1.Xử lý hạt giống
Tranh thủ khi trời nắng, phơi lại hạt 1 - 2 giờ để diệt một số nấm bệnh, kích thích hạt hút nước nhanh. Để phòng bệnh Lùn sọc đen và tăng khả năng sinh trưởng
phát triển của mạ cần xử lý hạt giống bằng 1 số chế phẩm như CRUISER PLUS hoặc
ENALDO.
2. Kỹ thuật ngâm ủ hạt
giống
Lượng giống cần cho 1 sào: Lúa lai 1 kg, lúa thuần từ 1,2 - 1,5 kg tùy giống.
Với lúa lai ngâm 20 - 24h, lúa thuần 48 - 72h tùy giống cứ khi hạt
thóc sưng mép hoặc hạt gạo trong thì
để ráo và đem ủ nóng dưới hố trong vườn hoặc thùng xốp khoảng 20 - 24h thì hạt nứt nanh.
Sau đó tốt nhất là ngày ngâm nước, đêm ủ ấm,
liên tiếp như vậy khoảng 2 - 3 ngày đến khi mộng bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc là
gieo.
Lưu ý:
Trong quá trình ngâm nước cứ 6-8 tiếng với các giống
lúa lai và 10 - 12 tiếng với các giống lúa thuần phải rửa chua, thay nước một lần.
- Nếu khi ủ thóc giống gặp thời tiết rét cần
tìm cách tăng nhiệt bằng cách ủ trong hộp xốp, hoặc đào hố chôn xuống đất hoặc ủ trong đống rơm rạ... Tuyệt đối không được
dùng nilon bọc giống rồi đem ủ.
3. Kỹ thuật làm mạ nền cứng
- Chuẩn bị
* Nền gieo: Chọn nơi bằng phẳng, thoát nước, tráng nắng: vườn, bờ mương máng, hay
trên sân... tốt nhất là gieo trên nền đất nơi khuất gió bấc. Nếu gieo trên nền
đất cần lót nền bằng bao dứa, hoặc nilon có chọc lỗ… Diện tích khoảng 3 - 4 m2/1
sào ruộng cấy.
* Bùn: Lấy ở ao hồ, mương máng, sông ngòi ... nơi tráng nắng, không lấy ở nơi
ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng. Chủ động lấy bùn sớm và lọc các tạp chất, cho hả hơi và trộn đảo đều với trấu
xay sau đó vun gọn và phủ nilon giữ ẩm cho bùn. Tốt nhất trộn vào bùn khoảng
0,5kg lân Supe đã đập mịn hoặc 1kg phân vi sinh Azotobacterin để gieo 3 - 4 m2 mạ.
- Cách gieo
Đánh bùn nhuyễn và đều, gạt phẳng lớp
bùn dầy khoảng 1 - 1,5cm. Gạt phẳng không để đọng nước.
Gieo đều, gieo vào lúc ấm, sao cho khi gieo hạt
thóc nửa chìm nửa nổi là được.
Tác giả : KS. Trần Thị Doanh