CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Cấy lúa hàng biên và khả năng nhân rộng

Cập nhật: 07/02/2017

    Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, cây lúa đẻ nhánh khỏe, bông to, ít sâu bệnh (đặc biệt là rầy nâu và khô vằn) đi lại chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng, không làm tổn hại cây lúa mà năng suất đảm bảo, thậm chí tăng từ 5-10% so với cấy truyền thống.

          Có thể nói, cho đến nay năng suất lúa ở Thái Bình đã đạt mức kịch trần. Vậy làm cách nào để năng suất lúa đảm bảo và giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân trên một đơn vị diện tích. Có rất nhiều giải pháp kỹ thuật đưa ra nhằm đạt được kết quả như trên, trong đó có kỹ thuật gieo cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên (Hàng rộng - Hàng hẹp). Đây là kỹ thuật gieo cấy lúa nhằm phát huy hiệu ứng hàng biên kết hợp với sức tạo bông tối ưu trên khóm để cây lúa đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

          Kỹ thuật gieo cấy lúa Hàng rộng - hàng hẹp không quá mới mẻ với người nông dân Thái Bình, bởi từ vụ xuân năm 2009 Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình trình diễn 02 ha cấy lúa Hàng rộng - Hàng hẹp tại xã Nam Hà - Tiền Hải, vụ mùa 2011 xây dựng mô hình gieo thẳng Hàng rộng - Hàng hẹp bằng công cụ sạ hàng cải tiến tại Hòa Bình - Kiến Xương, cấy lúa Hàng rộng - Hàng hẹp tại xã Vũ Lạc - Thành phố… Mật độ gieo cấy tương đương với gieo cấy truyền thống (hàng sông lớn 28-30 cm, hàng sông nhỏ 14-15 cm, cây cách cây 10-12 cm).

          Đến năm 2014, người nông dân Thái Bình lại được tiếp cận với kỹ thuật gieo cấy này nhưng với mật độ rất thấp (12-19 khóm/m2), giảm đi quá một nửa so với cấy truyền thống. Tại xã Phú Lương – Đông Hưng ban đầu mới cấy thử nghiệm diện tích 0,12 ha với 07 hộ gia đình tham gia cấy giống BC15 và TBR1. Mặc dù mật độ giảm quá 1 nửa nhưng cuối vụ thu hoạch vẫn cho năng suất tương đương, thậm chí cao hơn cấy dày truyền thống.

          Theo ông Nguyễn Trọng Thành - Giám đốc HTXSXKD DVNN xã Phú Lương: cấy lúa thưa, thông thoáng, cây lúa đẻ nhánh khỏe, bông to, ít sâu bệnh (đặc biệt là rầy nâu và khô vằn) đi lại chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng, không làm tổn hại cây lúa mà năng suất đảm bảo, thậm chí tăng từ 5-10% so với cấy truyền thống. HTX tiếp tục khuyến cáo và nhân rộng, đến vụ mùa 2016 toàn xã gieo cấy được gần 100 ha, năng suất đạt trung bình 2,3 tạ/sào (60 tạ/ha), hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt do tiết kiệm công cấy, giống và giảm thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên cấy theo phương pháp này cần lưu ý phải bón phân vào hàng hẹp để tập trung dinh dưỡng, lưu ý chuột hại và cỏ dại phát triển nhiều ở hàng sông lớn ở giai đoạn đầu.   

          Để nhân rộng giải pháp này, UBND huyện Đông Hưng đã khuyến khích các xã mở rộng diện tích gieo cấy lúa hàng biên với cơ chế hỗ trợ 100% giống cho những vùng cấy lúa tập trung từ 03 ha trở lên. Kết quả, toàn huyện đã có nhiều HTX gieo cấy theo phương pháp Hàng rộng – Hàng hẹp. Với những ưu điểm và hiệu quả của phương pháp cấy này, tin chắc rằng trong những năm tiếp theo, diện tích gieo cấy lúa hàng biên sẽ tiếp tục được mở rộng./.

Tác giả : Ths. Lại Thị Bích Hợi - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: