CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật trồng và chăm sóc gừng

Cập nhật: 29/04/2021

    Một vài năm trở lại đây, xu hướng sử dụng các loại cây dược liệu, cây gia vị được nhiều người quan tâm như: Cây Cà gai leo, Đinh lăng, Bạc hà, Gừng… nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã ký kết hợp đồng bao tiêu các loại cây dược liệu và chế biến các sản phẩm thảo dược. Cây gừng cũng là một trong những loại cây trồng dễ tính, có thể trồng được ở Miền Bắc và mang lại giá trị kinh tế cao. Sau đây là một số hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gừng:

1. Thời vụ trồng

Cây gừng có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, nhưng cây sinh trưởng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết có nắng ấm và không chịu lạnh. Khung nhiệt độ tốt nhất cho cây gừng sinh trưởng phát triển trên 20oC. Vì vậy, để cây sinh trưởng phát triển tốt và giảm công tưới sau trồng, thời vụ trồng gừng tốt nhất đối với các tỉnh Miền Bắc nên trồng vào đầu mùa Xuân, tức trồng từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch hàng năm.

2. Đất trồng

Cây gừng không kén đất, tuy nhiên để cây sinh trưởng phát triển tốt, nên trồng trên đất có hàm lượng mùn cao, thành phần cơ giới nhẹ; thoát nước tốt; tráng nắng. Có thể tận dụng trồng xen dưới bóng của các cây trồng khác, tuy nhiên trồng ở những ruộng này năng suất sẽ giảm.

Chuẩn bị đất trồng: Tốt nhất công tác làm đất, bón phân lót được tiến hành trước khi trồng từ 20 - 25 ngày. Đất trồng gừng được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại; lên luống cao 10 - 20 cm, mặt luống rộng 1 - 1,2 m, rãnh sâu 25 - 30cm. Sau khi lên luống tiến hành bổ hốc sâu từ 15 - 20 cm, khoảng cách hốc cách hốc từ 30 - 35 cm. Trộn đều phân và bón xuống hốc. Bón xong lấp đất phủ kín hốc để trừ chiều sâu hốc từ 4 - 5 cm.

3. Chuẩn bị giống gừng

Hiện nay giống gừng có nhiều loại cho năng suất, chất lượng tốt, nhưng phổ biến là giống gừng Trâu và gừng Gié. Tùy vào điều kiện, mục đích của người sản xuất để lựa chọn giống gừng trồng cho phù hợp. Củ gừng giống tốt cần đạt một số tiêu chuẩn như: vỏ già, bóng và còn tươi, mẩy, có ít nhất hai mắt mầm.

Giống gừng trước khi ươm trồng cần được xử lý bằng các loại thuốc trị nấm để phòng bệnh và diệt nấm. Một số thuốc có thể sử dụng như Rhidomiel, Validacine, …

4. Kỹ thuật ươm giống gừng trước khi trồng và trồng gừng

Nếu trồng trên diện tích lớn nên ươm giống gừng trước khi trồng để giúp cho gừng giống mọc mầm đồng đều. Sau trồng cây gừng phát triển nhanh và tăng tính đồng nhất trong ruộng gừng, dễ chăm sóc.

 Cách ươm giống gừng: Gừng giống có thể lấy ngay sau khi thu hoạch hoặc sau khi được bảo quản trong một thời gian ngắn, với lượng cần chuẩn bị khoảng 100 kg/360 m2 ruộng. Chọn củ gừng già (gừng cựu, phần thân chính của nhánh gừng hoặc gừng từ đủ 9 tháng tuổi trở lên), bẻ hoặc cắt các đoạn củ (nhánh) dài 2,5 - 5 cm, trên mỗi nhánh phải có ít nhất 1 mắt mầm (chồi ngủ).

Cắt hom giống: Dùng dao sắc cắt hom giống sao cho vết cắt phẳng dứt khoát, sau khi cắt nên chấm tro bếp ngay để giảm chảy nhựa trong củ. Sau cắt từ 4 - 6 giờ tiến hành ủ hom gừng giống.

Ủ hom gừng giống: Có thể tiến hành ủ hom bằng cách ủ ẩm phủ rơm rạ, ủ bằng tro trấu ẩm hoặc ủ bằng cát ẩm. Nhưng phổ biến hiện nay đang được áp dụng là phương pháp ủ bằng cát. Cho cát sạch vào thùng xốp hoặc có thể đổ một lớp cát từ 15 - 20 cm ở góc nhà. Xếp lần lượt hom giống gừng với khoảng cách hom cách hom từ 3 - 5 cm, rồi phủ kín thêm một lớp cát sạch, tiến hành tưới đẫm. Trong suốt quá trình ươm hom cần duy trì độ ẩm 80 - 90%, ngày tưới 1 lần. Việc ươm giống gừng được tiến hành trước khi trồng từ 10 - 15 ngày. Khi gừng nhú mắt có thể đem trồng.

Trồng gừng: Trên mỗi luống trồng thành 2 hàng so le nhau (kiểu nanh sấu), với hàng cách hàng 40 - 50 cm và cây cách cây 30 - 40 cm (đất xấu trồng dày, đất tốt trồng thưa). Đặt giống (đã chuẩn bị trước) sâu 5 - 7 cm, mắt mầm/chồi hướng lên hoặc hướng ngang, lấy đất mịn phủ lên rồi ấn chặt tay để đất tiếp xúc tốt với củ, sau đó phủ đất mịn cho bằng mặt luống.

5. Chăm sóc cho gừng

Tùy mức độ thâm canh, chân đất và sức sinh trưởng của cây, có thể bón theo mức sau:

Phân bón lót: Tận dụng các loại phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục để bón với lượng khoảng 8 - 10 tấn/ha + 190 - 220 kg phân Super lân/ha (tương đương 280 - 360 kg/sào phân hữu cơ + khoảng 7-8 kg Lân Supe/sào Bắc bộ).

Phân bón thúc: Lượng phân bón/1 sào: 3-4 kg ure + 4-5 kg kali, chia đều 4 lần bón. Lần 1 bón sau trồng 30 ngày, lần 2 bón sau trồng 60 ngày, lần 3 bón sau trồng 90 ngày, lần 4 bón sau trồng 120 ngày.

Cách bón: Rải phân cách gốc 10 cm kết hợp vun gốc lấp phân bón cho cây. Sau đó tưới nước giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Giai đoạn gừng mới mọc chồi cần lưu ý ốc sên cắn ngọn gừng. Khi phát hiện ốc sên tiến hành bắt thủ công, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cây gừng dễ bị một số bệnh như: Bệnh thối củ, rễ, thân có thể dùng thuốc phun định kỳ 10 - 15 ngày/lần.

7. Thu hoạch và bảo quản gừng

Tùy vào mục đích sử dụng, có thể thu hoạch gừng từ 5 tháng trồng trở đi, khi gừng có lá chuyển sang màu vàng và khô trên 2/3 số lá. Gừng để làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Khi thu hoạch gừng nên đào khéo tránh gây gãy, đập nát củ gừng dễ tạo điều kiện cho sâu bệnh xâm nhập. Thời gian sau trồng từ 7 - 8 tháng cây gừng sẽ già, lá sẽ héo rụng đi, thì ngừng tưới nước để chuẩn bị thu hoạch. Nên chọn ngày thu hoạch khi thời tiết nắng ráo. Sau khi thu hoạch cần bảo quản củ gừng nơi thoáng mát, có thể đóng bao để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Tác giả : Ks. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: