CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại ớt

Cập nhật: 07/10/2020

    Cây ớt là một trong số các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao được người dân tại các huyện Quỳnh Phụ chọn là cây chủ lực trong vụ đông, nay được nhiều nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

     1. Kỹ thuật chăm sóc ớt

     1.1. Bón phân

     Lượng phân bón trung bình (ha): (185-210 N) - (150-180 P2O5) - (160-180 K2O) kg/ha.

     Tương đương mỗi sào cần bón: 20-25 kg NPK 16:16:8 + TE và 15-20 kg NPK 13:13:13 + TE hoặc NPK 15:15:15 + TE + 10-15 Kg NPK 16 :8 :16 + TE và 4-5 Kg Calcium Nitrat (Ca(NO3)2).

     Cách bón:

     Bón lót: toàn bộ lượng phân chuồng và 20-25 kg NPK 16:16:8 + TE

     Bón thúc 1 (Khi cây phân cành): Khoảng 20-30 ngày sau trồng bón 5-7 kg NPK 13:13:13 + TE hoặc 15:15:15 +TE và 1 kg Calcium Nitrat (Ca(NO3)2)

    Bón thúc 2: Sau trồng khoảng 55-60 ngày bón 5-7 kg NPK 16:8:16 + TE và 1 kg Calcium Nitrat (Ca(NO3)2)

    Bón thúc 3: Khi bắt đầu thu hoạch quả bón 5-7 kg NPK 16:8:16 + TE và 1 kg Calcium Nitrat (Ca(NO3)2)

     Lượng phân còn lại bón bổ sung sau mỗi lần thu hoạch quả.

     Bón phân bằng cách: Vén màng phủ lên vãi phân một bên hàng cây, lần bón sau thì rải phía ngược lại hoặc đục lỗ màng phủ giữa 2 gốc cây. Chú ý: Ớt thường bị thối đuôi quả do thiếu canxi, do đó mặc dù đất được bón vôi đầy đủ trước khi trồng hoặc bón đủ Ca(NO3)2 nhưng cũng nên chú ý phun bổ sung phân Canxi Clorua (CaCl2) định kỳ 7 - 10 ngày/lần vào lúc quả đang phát triển để ngừa bệnh thối đuôi quả. Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân.

     1.2. Tỉa nhánh - làm giàn

     Tỉa nhánh: Các cành nhánh dưới điểm phân cành đều được tỉa bỏ cho gốc thông thoáng hạn chế sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi các cành phía trên để ớt phân tán rộng.

     Làm giàn: Giàn giữ cho cây đứng vững, để cành lá và quả không chạm đất, hạn chế thiệt hại do sâu đục quả và bệnh thối quả làm thiệt hại năng suất, giúp kéo dài thời gian thu hái quả. Giàn được làm bằng cách cắm trụ cứng xung quanh hàng ớt, dùng dây nilon giăng xung quanh và cột dây nilon lúc cây chuẩn bị ra hoa rộ.

     1.3. Tưới nước

     Ớt là cây có bộ rễ kém phát triển, thân lá nhiều do vậy cây ớt cần nước nhưng không chịu được úng do vậy tưới nước cần lưu ý:

     Ớt nên tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Khi tưới cần tháo nước vào rãnh cho ngập khoảng 1/3 - 1/2 rãnh rồi để nước ngấm vào trong luống sao cho mặt luống đất không bị thâm đen.

     Chú ý: Khi trên ruộng có cây bị bệnh do các tác nhân gây bệnh ở trong đất thì hạn chế phương pháp tưới này mà chuyển sang tưới gốc và giảm tối đa lượng nước tưới.

     Trong thời gian cây ra hoa và kết quả cần cung cấp đủ nước để ngăn ngừa rụng hoa, rụng quả non. Nếu tưới quá ẩm hay để quá khô hạn dễ làm rụng hoa, rụng quả non; cây phát triển kém; giảm số hoa, giảm chất lượng quả, năng suất thấp.

     2. Phòng trừ một số sâu bệnh hại ớt chính

     2.1. Bệnh thán thư

     Triệu chứng bệnh: Lúc đầu vết bệnh là những đốm nhỏ, hơi lõm xuống, vết bệnh trên quả thường hơi ướt. Sau một vài ngày vết bệnh lớn dần có dạng hình tròn hoặc bầu dục dài chạy dọc quả, các vết bệnh thường có kích thước từ 0,6 - 1,2cm. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau làm quả bị thối, vỏ khô lại có màu trắng vàng. Bệnh phát triển mạnh có thể làm cho cây bị chết dần hoặc cây còi cọc, chậm phát triển.

     Biện pháp phòng trị: Xử lý hạt giống trong nước nóng 520C khoảng 2 tiếng; gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp. Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, cần thu hái các quả bệnh đem tiêu huỷ. Luân canh, không trồng cây họ cà trong vòng 2 - 3 năm; chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục phối trộn thêm chế phẩm sinh học (có chứa nấm đối kháng Trichoderma) cho ruộng ớt.

     Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt bằng các loại phân qua lá. Bón lót 2 - 3 kg phân Calcium Nitrate/sào cho ruộng ớt và bón thúc thêm 2 - 3 kg/sào trước khi ra hoa cũng góp phần quan trọng hạn chế bệnh thán thư và bệnh thối quả ớt.

     Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư trên cây ớt, cần xử lý kịp thời khi thấy vết bệnh vừa mới chớm nên phun thuốc trừ bệnh chứa hoạt chất Propineb, ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư hoạt chất Propineb còn bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh lá và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp.

     2.2. Bệnh héo xanh

     Triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại nặng ở vùng trồng ớt trong thời điểm mưa nhiều, nắng mưa xen kẽ. Bệnh xảy ra rải rác trên từng cây hoặc từng chòm ở giữa ruộng. Triệu chứng đầu tiên trên cây già các lá bên dưới bị héo nhẹ; nhưng ở cây con thì các lá non bị héo trước. Sau vài ngày khi trời nắng cây héo nhanh, tối đến cây lại tươi nhưng lá không vàng sau vài ngày thì cây chết. Chẻ thân ở phần gốc và rễ ta thấy các mạnh nhựa biến thành màu xám đất đến nâu nếu nhúng phần bị cắt vào nước ta sẽ thấy dòng vi khuẩn tuôn ra có màu trắng sữa.

     Biện pháp phòng trị bệnh

     Lên luống cao thoát nước tốt, bón vôi bột trước khi trồng; luân canh tốt nhất với lá nước, không trồng cây ớt trên ruộng bị nhiễm nặng 2 - 3 năm, không trồng ớt sau vụ trồng cây họ cà như cà chua, cà tím, khoai tây...

     Khi phát hiện bệnh cần tưới ngay nước pha thuốc Copper zinc 85WP, Starner 20WP... 0,5 - 1% vào gốc cây mới bị bệnh và các cây xung quanh. Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh nặng để tránh lây lan.

     2.3. Nhện

    Triệu chứng và gây hại: Nhện non và trường thành gây hại bằng cách chích hút nhựa làm lá non cong, xoắn lại, nếu bị hại nặng lá biến vàng, khô và rụng. Nhện thường sống và gây hại ở mặt dưới lá, tập trung chủ yếu gần gân chính. Ngoài lá non, nhện còn thấy gây hại trên hoa làm hoa rụng, gây hại trên quả ớt làm quả sần sùi. Nhện có thể sống và gây hại quanh năm, nhưng phổ biến nhất khi trời nắng khô.

     Khi nhện hại nặng lá cây bị phồng rộp sau đó cằn lại, vàng, thô cứng và sau cùng lá sẽ bị khô đi. Màu vàng của lá dễ nhìn thấy nhất là ở mặt dưới lá, làm giảm phẩm chất và năng suất quả. Khi mật độ cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên khô và chết. Do vòng đời ngắn nên thường mật độ tăng lên rất nhanh và gây hại nghiêm trọng.

    Phòng trị: Không để ruộng khô. Khi ruộng bị nhện gây hai có thể dùng thuốc đặc trị nhện như Saromite 57EC, Dầu khoáng SK Enspray 99EC hay Comda 250EC, cần chú ý khi phun thuốc trừ nhện nên phun kỹ, phun nhiều nước và phun ướt đều hai mặt lá nhưng chủ yếu phun mặt dưới lá. Định kỳ 5 – 7 ngày phun một lần.

Tác giả : ThS. Nguyễn Đức Chí
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: