CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC ĐỂ LÚA CHÉT TẠO QUỸ ĐẤT TRỒNG CÂY VỤ ĐÔNG CỰC SỚM Ở QUỲNH PHỤ

Cập nhật: 13/07/2013

    Quỳnh phụ là huyện đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sớm đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cây ớt là một điển hình của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.

Trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần trồng lúa, song để vụ ớt cho năng suất và hiệu quả cao thì thời vụ trồng là yếu tố quyết định. Cây ớt là cây ưa ấm, thời vụ trồng cho năng suất cao nhất vào 25/8 - 5/9, (với cây con đã được 25 - 30 ngày tuổi); ở thời vụ này không chỉ năng suất cao mà giá bán thường cao nhất, nếu trồng cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì năng suất chỉ bằng 50 - 60% so với vụ sớm và giá bán thấp hơn.

Vụ lúa xuân thường thu hoạch vào trung tuần tháng 6, nếu cấy lúa mùa phải mất 110 - 120 ngày (kể cả làm đất) tức là cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới giải phóng đất để trồng cây vụ đông, lúc này trồng ớt cho hiệu quả không cao. Do vậy nông dân các vùng trồng ớt của Quỳnh Phụ thường bỏ vụ lúa mùa để đất hoang đến cuối tháng 8 trồng ớt. Nếu để lúa chét thì sau khi thu hoạch vụ lúa xuân khoảng 50 - 60 ngày thì có thể thu hoạch vụ lúa chét, trung tuần tháng 8 đã giải phóng được đất để chuẩn bị trồng vụ ớt đông; Tuy năng suất lúa chét chỉ bằng 2/3 - 3/4 năng suất lúa mùa sớm, song chi phí phân bón thấp chỉ bằng 20% so với cấy lúa mùa và không mất công cày bừa, không tốn giống. Vì vậy những năm gần đây một số địa phương như An ấp, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh... đã áp dụng mô hình lúa xuân – lúa chét – cây ớt góp phần giải phóng đất sớm để trồng ớt, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Tặng - Khuyến nông viên Cơ sở xã Quỳnh Hội cho biết với những vùng trồng ớt thì lúa chét là một giải pháp đảm bảo được 2 vụ lúa mà vẫn có quỹ đất vào cuối tháng 8 để vụ ớt cho năng suất cao. Lúa chét thời gian chiếm đất có 50 - 60 ngày, trừ hết chi phí vẫn thu được 500 - 600 nghìn đồng/sào.

Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Phụng Công – Quỳnh hội chia sẻ: Đây là năm thứ hai gia đình tôi trồng lúa chét. Lúa chét rất dễ làm, chỉ cần thu hoạch lúa xuân xong, để lại gốc rạ cao 35 - 40 cm tính từ mặt ruộng trở lên. Sau khi gặt thì bón 3 – 4 kg urê và 1 – 2 kg kali cho 1 sào với giống BT7. Vụ mùa 2012 gia đình tôi để 3,5 sào lúa chét sau lúa xuân, thu được 4,5 tạ thóc BT7.

Cùng thôn Phụng Công, Anh Nguyễn Duy Việt có cách làm khác hơn, gặt lúa xuân để gốc rạ cách mặt đất 10 – 15 cm sau đó bón 6 kg đạm và 3 kg kali cho một sào với giống BT7, sau 55 ngày thu được 172 kg thóc.

Có thể thấy vụ lúa chét tại các vùng trồng ớt của Quỳnh Phụ đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân. Nếu đầu tư phân bón đầy đủ, mỗi sào cũng thu gần 2 tạ thóc, song hiệu quả hơn nữa là đảm bảo thời vụ trồng ớt thuận lợi nhất cho năng suất cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số tồn tại: năng suất lúa chét của các hộ, các vùng rất khác nhau từ 40 – 170 kg/sào tùy vào cách gặt lúa xuân và mức độ thâm canh. Hơn nữa vụ lúa chét là cầu nối sâu bệnh cho vụ lúa mùa, việc điều tiết nước, công tác bảo vệ sản xuất gặp nhiều khó khăn…

Do vậy cần nghiên cứu, điều tra, tổng hợp để sớm đưa ra một quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chét để nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời cần quy hoạch thành vùng để thuận tiện cho việc quản lý và chỉ đạo sản xuất.

Tác giả : ThS: Nguyễn Đức Chí - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: