CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Kỹ thuật trồng cây Dưa Chuột Xuân

Cập nhật: 20/01/2021

    Để trồng dưa chuột vụ xuân sớm hiệu quả bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật: lựa chọn giống, thời vụ, ngâm ủ hạt giống và gieo ươm, làm đất, bón phân và trồng cây, chăm sóc

1. Giống


Nếu trồng Dưa Chuột bao tử có thể sử dụng một số loại giống dưa F1 của Nhật, Mỹ, Thái Lan, Hà Lan (Ninja 179, Marinda, Happy 02, Mummy 331,...) có đặc điểm sinh trưởng khỏe, năng suất cao, nhiều hoa cái (khoảng hơn 95% số hoa), quả lớn nhanh, mỗi chùm 2 - 3 quả. Nếu trồng Dưa Chuột thương phẩm có thể sử dụng một số loại giống như: Dưa Chuột Nông Hữu, Tre việt, Đất việt hoặc các giống Dưa Chuột nếp địa phương...


2. Thời vụ trồng: Dưa Chuột có thể trồng quanh năm nhưng có hai vụ chính:


Vụ Xuân: Gieo từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 dương lịch.


Vụ Đông: Gieo từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10.


3. Kỹ thuật làm bầu


Lượng giống: Khoảng 30g/sào.


Ngâm ủ hạt giống: Phơi hạt giống dưới nắng nhẹ 1 – 2 giờ sau đó đem ngâm trong nước ấm 3 - 5 tiếng vớt ra rửa sạch nhớt đem ủ trong túi vải thoáng đến khi hạt nứt nanh thì đem tra hạt vào bầu.


Giá thể làm bầu: Dùng đất phù sa tơi xốp và phân chuồng hoai mục (tỉ lệ 1:1), bầu có thể làm bằng lá chuối, giấy báo, khay bầu hoặc túi nilon với đường kính 5 - 6cm. Đặt bầu nơi thoáng và dại nắng tốt nhất nên đặt trên bờ ruộng có thể dùng lưới đen và màng nilon để che nắng, mưa hoặc tránh rét cho cây con


Cho giá thể đã chuẩn bị sẵn vào 2/3 túi bầu, sau đó tra vào bầu 1 hạt/1 hốc/1 bầu, sau đó tưới ẩm và phủ một lớp đất bột mỏng lên trên.


Khi cây có 1 - 2 lá thật đem trồng là thích hợp nhất (khoảng 10 - 12 ngày sau gieo). Đảm bảo tưới đủ ẩm cho bầu, có thể phun phòng lở cổ rễ bằng validacin, Rhidomin, Boocdo cho cây.


4. Chuẩn bị đất trồng


Đất trồng dưa phải tơi xốp, thoát nước tốt thường đất thịt nhẹ pH 6 - 8. Không trồng dưa trên đất cây trước là cây họ bầu bí, tốt nhất trồng luân canh với lúa.


Do bộ rễ phát triển yếu nên phải làm đất kỹ. Sau khi cày bừa, tiến hành lên luống ngay, tránh gặp mưa, nhất là vào vụ Đông, rạch hàng chia luống. Nếu trồng cắm dóc luống rộng 80cm, rãnh 40 – 50cm, cao 25 – 30cm. Dưa bò: Luống rộng 1,2 - 1,5m; cao 30cm, rãnh 25cm.


5. Phân bón và cách bón phân


Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ như sau: Đạm 10 - 12 kg + lân 20 - 25 kg + kali 10 - 12kg + phân chuồng mục hoai mục 3 - 5tạ (có thể thay thế bằng các loại phân vi sinh) hoặc sử dụng phân NPK với lượng: 15 - 18kg NPK (loại 13:13:13+TE, 16:16:8,...).


Cách bón: Nếu có che phủ nilon trên mặt luống thì bón gần hết toàn bộ lượng phân trước khi phủ nilon chỉ để lại một lượng nhỏ để tưới cho cây sau này.


+ Bón thúc lần 1 khi cây có từ 4 - 5 lá thật tưới thúc từ 2 - 3 lần với tổng lượng phân: Bón 1/3 tổng lượng đạm + 1/3 tổng lượng kali, mỗi lần tưới cách nhau 5 - 7 ngày.


+ Bón thúc lần 2 khi cây ra quả và sau lần thu quả đầu tiên: Bón 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng Kali.


+ Bón thúc lần 3 sau mỗi lần thu quả để cung cấp dinh dưỡng cho các đợt quả tiếp theo.


6. Xới xáo


Cần xới vun cho cây vào các thời kỳ sau:


+ Lần 1: Sau khi cây 3 - 4 lá thật, xới nhẹ phá váng lớp đất mặt cho tơi xốp.


+ Lần 2: Khi cây có tua cuốn thì vun cao, sau đó cố định cho cây không cần xới xáo nữa.


7. Phòng trừ sâu bệnh:


+ Sâu ăn lá: Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bị ăn phần diệp lục. Mật độ cao khi cây sinh trưởng sau trồng 25-30 ngày, chúng thường hại búp và lá non. Sử dụng các loại thuốc sinh học và thuốc thảo mộc: Emamectin benzoate, Abamectin + Bt, Chlorantraniliprole… để phun trừ.


+ Bọ trĩ: Thường xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ và mật độ tăng dần khi cây phát triển thân lá mạnh. Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Sử dụng thuốc Dinotefuran, Nitenpyram,… để phun trừ.


+ Bệnh phấn trắng: Bệnh xuất hiện suốt thời gian sinh trưởng của cây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Sử dụng thuốc Difenoconazole, Propiconazole, Azoxystrobin, Hexaconazole… để phun trừ.


+ Bệnh sương mai giả: Xuất hiện khi thời tiết ấm, ẩm độ không khí cao, bệnh gây hại nặng trên thân, lá. Định kỳ phun trừ 7 ngày/ lần khi điều kiện thời tiết ấm, ẩm độ không khí cao. Sử dụng thuốc Mancozeb, Metalaxyl, Chlorothalonil, Fosetyl Aluminium, Cymoxanil… để phun trừ.


+ Sâu đục quả: Xuất hiện và phá hại nặng ở giai đoạn ra hoa rộ và quả non. Sử dụng các loại thuốc sinh học và thuốc thảo mộc: Bacillus thuringiensis, Abamectin +Bt, Rotenone… để phun trừ.


                  - Thu hoạch: Thu hoạch tốt nhất khi quả phát triển tối đa, cân đối mang màu sắc đặc trưng của giống (thường có màu xanh hoặc xanh thẫm). Sau khi thu hái cần vận chuyển đến nơi tiêu thụ ngay vì Dưa Chuột có nhược điểm quả thường nhanh chóng chuyển sang màu vàng. Thu hoạch vào lúc trời mát không có nắng nên thu hái vào sáng sớm. Khi thu hái tránh để giập nát ảnh hưởng đến việc chế biến tiêu thụ. Kết hợp với đơn vị thu mua trong đóng gói và vận chuyển sản phẩm.
Tác giả : KS. Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: