Một số lưu ý trong chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm giai đoạn chuyển mùa
1. Về chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi
Cần giữ ấm cho đàn
vật nuôi bằng cách che chắn tránh gió lùa và nước mưa hắt trực tiếp vào chuồng
nuôi. Đối với gia súc, gia cầm non phải nuôi trong các chuồng úm được thắp điện
sưởi ấm, ít nhất 2 - 4 tuần. Thường xuyên bổ sung hoặc thay mới chất độn chuồng
để luôn giữ ấm và khô ráo cho đàn vật nuôi.
Định kì phun sát
trùng trong và ngoài khu vực chuồng nuôi bằng các hóa chất khử trùng như: Vôi bột,
Bencocid, Iodine,… 1 lần/tuần khi không xảy ra dịch.
Thường xuyên khơi
thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, quét dọn, thu gom chất thải bằng các biện
pháp cơ học và hóa học.
Hằng ngày cọ rửa
máng ăn, máng uống và xử lí bằng hóa chất hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Dùng các chế phẩm
sinh học xử lí chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Chăm sóc đàn vật nuôi
Khi vật nuôi mới
mua về phải nuôi cách ly từ 2 - 3 tuần, khi thấy khỏe mạnh thì mới cho nhập
đàn.
Tùy thuộc vào điều
kiện diện tích của từng hộ chăn nuôi, về mật độ quy mô một số loai gia súc, gia
cầm có khuyến cáo như sau:
* Đối với gà: Giai đoạn úm 50 - 60 con/m2;
gà từ 0,5 - 1,0 kg/con nuôi với mật độ từ 8 đến 12 con/m2, gà từ 2,0
- 3,0 kg/con nuôi với mật độ từ 3 - 5 con/m2; gà đẻ nuôi với mật độ 4
con/m2.
* Đối với lợn: Lợn con sau cai sữa 0,4 m2/con.
Lợn thịt nuôi với mật độ 0,8 - 1,2m2/con. Lợn nái nuôi con 4 - 6m2/con.
* Đối với trâu bò: Bê nghé dưới 6 tháng tuổi
1,5 - 2 m2/con (diện tích sân chơi 4m2/con). Trâu bò thịt,
bê nghé 7 - 9 tháng tuổi 3m2/con (diện tích sân chơi 3m2/con).
Trâu bò sinh sản 8 - 9m2/con (diện tích sân chơi 4m2/con).
Cung cấp đủ thức ăn dễ tiêu, phù hợp với từng
lứa tuổi của vật nuôi. Đặc biệt chú ý khi thay đổi thức ăn cho đàn vật nuôi phải
thay đổi từ từ mà vẫn phải đảm bảo về dinh dưỡng cho từng loại vật nuôi để
tránh các “stress”.
Đối với vật nuôi ở
giai đoạn úm nên dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Đối với đại gia
súc nên chủ động nguồn thức ăn vào mùa khô hanh bằng cách ủ chua thức ăn thô
xanh và dự trữ rơm khô.
Đảm bảo đủ nước uống
cho vật nuôi; thời tiết thay đổi phải bổ sung thêm điện giải, Bcomplex,
Vitamin, men tiêu để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Nếu thời tiết chuyển lạnh cần cho vật nuôi uống nước ấm, tăng nhiệt độ
chuồng nuôi, bổ sung chất độn chuồng, với đại gia súc cho đi chăn thả muộn và về
sớm.
3. Phòng bệnh cho vật nuôi
Khi nhập con giống
phải có nguồn gốc rõ ràng; chỉ tái đàn
khi chuồng nuôi đã vệ sinh sạch sẽ, tẩy uế, sát trùng được 2 - 3 tuần. Vật nuôi
khi mới mua về phải nuôi ở khu cách li tối thiểu 2 tuần mới được nhập đàn cũ. Với
đàn vật nuôi vận chuyển từ nơi này đến nơi khác phải đảm bảo các quy trình vận
chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thực hiện nghiêm
ngặt lịch dùng Vắc xin theo quy định của Thú y cho từng loại vật nuôi. Đối với
gà dùng vắc xin phòng bệnh Gumboro, Newcastle, Cúm gia cầm, Đậu, Viêm thanh khí
quản truyền nhiễm, Viêm khí quản truyền nhiễm...; đối với vịt, ngan dùng vắc xin
phòng bệnh Viêm gan, Dịch tả, Cúm gia cầm,...
Thường xuyên kiểm
tra sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện những con có biểu hiện bất thường nuôi cách li theo dõi và điều trị hoặc xử lí
theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Hồng Hạnh