CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Mô hình điển hình tiên tiến
Kết quả mô hình: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất”

Cập nhật: 14/07/2020

    Tôm càng xanh (Macrobranchium rosenbergii) sống trong môi trường nước ngọt. Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, ngoài ra sự có mặt của con cái trong đàn khiến tôm bị tiêu hao năng lượng do hoạt động sinh sản. Từ đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công một loại giống tôm càng xanh toàn đực nhằm tăng năng suất và hiệu quả quá trình nuôi.

Để khẳng định tính thích nghi và hiệu quả của nuôi tôm càng xanh toàn đực với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Thái Bình, hoàn thiện quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực. Năm 2019 Trung tâm Khuyến Nông Thái Bình triển khai xây dựng mô hình “ Nuôi thương phẩm tôm Càng xanh toàn đực trong ao đất”, tại xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy và xã Thái Hưng, huyện Hưng Hà để làm cơ sở khuyến cáo áp dụng vào sản xuất, mở rộng diện tích trong những năm tiếp  theo, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp cho người nuôi thủy sản lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp để phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Sau 8 tháng triển khai mô hình trên diện tích 4.000m2 (2 ao), độ sâu mực nước thường xuyên duy trì từ 1,2 - 1,5m, số giống thả 60.000 con, mật độ nuôi 15 con/m2, thức ăn sử dụng cho tôm ăn là thức ăn dùng cho tôm Thẻ chân trắng có hàm lượng đạm từ 40 đến 48%, từ số 0 đến số 4 và được chia làm 3 giai đoạn, trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi và độ sâu mực nước để điều chỉnh kịp thời, kiểm tra sàng ăn để đánh giá lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh cho phù hợp, định kỳ 4 lần/tháng sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, hàng tháng cấp và thay nước theo định kỳ để kích thích tôm lột xác, trộn VitaminC và thuốc phòng bệnh cho tôm ăn vào những thời điểm giao mùa.

Kết quả đạt được về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như sau: Tỷ lệ sống trung bình 65,5%; cỡ tôm thu hoạch trung bình 30con/kg; tiêu tốn thức ăn 2,5kg TĂ/kg tăng trọng; Giá bán 210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mô hình thu lãi 95.605.000đ. Trong buổi tổng kết mô hình các đại biểu tham dự đã nghe các hộ thực hiện mô hình và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trình bày kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi, kết quả và hiệu quả kinh tế đạt được. Qua đó mô hình được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện sản xuất nông hộ, đầu tư không cao, giá tôm ổn định, ít dịch bệnh và có khả năng nhân rộng và phát triển tại Thái Bình.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn đó là mùa vụ phụ thuộc vào thời tiết, con giống tại miền bắc chưa chủ động được phải nhập từ tỉnh ngoài về nuôi do đó giá thành cao và chất lượng con giống cũng không đảm bảo, ảnh hưởng đến mùa vụ, tỷ lệ sống và hiệu quả quá trình nuôi, khi thu hoạch phải thu đồng loạt nên bị tiểu thương ép giá.

Như vậy mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản tại Thái Bình, tạo cơ sở để người dân mạnh dạn đầu tư các đối tượng thủy đặc sản, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi để cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm chất lượng, nâng cao đời sống của người dân giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.

Tác giả : KS. Bùi Bá Duyên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: