Trang trại của
anh Trần Văn Thời ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một
trong những trang trại nằm trong “tâm bão” của DTLCP nhưng vẫn an toàn dịch bệnh
nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học một cách đồng bộ, triệt để
và nhiều sáng tạo.
Anh Thời bắt đầu
chăn nuôi lợn từ năm 2008 với hình thức chăn nuôi nhỏ xen lẫn với khu dân cư.
Năm 2013, anh chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại ở vùng chuyển đổi cho chăn
nuôi tập trung. Trang trại của anh có diện tích 13.000 m 2 với 5 dãy chuồng kín, hiện đang nuôi 120 lợn nái
và hơn 800 lợn thịt. Khi DTLCP chưa vào Việt Nam, thấy Trung Quốc và một số nước
khác có dịch, anh tìm hiểu sự nguy hiểm của bệnh, nguyên nhân và cơ chế lây bệnh
của virus DTLCP để có biện pháp phòng; khi dịch xâm nhập vào Việt Nam và đặc biệt
khi dịch nổ ra tại Thái Bình, anh nâng cao quy trình phòng dịch của trại, ngoài
ra anh áp dụng nhiều “bài võ” khác nhau dựa trên các nguyên tắc của chăn nuôi
an toàn sinh học. Cụ thể như sau:
Nguyên tắc1:
Cách ly và kiểm soát vào, ra trại chăn nuôi: Virus
DTLCP bám dính vào bụi theo gió vào trại, bám dính vào dụng cụ, quần áo,…theo
phương tiện, con người, côn trùng vào trại. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ cắt
được đường vào trại của virus.
Mọi thứ ra vào
trại đều được anh kiểm soát nghiêm ngặt. Trại của anh được thiết lập 2 hàng
rào: hàng rào cơ học là tường cao, cổng kín; hàng rào sinh học là vôi bột rắc
xung quanh trại (vôi bột được sử dụng cứ hai ngày một lần). Không cho bất cứ ai
vào khu vực chăn nuôi. Bản thân anh và 2 công nhân chăm sóc lợn phải trực chiến
ở trong trại, không đi ra ngoài trong suốt 3 tháng cao điểm của DTLCP ở địa
phương. Khi có việc bất khả kháng phải ra ngoài, trước khi vào khu vực chăn
nuôi phải tắm rửa sạch sẽ, sát trùng người và cách ly một ngày. Công nhân không
mang tiền vào trại, điện thoại được khử trùng, quần áo được giặt bằng thuốc khử
trùng, ủng được nhúng thuốc khử trùng khi đi từ nơi bẩn sang nơi sạch. Thực phẩm
của công nhân đều do trại tự làm ra như: cá, thịt, rau, khi cần sẽ nhờ người
nhà cung cấp thực phẩm đã nấu chín.
Tất cả các
phương tiện vận chuyển như xe chở cám, xe chở lợn xuất chuồng đều không được
vào trại, đỗ cách chuồng nuôi 200 m. Những bao cám của lợn sẽ được công nhân bốc
vào kho và khử trùng từng bao một. Lợn đạt trọng lượng xuất bán, sẽ được đuổi
ra điểm cân cách chuồng 200 m và lùa lên xe chở đi. Mặc dù, cách làm này rất vất
vả nhưng để đảm bảo an toàn anh vẫn tuân thủ nghiêm.
Một việc làm được
anh đặc biệt lưu ý là: Che chắn giàn mát, lấy hướng khí sạch vào trại: Do trại
của anh ở ven đê, trong khi đó, đường đê là con đường chính vận chuyển lợn mắc
bệnh DTLCP đi tiêu hủy của địa phương nên anh đã nghĩ ra cách dùng bạt dày đã khử trùng để che toàn bộ mặt
giàn mát – mặt hướng ra đường và chuồng trại của hàng xóm. Hàng ngày, bạt được phun khử trùng vào buổi tối.
Thức ăn của lợn:
Anh chọn hãng cám có uy tín. Nước uống: Trại cắt nước máy trong thời gian cao
điểm về dịch bệnh ở địa phương từ tháng 3 đến tháng 9, gia đình anh dùng nước
giếng khoan, xử lý bằng phèn chua, Chloramin B.
Về con giống:
ngay khi nghe tin dịch xuất hiện ở Trung Quốc, anh đã lên phương án không nhập
thêm con giống, trại tự nhân giống để nuôi.
Chuồng lợn đảm
bảo sạch sẽ, không có ruồi, muỗi, chuột. Đề phòng ruồi từ bên ngoài bay vào
trong chuồng, trại anh chỉ xuất lợn sau 5giờ chiều vì xuất lợn là lúc phải mở cửa
chuồng, lùa lợn ra. Thời điểm
này, ruồi đã đi ngủ nên không bay vào trong chuồng được.
Những đồ dùng
cần thiết mang vào trại như thuốc, dụng cụ thú y đều được khử trùng khi mang vào
trại…
Nguyên tắc 2: Vệ sinh làm sạch; Hằng ngày, vệ sinh sạch sẽ máng ăn,
máng uống, trong và ngoài chuồng nuôi.
Nguyên tắc 3: Khử trùng; Trong đợt cao điểm dịch bệnh của địa
phương, cứ 2 ngày một lần, vào buổi tối, anh phun khử trùng toàn bộ trong và
ngoài chuồng nuôi (bên trong chuồng nuôi, anh phun đúng nồng độ khuyến cáo
nhưng bên ngoài chuồng nuôi anh phun với nồng độ đậm đặc gấp đôi nồng độ khuyến
cáo). Duy trì đến thời điểm hiện tại, anh phun khử trùng 2 lần một tuần.
Ngoài ra, anh
luôn chú trọng tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn bằng cách nuôi với mật độ
thưa thoáng, chăm sóc đúng kỹ thuật.
Áp dụng đồng bộ
và triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học giúp cho anh Thời và những
trại chăn nuôi chuyên nghiệp khác thành công trong phòng chống DTLCP. Cùng với
đó, các hộ chăn nuôi cần cải thiện mô hình chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa để
tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn và khôi phục đàn lợn ngay khi dịch bệnh được
khống chế.
Tác giả : BSTY. Ngô Thị Bích