CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Mô hình điển hình tiên tiến
Dự án AgResults – Cơ hội cho nông dân Thái Bình tham gia chuỗi giá trị lúa gạo khép kín

Cập nhật: 25/03/2019

    Cuộc thi tìm kiếm các giải pháp canh tác lúa bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam hay còn gọi là Dự án AgResults do tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ được thực hiện tại tỉnh Thái Bình trong thời gian 5 năm (2016 - 2021) đang trong giai đoạn nhân rộng tới 60 HTX trong toàn tỉnh. Với 04 gói công nghệ của 04 đơn vị dự thi được lựa chọn tham gia ở giai đoạn 2 là: đơn vị dự thi I4 - Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển công nghệ An Đình, đơn vị dự thi I5 - Công ty Cổ phần tập đoàn ThaiBinh Seed, đơn vị dự thi I18 - Công ty Cổ phần giống cây trồng - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm và đơn vị dự thi I23 - Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, hứa hẹn sẽ giúp nông dân tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP) nằm trong Đề án AgResults với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm khác biệt của dự án AgResults so với những dự án khác ở chỗ thay vì hỗ trợ trước sản xuất thì AgResults sẽ hỗ trợ sau sản xuất bằng cơ chế “kéo”, tức là cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả đã thực hiện nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia chuỗi ngành sản xuất lúa gạo vượt qua các rào cản thị trường vừa tăng năng suất vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án được chia ra hai giai đoạn chính: giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng. Trong đó giai đoạn 1 thực hiện trong 1,5 năm, gồm hai vụ thử nghiệm bắt đầu vào vụ mùa năm 2017, kéo dài đến hết vụ xuân 2018. Qua các vụ thử nghiệm 11 đơn vị đã triển khai áp dụng gói công nghệ tiên tiến tại 11 xã thuộc 6 huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Các công nghệ đều do đơn vị dự thi tự xây dựng và chủ động triển khai, không có hỗ trợ kinh phí ban đầu. Quá trình triển khai được tuân thủ đúng theo nguyên tắc của một cuộc thi, có đơn vị dự thi, có tổ chức giám sát, có ban cố vấn, có đơn vị kiểm định kết quả, có thiết kế đối chứng để so sánh… Các công đoạn được thực hiện hoàn toàn độc lập và ký hiệu bằng mã hoá. Kết quả về tăng năng suất lúa và giảm lượng phát thải khí nhà kính sẽ được kiểm định bởi Công ty Geo-Solusions và đồng giám sát bởi cơ quan quản lý (Tổ chức phát triển Hà Lan SNV) và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thái Bình. Chính vì vậy kết quả dự án đảm bảo tính khoa học và tính khả thi của các công nghệ. Kết thúc giai đoạn 1 đã lựa chọn được 3 đơn vị đạt giải nhất, nhì, ba và lựa chọn được 6 đơn vị có đủ tiêu chí vào thực hiện tiếp trong giai đoạn 2.  

Giai đoạn 2 của dự án thực hiện trong 2,5 năm, gồm 4 vụ lúa liên tiếp bắt đầu từ vụ xuân 2019, kết thúc vào vụ mùa năm 2020. Hiện tại trong vụ xuân 2019, 04 đơn vị dự thi đã triển khai gói công nghệ tới 60 HTX trong toàn tỉnh. Các nông hộ được tham gia mô hình chuỗi giá trị lúa gạo khép kín từ áp dụng đúng quy trình gói công nghệ đến liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu đánh giá, các địa phương và nông hộ tham gia nhiệt tình, tuân thủ theo gói công nghệ mà đơn vị dự thi đưa ra.

Tiêu chí để đánh giá công nghệ đạt giải thưởng ở hiệu quả về số lượng nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất. Do vậy, theo cơ chế “kéo” 03 vụ tiếp theo, các đơn vị dự thi sẽ mở rộng liên kết với nhiều hợp tác xã SXKDDVNN, nhiều nông hộ sản xuất lúa trong toàn tỉnh. Đây sẽ là cơ hội cho nông dân Thái Bình tham gia chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, được tiếp cận với công nghệ canh tác lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giảm lượng phát thải khí nhà kính…

 “Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm 375.000 tấn CO2 tương đương, giảm khoảng 15% chi phí cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào. Đồng thời qua thực hiện dự án sẽ tìm ra được những phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả, được kiểm định quốc tế và tiến tới nhân rộng tại Việt Nam.”

Tác giả : ThS. Nguyễn Thị Nguyệt
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: