CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Một số lưu ý về kỹ thuật trồng cây cà chua

Cập nhật: 08/07/2020

    Cà chua có thể trồng nhiều vụ trong năm. Trong đó, vụ Đông Xuân là vụ chính và cho năng suất cao nhất. Vì vậy, nếu trồng vụ Hè Thu cần lưu ý:


     1. Thời vụ trồng và chọn giống


     - Vụ Hè Thu: Gieo hạt vào khoảng tháng 6, tháng 7 và có thể thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Vụ này thường được giá, năng suất không cao do yếu tố thời tiết nhiều rủi ro, đặc biệt là nắng nóng và mưa bão nên cần chú ý phương án phòng chống ngập úng và chống nắng cho cây.


     - Chọn giống: Cần chọn giống có khả năng chịu nhiệt tốt, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ.


     2. Kỹ thuật trồng cà chua vụ Hè Thu


     2.1. Kỹ thuật làm cây con:


      Trước khi gieo hạt cần ngâm hạt trong nước ấm 50 độ C khoảng 4 tiếng.


     Có thể gieo hạt vào khay hoặc gieo vườn ươm. Đất cần được làm tơi xốp, luống lên cao khoảng 20-25cm, rộng 80-100cm


     Gieo hạt xong cần tiến hành phủ một lớp vỏ trấu hoặc rơm rạ băm trên mặt luống (nếu là rơm rạ cần rỡ bỏ ra khi hạt nhú mầm). Trong thời gian cây con cần tưới đủ ẩm và phun phòng bệnh lở cổ rễ chết cây con, nếu trời có mưa cần che mưa cho cây, dừng tưới nước cho cây giống khoảng 1 tuần trước khi đem trồng; nếu trời nắng nóng cần che lưới đen, trời mưa cần làm vòm nilon trắng để che mưa.


     2.2. Kỹ thuật trồng:


     Tiến hành làm đất cày bừa và phay nhỏ đất, nhặt cỏ và tàn dư rơm rạ. Lên luống với mặt luống rộng từ 1-1,1m, rãnh rộng 20-30cm, sâu 15-20cm. Nên bố trí luống theo hướng nước chảy và luống cao hơn các vụ khác để thuận tiện cho việc tiêu thoát nước khi gặp mưa lớn gây ngập úng.


     - Mật độ trồng: khi cây con được từ 4-5 lá thật loại bỏ cây còi cọc, sâu bệnh tiến hành gieo trồng, mỗi luống trồng 2 hàng sao cho hàng cách hàng 60-65 cm, cây cách cây 40-50 cm.


     - Lượng phân và cách bón:


     Lượng phân: Bón khoảng 15-18 kg NPK 13:13:13+TE hoặc loại 16:16:8+TE và 2-3 kg Kali clorua.


     Bón lót toàn bộ phân chuồng +1/4 lượng phân NPK. Bón rải đều theo hàng, trộn đều ở độ sâu 15-20cm và lấp kín đất trước khi gieo trồng.


     Bón thúc lần 1 sau khi trồng 7-10 ngày, bón 1/4  tổng lượng phân NPK.


     Bón thúc lần 2 khi cây bắt đầu ra nụ bón: bón 1/4 lượng NPK, tưới thúc 2 lần bằng cách ngâm phân NPK sau đó pha loãng tưới cho cây, mỗi lần tưới cách nhau 5-7 ngày.


     Bón thúc lần 3 khi cây ra hoa rộ và bắt đầu đậu quả, bón toàn bộ lượng phân còn lại.


     - Xới xáo và vun gốc cho cây:


     Lần 1: Khi cây 3-4 lá thật, xới nhẹ phá váng lớp đất mặt cho tơi xốp.


     Lần 2: Sau trồng 25-30 ngày, xới vun nhẹ vào gốc tạo cho cây đứng vững.


     Lần 3: Sau trồng 35-40 ngày, xới vun cao vào gốc cây sau đó làm giàn cố định cho cây không cần xới xáo nữa.


     2.3. Làm giàn


     Việc làm giàn được tiến hành sau khi cây ra chùm hoa thứ nhất. Mỗi cây cà chua vươn tới đâu thì buộc thân cây vào cọc giàn tới đó.


      2.4. Bấm ngọn và tỉa cành


     Với cà chua sinh trưởng hữu hạn: Tiến hành bấm cành nhưng vẫn để lại một cành từ thân chính ở nách lá phía dưới chùm hoa thứ nhất. Cắt tất cả chồi non và cành khỏe. Bấm ngọn khi cây đó ra được 4 – 5 chùm quả. Tính từ chùm quả cuối cùng lên chừa lại hai lá, phần ngọn phía trên bấm đi.


     Cà chua sinh trưởng vô hạn: Không cần bấm ngọn, có thể để thân chính vươn dài theo cọc giàn. Đến cuối thời kỳ sinh trưởng của cây, tỉa bỏ những lá già vàng để ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại giúp cho cây phát triển tốt.

Tác giả : KS. Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: