CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật trồng cây ổi Đài Loan cho năng suất chất lượng cao

Cập nhật: 19/04/2021

    Ổi Đài loan là giống ổi mới du nhập vào nước ta vài năm gần đây, giống ổi này mang nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với những giống ổi nội địa như: Quả to, vỏ sáng bóng, vị giòn ngọt và rất ít hạt. Không chỉ mang chất lượng thơm ngon mà giống ổi Đài loan còn có tiềm năng cho năng suất cao, cây cho quả sau trồng khoảng 10 - 12 tháng và cho thu hoạch ổn định 2 năm sau trồng, năng suất đạt 15 - 35kg quả/cây/năm.


     1. Chọn giống


     Ổi Đài Loan có thể nhân giống bằng cách chiết cành hoặc ghép, lựa chọn những cây giống khỏe mạnh, không sâu bệnh, cao trên 50cm, không bị vỡ bầu đất.


     2. Thời vụ trồng

    

     Có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thời vụ trồng ổi Đài Loan thích hợp nhất là vào mùa xuân, khi có mưa ẩm, cây sẽ nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt hơn.


     3. Làm đất


     Ổi thích hợp với nhiều loại đất, tuy nhiên những nơi có đất màu mỡ thường cho năng suất chất lượng quả cao hơn, đất không được quá trũng, phải tiêu thoát nước khi có mưa, những nơi đất thấp trũng cần phải lên luống cao 50 - 60cm. Khoảng cách trồng cây cách cây 3,5 - 4m.


     Chuẩn bị hố trồng: Đào hố kích thước 50x50x50cm, nên đào hố trước khi trồng 2 - 4 tuần, tiến hành bón lót: Phân chuồng hoai mục 3 - 5kg có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh + 0,5kg super Lân + 0,3 kg NPK lót (5:10:3) trộn đều với đất rồi lấp đất cho gần đầy hố. Sau đó phủ lớp đất mặt vào sao cho vị trí trồng cây cao hơn khoảng 10cm.


     Trồng cây: Cần trồng nổi so với mặt ruộng/vườn, đặt cây ngay ngắn ở giữa và nhẹ nhàng tháo bầu, cần thao tác nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu cây giống. Lấp đất bằng mặt bầu, ấn chặt đất xung quanh để hạn chế cây bị long gốc sau trồng, cắm cọc cạnh cây và buộc cây vào cọc để cây đứng thẳng không bị gió lay. Sau trồng cần tưới ngay để giúp cây nhanh bén rễ, có thể tưới các chế phẩm kích thích ra rễ.


     4. Chăm sóc


     Nước tưới: Sau trồng cần thường xuyên tưới đủ ẩm để cây nhanh bén rễ và sinh trưởng thuận lợi. Nếu trồng mùa Xuân, ẩm độ cao, nhiệt độ ấm cây phát triển rất nhanh, ít tốn công chăm sóc và tưới nước. Thường xuyên vun xới và làm cỏ dại cho cây. Có thể hạn chế cỏ dại bằng cách ủ rợm rạ xung quanh gốc, vừa có tác dụng giữa ẩm và giữ phân cho cây. Mỗi năm tiến hành bón phân và kết hợp vun xới 2 - 3 lần  để đất thông thoáng và tơi xốp


     Lượng phân bón: Năm thứ 1 và 2 lượng phân bón trung bình khoảng 0,3 - 0,5kg phân NPK (13:13:13)/gốc/năm, từ năm thứ 3 cây đã có bộ tán rộng và cho thu hoạch ổn định, bón lượng từ 0,8 - 1,2kg NPK (13:13:13)/gốc/năm.


     Cách bón: Chia làm 3 - 4 lần/năm, mỗi lần bón 1/3 lượng phân.  Lần 1 bón vào tháng 3 hoặc tháng 4, bón xung quanh gốc cách gốc 30 - 40 cm, sau đó kết hợp làm cỏ, vun gốc.


     Lần 2 bón vào tháng 7, bón phân kết hợp làm cỏ và vun gốc. Lần 3 bón tháng 10 hoặc tháng 11.


     5. Kỹ thuật cắt tỉa tạo hình


     Để có năng suất và chất lượng quả khi thu hoạch bà con cần phải thực hiện tỉa cành và bấm ngọn. Loại bỏ những cành quá cao, những cành vượt, giữ cho tán cao 1,5 – 2 m để dễ dàng chăm sóc thu hái.


     Sau trồng khoảng 2 - 3 tháng, cành cấp 1 ra 4 – 6 lá thì bấm ngọn, trên cành cấp 1 sẽ có 2 – 3 mầm ở nách lá, khi chồi này đạt 4 – 6 lá thì bấm ngọn tiếp để tạo cành cấp 2. Cứ thực hiện như vậy ổi sẽ có tán xòe rộng.


     Lưu ý: Tỉa bớt những cành yếu, khô héo, sâu… chỉ để lại những cành khỏe mạnh.


     6. Sâu bệnh


     Cần chăm bón cân đối, dọn vệ sinh vườn tốt, kết hợp sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục cũng có tác dụng hạn chế các đối tượng sâu bệnh hại cây.


     Các loại sâu ăn lá như sâu róm có thể sử dụng Karate 2,5EC để phun trừ, Ổi Đài Loan dễ bị các đối tượng chích hút như rầy rệp, rệp sáp, rệp bông, rệp vẩy… sử dụng các loại thuốc trừ rầy rệp như Oshin, Acetmitripid… để phun trừ.


     Ruồi đục quả: Thường gây hại tháng 6, tháng 7, thời điểm này có mưa nhiều, ổi đến thời kỳ cho quả, đối tượng ruồi đục quả phát triển mạnh nhất trong năm, trưởng thành chích vào quả và đẻ trứng, làm đui quả non hoặc quả chín có dòi bên trong không ăn được. Biện pháp phòng trừ: Dọn vệ sinh vườn sạch sẽ, thu nhặt những quả bị ruồi gây hại đem đi xử lý, có thể sử dụng bả dẫn dụ tuy nhiên những nơi mật độ ruồi đục quả cao thì biện pháp này ít hiệu quả; để hạn chế bị ruồi đục quả gây hại và giúp mẫu mã quả đẹp hơn bà con nên sử dụng biện pháp bao quả khi quả còn nhỏ.


     8. Thu hoạch và bảo quản


     Trồng bằng cành chiết hay cây ghép sẽ cho quả sớm và sau 2 năm trồng sẽ cho quả ổn định. Quả chín thì màu xanh nhạt đi, sau chuyển vàng, vỏ quả nhẵn là có thể thu hoạch.

Tác giả : KS. Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: