Nuôi thỏ là nghề còn khá mới mẻ đối với nông dân Thị trấn Thanh nê nói chung và ở
khu Cộng Hòa nói riêng; khi hỏi về nghề này ông Thọ chia sẻ: Việc nuôi vịt, lợn đã rất quen thuộc với bà con nông
dân, nhưng cũng nhiều rủi ro vì dịch bệnh
và đầu ra không ổn định. Qua nghiên cứu sách báo và tham quan mô hình nuôi Thỏ ở một số địa phương trong và ngoài
tỉnh, tôi nhận thấy việc nuôi con Thỏ chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đầu ra
thuận lợi và giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi quyết định chuyển đổi sang chăn
nuôi Thỏ. Với số vốn ban đầu còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên ông Thọ chỉ đầu tư 20 cặp thỏ trắng giống NewZealand để lấy giống và cung cấp thỏ thịt. Ban đầu, ông tự tìm tòi và học hỏi trên sách báo để chăm sóc
và chữa trị khi thỏ
bị bệnh. Qua một năm nuôi thử, ông đã theo dõi sát sao để tự đúc
rút kinh nghiệm cho mình. Từ năm thứ hai,
ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại và nhân thêm giống. Hiện nay với quy mô lên tới hàng nghìn con, trong đó luôn duy trì
hơn 140 con thỏ cái. Với 140 thỏ cái sinh sản,
trung bình mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con; sau 3 tháng nuôi,
trọng lượng thỏ đạt 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái
đến tận trại thỏ của ông để thu mua. Hàng tháng ông xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt
thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi
phí mỗi tháng gia đình ông lãi 15 - 20 triệu đồng.
Theo ông Thọ để thỏ sinh trưởng phát triển tốt người
nuôi cần chú trọng phòng bệnh cho thỏ, tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ
con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, còn pha
các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn nhằm tăng sức
đề kháng. Để thỏ luôn khỏe mạnh, chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về
mùa đông. Các chuồng nuôi đặt cách xa mặt đất 50cm và có lắp hệ thống máng uống nước tự động.
Đặc biệt lưu ý trong nuôi thỏ vấn đề về vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch đảm bảo là rất
quan trọng, giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: Nấm, ghẻ, tiêu chảy,.. Do đó,
khi bắt tay vào nuôi gia đình ông đã tận dụng toàn bộ chất thải của thỏ làm
thức ăn cho giun quế. Cũng nhờ cách nuôi giun quế bên dưới chuồng nuôi thỏ đã
tiết kiệm được khá nhiều công vệ sinh chuồng trại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi
trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập từ nuôi giun quế.
Không chỉ bằng nghị lực, nhiệt huyết, dám nghĩ dám
làm để vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mình, ông Thọ còn luôn nhiệt
tình hướng dẫn những người chăn nuôi có cùng sở thích phát triển kinh tế theo
mô hình trang trại, gia trại này. Ông thực sự là tấm gương sáng trong phong
trào khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa
phương.