CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Chủ trương-giải pháp
(Trích) Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 20/01/2020 của ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

Cập nhật: 01/04/2020

    Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030

     II. Mục tiêu


     1. Mục tiêu chung: Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt tốc độ cao, ổn định và bền vững; cơ cấu cây trồng hợp lý, đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ mới tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường; hình thành chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; phù hợp với nền kinh tế tri thức và khả năng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hòa nhập tốt với kinh tế khu vực và thế giới.

    

     2. Mục tiêu cụ thể


     - Đến hết năm 2025 chuyển đổi được khoảng 20.000 ha, đến năm 2030 chuyển đổi được khoảng 30.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác, cây làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, hoa, cây cảnh có giá trị cao hơn trồng lúa.


     - Năm 2020 và năm 2021 tập trung xây dựng thành công 09 mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao trên địa bàn, sau trồng 4-5 năm đạt giá trị sản xuất 400- 600 triệu/ha/năm trở lên.


     - Cải tạo, phục hồi và phát huy có hiệu quả cao toàn bộ diện tích cây ăn quả, cây rau màu có lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm đặc thù, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.


     - Đến năm 2025 xây dựng được 3-4 sản phẩm có thương hiệu của ngành trồng trọt Thái Bình và thu hút được 2-3 tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến rau, củ quả trên địa bàn tỉnh Thái Bình.


     - Tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và áp dụng quy trình thâm canh, lựa chọn được một số giống tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo của Thái Bình; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu một số vùng sản xuất lúa đặc sản truyền thống, lúa chất lượng cao, lúa giống.


     III. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu


     1. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa


     Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ, đầy đủ các chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp; hiểu được việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung ruộng đất, tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia chuỗi liên kết, chia sẻ rủi ro gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị là tất yếu khách quan trong tình hình mới; đồng thời, không được lợi dụng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để lấn chiếm, xây dựng trái phép hoặc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của Nhà nước; từ đó người dân và các cấp, các ngành thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất, từ bỏ thói quen, tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, thụ động; quyết tâm vươn lên, dám nghĩ, dám làm với quy mô lớn và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh.


     Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các mô hình liên kết hiệu quả cao, điển hình trong sản xuất nông sản hàng hóa; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản chế biến, tiêu thụ nông sản; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức thực hiện.


     2. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan của địa phương


     - Nghiên cứu, xem xét và đánh giá về tầng canh tác, mực nước ngầm, thành phần thổ nhưỡng đất đai, ảnh hưởng của khí hậu ... để bố trí cây trồng phù hợp.


     - Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, đặc biệt vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang sản xuất cây ăn quả và cây rau màu; vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi; chợ đầu mối thu mua nông sản; quỹ đất xây dựng nhà máy chế biến nông sản, trung tâm đào tạo nông dân; quỹ đất cho doanh nghiệp thuê làm vùng sản xuất nông sản nguyên liệu ở các địa phương để bố trí hợp lý, bảo đảm sản xuất ổn định, sản lượng nông sản phù hợp với công suất của nhà máy chế biến.


     - Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Việc lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch nêu trên là tiền đề quyết định cho việc thực hiện các bước tiếp theo, phải được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước, hoàn thành từ đầu năm 2020.


     3. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, về đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ vùng chuyển đổi


     Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, tăng quy mô nông hộ, tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất; chính sách khuyến khích liên kết tổ chức sản xuất... bảo đảm chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến được với doanh nghiệp và người sản xuất.


     Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, nhóm hộ, hiệp hội trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng như cơ chế hỗ trợ giống và vật tư thiết yếu đầu vào cho diện tích cây trồng mới được chuyển đổi và diện tích cần chăm sóc, cải tạo vườn, phát triển cây ăn quả; cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi; quy định quản lý chặt chẽ đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm đúng mục đích của việc chuyển đổi (không được xây tường rào, không làm nhà trông coi kiên cố... trên đất chuyển đổi để lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của Nhà nước).


     4. Bảo tồn và nhân rộng cây ăn quả cổ truyền quý bản địa, đưa các giống cây trồng mới có thị trường tiêu thụ và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả của tỉnh 


     - Xác định rõ giống cây trồng là yếu tố quan trọng để tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm, chu kỳ cây ăn quả dài, sau trồng từ 3 - 5 năm sau mới cho thu hoạch; giống cây phải có chất lượng tốt nhất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu của các nhà máy chế biến.


     - Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành các quy định của Nhà nước về sản xuất giống cây ăn quả; lựa chọn các cá nhân, tập thể có uy tín trong sản xuất giống cây ăn quả để hỗ trợ, hướng dẫn, bảo tồn và nhân rộng các giống cây ăn quả truyền thống của địa phương, bảo đảm đúng quy định về sản xuất giống cây trồng; công nhận, duy trì và bảo tồn các cây ăn quả đầu dòng, vườn cây đầu dòng để bình tuyển làm vật liệu nhân giống cho các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả. Hàng năm, hỗ trợ kinh phí bình tuyển bổ sung thêm số lượng cây đầu dòng của tỉnh, bảo đảm trên địa bàn có từ 40 - 50 cây đầu dòng các loại để nhân giống cây ăn quả; xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả đặc sản của tỉnh. 


     5. Hình thành một số vùng chuyển đổi trồng cây thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, sản xuất lúa hữu cơ, lúa dinh dưỡng làm mô hình trình diễn, điểm tham quan, học tập cho các hộ nông dân, tiến tới phát triển thành điểm du lịch sinh thái


     - Chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn quả, trồng cỏ và cây hàng năm khác để nông dân có thể đạt mức doanh thu từ 400 - 500 triệu/ha/năm cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nghiên cứu thị trường, bảo đảm đầu ra của sản phẩm, lựa chọn giống và địa điểm trồng phù hợp với lợi thế của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trước mắt, trong năm 2020 phải xây dựng được một số mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả cao để nông dân học tập, nhân rộng. 

 

     - Đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả góp phần tạo nên sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.


     - Khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp hợp tác, nhóm hộ chuyên canh về trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau màu, tạo vùng nguyên liệu sản xuất với quy mô từ 3 ha trở lên để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; nâng cao năng lực và vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết tại các địa phương.


     - Xây dựng các vùng trồng cây ăn quả theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, xu thế phát triển, yêu cầu của các nước nhập khẩu, thông lệ quốc tế. Từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm đặc thù, truyền thống của địa phương, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho nông dân từ nguồn du lịch sinh thái.


     6. Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho hộ nông dân để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của việc trồng cây ăn quả và cây hàng năm khác


     - Chú trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên ngành; chọn cử cán bộ đi đào tạo tại các trung tâm kỹ thuật, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước phục vụ công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng chuyển đổi. Đào tạo nông dân điển hình là các hộ có nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng có khả năng tiếp thu, đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào việc trồng, chăm sóc cây trồng cho năng suất cao, có khả năng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân khác trong vùng.


     - Tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các cây trồng chuyển đổi để các hộ nông dân tiếp thu đầy đủ về kỹ thuật; đồng thời, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế các cơ sở, vùng trồng cây ăn quả đã chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

     - Tăng cường công tác dạy nghề cho nông dân ở các vùng chuyển đổi để đào tạo nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất các cây trồng chuyển đổi, là hạt nhân để mở rộng cho các hộ tiếp theo.


     7. Đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến; đầu tư xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền, xây dựng thương hiệu sản phẩm rau, củ, quả đặc sản Thái Bình và xây dựng liên kết sản xuất, thành lập các hợp tác xã chuyên canh cây ăn quả


     Tổ chức cho các hộ, các trang trại, các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, festival về cây ăn quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các tỉnh, thành trong nước tổ chức; định kỳ hằng năm tổ chức hội chợ chuyên đề về phát triển cây ăn quả, cây rau màu, giới thiệu sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh.


     Tổ chức hội thi tuyển chọn các loại rau, củ, quả để tôn vinh tổ chức, cá nhân đạt thành tích về sản xuất các loại rau, củ, quả có năng suất, giá trị kinh tế cao.


     Mỗi năm tổ chức diễn đàn cho 01 loại rau, củ, quả đặc trưng nhằm liên kết các vùng trên toàn miền Bắc, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, sơ chế và tiêu thụ các sản phẩm quả.


     8. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia chủ động, tích cực của các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ và sản xuất bền vững


     Các cấp uỷ, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ và sản xuất bền vững; đồng thời, phát huy tốt vai trò tham mưu của các ngành chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường trong việc đề ra các giải pháp thiết thực, sáng tạo, phù hợp với từng địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là những thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân ở địa phương nhận thức đầy đủ các chủ trương, quy định, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong giai đoạn hiện nay; vai trò và tính khoa học, hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất (sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm) giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ (đội) hợp tác và các hộ nông dân; trách nhiệm và lợi ích của từng chủ thể trong chuỗi liên kết... Từ đó, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực và tham gia có trách nhiệm trong chuỗi liên kết.


     Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho  doanh nghiệp và người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tập trung hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục pháp lý, giúp người dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, bảo đảm đúng mục đích chuyển đổi đất trồng lúa để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng lợi dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để lấn chiếm, xây dựng trái phép hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định thì cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương đó phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và của pháp luật.


     Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là cấp cơ sở chủ động, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để tổ chức, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp.

 

Tác giả : .
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: