Năm 2007 được sự quan tâm
ủng hộ của chính quyền địa phương, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ
diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang để làm mô hình VAC, với tổng diện tích là
2000 m2. Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm gia đình anh chỉ nuôi lợn
Móng Cái, ngan, gà, vịt và các loại cá truyền thống... nên thu nhập vẫn chưa
cao. Sau nhiều ngày trăn trở, với ý chí quyết tâm anh đã tích cực học hỏi, đi
thăm quan nhiều mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập
huấn kỹ thuật do trung tâm Khuyến nông tổ chức, sau đó áp dụng vào điều kiện của
gia đình nhà mình.
Đến năm 2010 với số tiền
gia đình tích góp được và vay thêm vốn ngân hàng anh đã đầu tư xây một dãy chuồng
nuôi lợn nái ngoại khép kín với diện tích
400 m2, có hệ thống chuồng lồng, cũi cho từng loại lợn, hệ
thống điện, nước rửa chuồng trại, nước tắm, nước uống, máng tự động... Khi chúng
tôi đến thăm anh phấn khởi cho chúng tôi biết:
Hiện tại anh đang nuôi 70 con lợn nái
ngoại, lợn nái đẻ bình quân 2,3 - 2,4 lứa/năm. Mỗi lứa đẻ từ 10 - 14 con /lứa. Sau thời gian từ 21 - 25 ngày
có thể tách mẹ và xuất bán, với giá bán đầu con ra thị trường từ 1.300.000 -
1.600.000 đồng/con. Như vậy, trong năm 2016 trừ các khoản chi phí anh thu lãi hơn
một tỷ đồng. Cũng theo anh Kiên, mô hình đạt được kết quả trên là do gia đình đã
mạnh dạn đầu tư bài bản, áp dụng nghiêm túc các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn
mà cán bộ Khuyến Nông chuyển giao. Ngoài ra, chất lượng con giống là yếu tố hết
sức quan trọng đối với sự thành công của mô hình, phải mua giống lợn nái ngoại
của đơn vị cung ứng lợn giống đảm bảo chất lượng, thức ăn cho lợn được anh mua ở
công ty có uy tín đảm bảo chất lượng. Ngoài ra anh còn thường xuyên phun thuốc
sát trùng, vệ sinh trùng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm phòng vaccin đầy đủ nên
tỷ lệ nuôi sống cao.
Sự thành công của mô hình
không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người chăn nuôi mà
còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân
sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung khép kín, cách xa khu dân
cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm do chất thải, mang tính
bền vững trong chăn nuôi lợn nái ngoại nói riêng và nghề chăn nuôi nói chung. Và
đây chính là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi góp phần xây dựng nông thôn
mới tại Xã Hợp Tiến./.
Tác giả : Ks. Phạm Thị Xuyên - TT Khuyến Nông Thái Bình