CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dế mèn thịt thương phẩm

Cập nhật: 08/09/2020

    Dế mèn là loài côn trùng có chất lượng thịt thơm ngon, giàu đạm, nhiều khoáng chất như calci, phospho, kali, mangan, natri, sắt và các vitamin nên thịt dế là một món ăn được ưa chuộng. Con dế nuôi sinh trưởng tốt, thời gian nuôi ngắn ngày và có đầu ra khá thuận lợi, phù hợp với nuôi kinh doanh, phát triển kinh tế. Để nuôi dế đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dế thương phẩm sau:

1. Chuồng trại và dụng cụ nuôi dế


Tùy theo điều kiện, quy mô, chuồng nuôi dế cần đảm bảo: Cao ráo, sạch sẽ, không bị mưa tạt gió lùa.


Một số dụng cụ nuôi cần thiết như:


Thùng xốp để ấp trứng: kích thước 40 cm x 60 cm.


Thùng nuôi: Có thể tận dụng thùng nhựa, xô, chậu, thùng carton, thùng gỗ. Để nuôi quy mô lớn và lâu dài, tốt nhất nên dùng thùng gỗ (không nên xây bể xi măng hay làm thùng sắt vì chi phí cao). Thùng gỗ có nhiều kích thước khác nhau: 120 x 120 x 60 cm hoặc 90 x 200 x 80 cm,... Tất cả các thùng đều phải có nắp đậy, có ô thoáng bằng lưới để tránh dế bay ra ngoài hoặc động vật khác tấn công.


Giá để đậu: Dế thích leo trèo và nghỉ ngơi ở trên cao. Do đó, bà con có thể dùng rế bằng tre hoặc khay giấy đựng trứng gia cầm cho vào trong thùng, xếp thành nhiều tầng tạo cho dế ở.


Khay đựng thức ăn: Chủ yếu là khay để đựng cám, còn cỏ và rau xanh bỏ trực tiếp vào chuồng nuôi. Mỗi ngày cần vệ sinh khay ăn một lần, loại bỏ thức ăn thừa, ôi thiu để đảm bảo vệ sinh, giảm dịch bệnh.


Khay cho dế đẻ: Khay nhựa hình tròn hoặc hình chữ nhật, đựng hỗn hợp cát và xơ dừa tơi xốp, mịn, ẩm; có lưới nhỏ chắn trên mặt khay để tránh dế chui vào khay đào bới.


2. Cách chọn dế giống và ấp trứng


Cách nhận biết dế đực, dế cái: Dế đực cánh màu nâu pha đen và không bóng mượt, bụng thon nhỏ hơn, không có máng đẻ trứng. Dế đực kêu để gọi con cái. Dế cái cánh màu đen và bóng mượt, bụng to hơn, có máng đẻ trứng ở phần đuôi giống hình cái kim.


Cách chọn dế giống: Chọn con giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị bệnh tật. Dế đực phải to khỏe, tiếng gáy to. Dế cái ưu tiên chọn những con bụng lớn. Tỉ lệ đực cái thường là: 1: 2 hoặc 1 : 3. Thường 2 - 3 ngày sau dế cái sẽ bắt đầu đẻ trứng, khi đó cho khay hứng trứng vào để dế đẻ. Dế đẻ liên tục đến khi rạc thì chết khoảng 20 đến 30 ngày.


- Cách ấp trứng: Lấy khay trứng cho vào trong thùng xốp, xếp các khay trứng chồng lên nhau, dùng khăn ẩm để phủ lên. Nhiệt độ cần cho trứng nở khoảng 25 – 300C. Hàng ngày phun nước dạng sương mù để giữ độ ẩm, phun ngày 2 lần vào mùa hè, 1 lần vào mùa đông, tránh phun quá nhiều nước dễ bị ung trứng.


Sau 9 – 12 ngày dế sẽ nở, để đảm bảo mật độ nuôi hợp lý và độ đồng đều nên để dế con nở cùng 1 ngày của 2 – 3 khay trứng vào 1 thùng nuôi, không nên để khay trứng nở của 2 – 3 ngày khác nhau vào cùng một thùng để tránh đàn dế con to con nhỏ không đồng đều.


3. Thức ăn, nước uống


- Thức ăn: Có thể tận dụng các loại rau, củ, quả như: Thân và lá cây chuối, lá rau khoai lang, lá sắn, lá đu đủ, rau muống, cùi dưa hấu, dưa chuột, xơ mít,… tất cả các rau, cỏ cho dế ăn phải tươi sạch và không nhiễm hóa chất độc hại. Bổ sung thêm thức ăn công nghiệp hoàn chỉnh đã nghiền mịn, thường dùng loại thức ăn viên cho gà con nghiền mịn.


- Nước uống: Cho dế ăn rau xanh tươi đã cung cấp nước cho dế nên cũng có thể không phải đổ nước cho dế uống, dùng bình phun dạng sương mù để cung cấp độ ẩm cho dế hoặc thấm ẩm vải mềm rồi cho vào xung quanh thùng nuôi.


4. Chăm sóc nuôi dưỡng dế thịt thương phẩm


* Giai đoạn dế con từ 1 - 30 ngày


Dế con mới nở cơ thể chỉ bằng 1 con kiến gió, màu trắng, sau khoảng 3h thì chuyển màu đen và hoạt động được ngay. Giai đoạn này không nên đặt khay nước vào thùng mà chỉ dùng bình phun sương tưới ẩm.


Sau 10 - 15 ngày, dế bắt đầu quy trình lột xác lần 1 để lớn.


Thường xuyên dùng đèn pin kiểm tra, quan sát nếu thấy có con bị chết, dập cánh, chân rụng nhiều,… thì phải san đàn ngay do mật độ dày.


* Giai đoạn nuôi dế thịt từ 30 - 45 ngày


Giai đoạn này dế ăn khỏe nhất, sung sức nhất và hoạt động nhiều nhất nên phải bổ sung đầy đủ thức ăn, đặc biệt là thức ăn tinh. Đây là thời điểm dế bắt đầu lột xác lần 2, đầu và cánh sẽ bắt đầu nhú ra. Nên xếp thêm các rế vào thùng để chúng có không gian nhảy nhót, leo trèo.


Cuối giai đoạn này dế nuôi thịt thương phẩm có thể xuất bán, những con khỏe đẹp được để lại làm giống.


Thu hoạch dế thịt: Vì vòng đời rất ngắn nên phải tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, thu hoạch đúng thời điểm và đúng cách để thịt dế không bị giảm chất lượng, dế không bị chết.


Dùng vợt nilon nhỏ để thu hoạch dế cho vào thùng cùng với rế và một ít cỏ tươi. Như vậy, khi vận chuyển đi xa sẽ không làm cho dế bị chết.


Nếu vận chuyển quá 100 km thì nên trữ đông bằng cách: Vợt dế ra, ngâm vào nước muối pha loãng nồng độ 5%, sau 3 - 5 phút thì vớt ra, để ráo nước, đóng gói, trữ đông và vận chuyển.


5. Vệ sinh chuồng nuôi, phòng trừ dịch bệnh gây hại


Dế ưa sạch sẽ, sống trong điều kiện khô ráo, thoáng mát do đó cần đảm bảo chuồng và thùng nuôi sạch sẽ.


Mỗi ngày sau khi cho ăn cần quan sát tình trạng ăn uống và điều chỉnh cho phù hợp, nhặt bỏ thức ăn thừa còn sót lại hoặc những lá rau cỏ đã bị úa vàng, úng, thối. Tuyệt đối không cho dế ăn cám bị ôi mốc và nước bẩn.


Thường xuyên quét dọn nền chuồng sạch sẽ, không để thức ăn thừa hoặc nước uống vương vãi làm phát sinh mầm bệnh.


Đến giai đoạn trưởng thành, nên dãn cách mật độ nuôi trong thùng bằng cách xếp các lớp rế bên trong cho dế vận động, tạo độ thông thoáng.


Không xịt trực tiếp các loại thuốc xịt muỗi, thuốc xịt côn trùng vào khu vực nuôi dế.


Không để kiến, gián xâm nhập và ăn tranh thức ăn của dế.


Dế mèn rất dễ nuôi, ít bệnh tật nên trong suốt quá trình nuôi hầu như chỉ cần thực hiện công tác phòng bệnh với 3 tiêu chí: ăn sạch - uống sạch - ở sạch.


Tác giả : BSTY. Ngô Thị Bích
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: