CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Mô hình chuỗi sản xuất thực phẩm hữu cơ hướng đi mới trong chăn nuôi ở huyện Thái Thụy

Cập nhật: 22/11/2017

    Năm 2017 là một năm hết sức khó khăn đối với người chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi lợn khi giá bán lợn thịt xuống quá thấp, không ít các trang trại, gia trại đã phải mổ lợn bán chạy thậm chí bán cả dụng cụ, chuồng trại.

         Đứng trước thực tế đầy khó khăn thách thức đó anh Nguyễn Cao Cường chủ trang trại Thơm Cường xã Thái Phúc huyện Thái Thụy đã có hướng đi mới đưa trang trại của mình vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch đang ngày càng cao anh Cường đã xây dựng trang trại của mình theo hướng chăn nuôi hữu cơ và sản xuất thịt sạch khép kín từ khâu chế biến thức ăn, nuôi dưỡng, giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt và cung ứng ra thị trường theo hệ thống cửa hàng của trang trại.

          Hiện tại trang trại của anh Cường chăn nuôi tổng hợp các đối tượng vật nuôi như lợn nái lai 20 con, lợn thịt 100 con, lợn rừng 60 con, gà thịt 200 con, gà đẻ trứng 200 con, vịt thịt 1500 con, chim bồ câu 100 con, bò 15 con và cá nước ngọt. Mỗi loại được nuôi nhốt ở một khu chuồng trại riêng biệt.

          Thức ăn sử dụng cho toàn bộ vật nuôi được chế biến theo hình thức ủ men vi sinh từ các nguyên liệu như bột ngô, cám gạo, giun quế, bột khoáng và rau xanh. Giun quế được nuôi trong trang trại với diện tích 500 m2 bằng nguồn phân lợn, phân bò của trại và được thu hoạch với sản lượng khoảng 30 kg/ ngày để sử dụng làm nguồn protein sản xuất thức ăn cho đàn vật nuôi. Giá thể nuôi giun sau đó được ủ mục để làm phân bón cho rau xanh và cỏ voi.

          Anh Cường cho biết để có thể sản xuất thực phẩm hữu cơ sạch anh đã phải tìm hiểu rất nhiều kênh thông tin như báo đài, mạng internet và tư vấn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Từ đó anh đã sắp xếp lại quy trình sản xuất và thực hiện kiểm soát đồng bộ ở tất cả các khâu như nguyên liệu thức ăn đầu vào, giết mổ, chế biến, bao gói và vận chuyển sản phẩm, … Đặc biệt là vấn đề tồn dư kháng sinh và chất cấm, những vật nuôi ốm cần thiết phải can thiệp bằng thuốc đều được tách ra một khu chuồng riêng biệt nuôi cách ly và ngưng dùng thuốc ít nhất 30 ngày trước khi giết mổ. Các vật nuôi đủ tiêu chuẩn xuất bán được đưa vào một khu nhà giết mổ đảm bảo vệ sinh và chế biến thành các loại thực phẩm đa dạng như thịt tươi, thịt đông lạnh, xúc xích, giò, chả, nem, … sản phẩm sau chế biến đều được bao gói, gián nhãn lôgô mang thương hiệu "Thực phẩm hữu cơ vi sinh Thơm Cường", địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, số điện thoại hotline, trước khi đưa đến hệ thống cửa hàng và bán cho người tiêu dùng.

          Mô hình trang trại của anh Cường mới cho ra những sản phẩm đầu tiên nhưng đã thu được kết quả rất khả quan. So với trước đây việc xuất bán sản phẩm thịt sạch dễ hơn, không bị ép giá, không phải thường xuyên tiếp đón các thương lái, không khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Sản xuất khép kín, sử dụng thức ăn tự chế cũng giảm được chi phí thức ăn, hạ giá thành sản phẩm nên giá bán các sản phẩm của trang trại không cao hơn giá bán trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận (giá thịt lợn 70.000đ/kg, thịt gà 100.000đ/kg, thịt vịt 50.000 đ/kg). Thời gian tới anh Cường dự định sẽ tăng quy mô đàn vật nuôi và thực hiện nuôi gia công ở các hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo. Việc thực hiện nuôi gia công vừa giúp cho các chủ gia trại không có điều kiện kinh tế vẫn có thể thực hiện chăn nuôi hữu cơ và sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi, vừa giúp cho mô hình chăn nuôi của anh thường xuyên có nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường.

          Anh Cường nhận định chăn nuôi hữu cơ và sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi khép kín là hướng đi đúng đắn có thể tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các ban ngành liên quan chung tay cùng trang trại trong công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận và thông tin tuyên truyền để xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó mới có thể phát triển bền vững được.

Tác giả : Ks. Đào Minh Thuận - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: