CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý chăm sóc cây màu Xuân Hè 2024

Cập nhật: 16/04/2024

    Để cây màu vụ Xuân Hè 2024 sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:


1. Cây dưa chuột


a. Dặm tỉa, phân bón và cách bón phân:


Đối với cây màu việc ổn định mật độ trồng là tiền đề góp phần cho năng suất sau này, cần tiến hành dặm tỉa sớm đảm bảo mật độ, cây cách cây 30cm và hàng cách hàng 60cm.     


Bón thúc cho cây dưa chuột như sau:


- Lần 1: Khi cây có khoảng 2 - 3 lá thật, kết hợp xới xáo phá váng và vun cho cây. Sử dụng phân NPK chuyên dùng của Đầu Trâu, Việt Nhật,… với khoảng 2 - 3kg/sào.


- Lần 2: Khi cây có từ 5-7 lá thật, bón 3 - 4kg NPK/sào.


- Lần 3: Khi cây ra hoa, bón 3 - 4kg NPK/sào


- Lần 4: Sau trồng 40 - 45 ngày, bón để nuôi quả và dưỡng thân lá giúp bền cây sai quả đến tận cuối vụ, lượng bón 3 - 4kg NPK/sào.


Lưu ý: Khi cây còn nhỏ, khả năng chống chịu kém cần bón phân cân đối, thích hợp để tránh những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới tỉ lệ sống của cây trồng. Tiến hành bón thúc đầy đủ theo các đợt, đảm bảo cây trồng có điều kiện phát triển tốt, khỏe mạnh.


 


b. Nước tưới: Cây dưa chuột cần cung cấp nhiều nước và đất đủ ẩm nhưng không chịu được úng, nếu để ruộng dưa chuột quá hạn cây sinh trưởng kém, quả ít, cong queo và ăn có vị đắng. Tốt nhất, đưa nước vào 1/3 chiều cao của rãnh luống để nước ngấm dần, nên tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều mát.


c. Một số vấn đề khác:


Làm giàn và tỉa nhánh: Khi cây 3 - 4 lá, tiến hành cắm giàn, có thể dùng dóc cắm kiểu chữ A hoặc cắm cọc tre cố định và giăng lưới vuông để cây dưa leo.


Khi cây leo lên đến đỉnh dóc hoặc lưới vuông, tiến hành bấm ngọt để cây ra nhánh, tỉa bỏ nhánh yếu, quả cong queo, quả bị ong châm và lá già phía dưới chân để cây thoáng đỡ nấm bệnh.


Cây dưa chuột rất cần nước và ẩm độ đất cao nhưng nếu gặp mưa lớn thường xuyên cây sẽ tàn nhanh và nấm bệnh nhiều, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.


2. Cây dưa hấu


a. Phân bón và cách bón phân:


Để cây có thể phát triển tốt, chất lượng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Có thể bón khoảng 15-18kg NPK (Việt Nhật, Đầu Trâu,…) + 3 kg Kali.


- Lần 1: Sau trồng 7 - 10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân 2kg NPK tưới xung quanh gốc.


- Lần 2: Sau trồng 15 ngày, hòa loãng 3kg phân NPK tưới vào gốc.


- Lần 3: Khi cây ra hoa, 20 - 25 ngày sau trồng, sử dụng 3 - 4kg NPK bón theo hốc. Nếu cây trồng bằng phương pháp phủ nilon nên ngâm phân tưới xung quanh gốc.


- Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả (40 ngày sau trồng) thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới hoặc bón vào gốc 1 lần khoảng 2 - 3kg NPK. Trước khi thu hoạch 10 ngày (lần thứ 6), hòa loãng phần kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt.


b. Tưới nước


Có thể tưới rãnh, để ngấm đủ ẩm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước. 


c. Chăm sóc


- Tỉa nhánh: Khi dưa ngả ngọn, cần tỉa bớt nhánh để tránh tiêu hao dinh dưỡng, dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt. Nếu mật độ trồng trên 350-360 cây/sào, mỗi cây để 1 nhánh. Nếu mật độ trồng ít hơn 350-360 cây/sào, mỗi cây để 2 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo và vào lúc trời nắng.


- Định hướng dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây.


 


- Thụ phấn: Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để định quả. Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên, tuy nhiên, để quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc nên thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn khi dây dài khoảng 1,5m, sau trồng 25 - 30 ngày, thụ phấn vào buổi sáng khoảng 8 - 9 giờ, thời gian thụ phấn kéo dài 5 - 7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.


- Chọn quả: Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu. Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 - 4, quả có cuống to, dài, bầu, không sâu bệnh, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm, xốp cho khỏi thối. 


d. Một số vấn đề khác


Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên thấy xuất hiện sâu bệnh hại, đặc biệt là các bệnh phấn trắng, bệnh thán thư...phòng trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.


Tác giả : Ths. Nguyễn Thị Ngân
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: