vụ và mùa trung, trên chân đất vàn, vàn trũng hoặc vàn cao có độ phì từ khá trở lên.

Hạn chế:  giống J03 có khả năng nảy mầm chậm do vậy cần ngâm với thời gian dài và nên sử dụng thuốc phá ngủ đặc biệt là giống chuyển vụ.

3. Quy trình kỹ thuật

* Thời vụ:

- Vụ xuân: Gieo mạ non xung quanh lập xuân (4/2), cấy khi mạ được 2,5 - 3 lá;  đảm bảo cho lúa trỗ xung quanh lập hạ (5/5) để gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Vụ mùa: Gieo mạ non từ 30/6 - 05/7, cấy khi mạ được 8 - 10 ngày.

* Ngâm ủ giống: 

Đối với giống cũ đã qua bảo quản 1 vụ cần ngâm trong 48 giờ, cứ sau 12 giờ đãi hạt và thay nước một lần.

Khi thấy hạt đã hút đủ nước (phần phôi hạt trắng đều) thì đãi sạch rồi ủ. Đối với hạt giống mới chuyển vụ cần xử lý phá ngủ trước khi ngâm ủ.

Đối với lúa giống mới thu hoạch (lúa tươi): Sử dụng dung dịch nước lân super 5% hoặc axit nitric (HN03) 0,2% để phá ngủ.

Cách làm:

Cách 1: Phá ngủ bằng axit nitric 0,2%: pha 2ml axit nitric trong 1 lít nước, ngâm cho 1kg giống; ngâm trong 24 giờ. Sau đó đãi sạch axit rồi tiếp tục ngâm trong nước 48 - 60 giờ.

Cách 2: Phá ngủ bằng Supe lân Lâm Thao: Cứ 10 lít nước cần 0,5 kg super lân. Hòa tan lân sau đó lấy nước trong  ngâm hạt giống khoảng 10 giờ, sau đó đãi sạch nước lân. Tiếp tục ngâm bằng nước sạch trong khoảng 60 - 70 giờ.

Trong thời gian ngâm nước , thường xuyên đãi chua và thay nước  (vụ xuân 10 - 12 giờ, vụ mùa 5 - 6 giờ thay nước 1 lần). Sau khi ngâm xong đãi sạch nước  chua, để ráo nước  rồi ủ bình thường.

ủ hạt: đối với vụ mùa thời tiết nóng thì ủ ở nhiệt độ bình thường. Đối với vụ xuân trước khi ủ cần ngâm qua nước ấm và ủ kín.

* Chú ý:

Khi hạt nảy mầm rồi cần hạ nhiệt độ, thường xuyên tưới nước đủ ẩm để mầm phát triển cân đối.

* Phân bón: Tính cho 1 sào bắc bộ

Phân chuồng 300 - 400 kg hoặc có thể thay thế bằng các loại phân hữu cơ vi sinh theo khuyến cáo của nhà sản xuất và kết hợp với sử dụng phân đa yếu tố chuyên dùng bón lót, bón thúc của các Công ty có uy tín đang có mặt trên thị trường hiện nay.

*Ví dụ: bón phân đa yếu tố Văn Điển:

Cách bón:

- Bón lót: 300 - 500 kg phân chuồng + 25 kg NPK (5:10:3) chuyên lót.

- Bón thúc 1 lần: 13 - 15 kg NPK (16:5:17) chuyên thúc, kết hợp làm cỏ sục bùn.

- Bón bổ sung: Nếu trên đất ruộng quá xấu, lá cây vàng, còi cọc thì có thể bón đón đòng bổ sung từ 1 - 2 kg đạm Ure + 2 kg kali clorua.

* Cấy: Mật độ 40 -  45 khóm/m2, 3 - 4 dảnh/khóm.

* Chăm sóc:  Luôn giữ đủ nước và chăm bón sớm ngay từ đầu vụ. Khi lúa đã kết thúc đẻ (đủ số nhánh 8 - 10 nhánh) tháo cạn nước. Khi lúa chuẩn bị trỗ phải giữ nước 3 - 5 cm tạo điều kiện cho lúa trỗ thoát, vào mẩy tốt.

* Phòng trừ sâu bệnh: Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và phun phòng trừ một số đối tượng sâu, bệnh hại theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn.

* Thu hoạch:  Nên thu hoạch khi lúa chín hoàn toàn. 
Tác giả : ThS. Nguyễn Thanh Phong - TTKNKNKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: