CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Đánh giá vụ Xuân 2019, một số lưu ý cho sản xuất lúa vụ Xuân 2020

Cập nhật: 03/02/2020

    Vụ xuân 2019 toàn tỉnh gieo cấy được 77.589 ha, giảm 631 ha so với vụ Xuân năm 2018, năng suất trung bình đạt 71,3 tạ/ha. Tiến độ gieo cấy tập trung và kết thúc sớm hơn vụ xuân 2018. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường

Cả vụ nền nhiệt cao, ít nắng, rét muộn, mưa tập trung ở đầu và cuối vụ đã ảnh hưởng tới khả năng đẻ nhánh, phân hóa làm đòng, cây tiêu hao dinh dưỡng mạnh; Cuối vụ nhiệt độ, ánh sáng tăng nhanh, lúa trỗ nhanh, chín nhanh và thuận lợi cho thu hoạch tuy nhiên nắng nóng xen kẽ mưa rào làm 1 số diện tích lúa bị đổ ngã, rầy nâu bùng phát gây cháy cục bộ, bệnh bạc lá gây hại rải rác song do làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, dự tính, dự báo của các cấp, các ngành và sự chấp hành nghiêm của nông dân nên xuân 2019 đã đạt được năng suất khá cao trên tất cả các giống và các trà lúa trỗ.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2019-2020, dự báo khả năng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng với xác suất khoảng 55-60% vào những tháng đầu năm 2020. Dự báo đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào khoảng đầu tháng 01/2020 và tập trung nhiều trong tháng 01 và 02/2020. Tổng lượng mưa (TLM) tháng 12/2019 phổ biến thấp hơn TBNN; từ tháng 01 đến tháng 02/2020, TLM phổ biến khoảng 30-60mm, ở mức cao hơn so với TBNN. Trong những tháng mùa đông có thể xuất hiện những đợt mưa rào và dông. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, TLM tại khu vực phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Từ tháng 12/2019-5/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng 12/2019 và tháng 01/2020. Mùa khô năm 2020, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc và Đông Bắc. Vì vậy để chủ động giành vụ lúa xuân 2020 thắng lợi cần lưu ý:

Cơ cấu giống: Ưu tiên chọn nhóm giống ngắn ngày, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ; sử dụng các giống có tính chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá.

Về thời vụ: Để lúa trỗ an toàn vào tuần 2/5 thì các giống lúa ngắn ngày cần tập trung gieo mạ nền xung quanh tiết lập xuân (04/02/2020), cấy khi mạ được 2,5-3 lá thật, trong điều kiện thời tiết bất thuận phải gieo cấy lại thì có thể cấy khi mạ 1,5-2 lá thật, kết thúc gieo cấy đến 20/02/2020. Gieo tăng 5-10% mạ dự phòng; chủ động chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết không thuận xảy ra.

Làm đất: Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm, phơi ải để diệt mầm mống sâu bệnh và cải tạo đất hạn chế sự phát sinh sâu bệnh ở vụ Xuân 2020. Để phòng bệnh LSĐ cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng cắt nơi trú ngụ của môi giới truyền bệnh (rầy) và ký chủ phụ (cỏ lồng vực, ngô,..). Tùy từng loại chân đất mà có biện pháp làm đất (cày, phơi ải, bừa,...) phù hợp. Riêng đối với các vùng chua, trũng, các xã ven biển không để ải xác nên thực hiện theo phương châm “Tiền ải non, hậu dầm ngấu”. Tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bảo dưỡng hệ thống máy bơm, tiến hành thau chua, rửa mặn, rửa phèn cho toàn bộ diện tích gieo cấy. Tận dụng các đợt xả nước và triều cường lấy nước vào đồng ruộng tiến hành thau chua, rửa mặn, rửa phèn cho toàn bộ diện tích gieo cấy. Các địa phương căn cứ vào lịch thời vụ đã ban hành cần tổ chức lại, phân vùng, quản lý, điều hành tổ thủy nông và tổ làm đất phục vụ tốt cho công tác gieo cấy.

Chăm sóc mạ: Trong điều kiện vụ xuân việc che phủ nilon cho mạ (mạ nền cứng và mạ dược xúc) sau khi gieo là giải pháp khoa học để có cây mạ khỏe. Nếu trời rét cần che cả ngày lẫn đêm để giữ ấm. Khi nhiệt độ cao (trên 150C), trời có nắng mở dần nilon để tôi luyện mạ và không làm ảnh hưởng đến cây mạ, trước khi cấy 2-3 ngày nên mở hoàn toàn. Để phòng bệnh LSĐ cần xử lý hạt giống bằng 1 số chế phẩm như CRUISER PLUS hoặc ENALDO,... trước khi gieo, kiểm tra và phun trừ rầy cho mạ trước khi mang ra ruộng cấy.

Phương thức gieo cấy: Mở rộng diện tích cấy máy, khuyến khích cấy lúa theo Hiệu ứng hàng biên, cấy mật độ thưa ở nơi có tập quán cấy truyền thống và tuân thủ quy trình kỹ thuật với từng giống lúa và chân đất.

Chế độ nước tưới: Vụ xuân cây lúa lấy nước làm áo vì vậy sau gieo cấy cần giữ mực nước nông giúp tăng khả năng chống chịu cho cây và phát huy hiệu lực của phân bón, tăng hiệu lực sử dụng thuốc ốc, thuốc cỏ. Với lúa gieo thẳng giai đoạn đầu cần giữ ẩm mặt ruộng, không để ruộng bị khô nứt nẻ hoặc ngập mộng.

          Phân bón: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh để từng bước giảm dần lượng phân vô cơ, tăng độ phì cho đất. Để giúp cây lúa STPT khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh hại cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng, thực hiện bón lót sâu, thúc sớm, ngừng bón phân khi cây lúa đang bị bệnh nhất là đạm đơn và các chất kích thích sinh trưởng. Trong điều kiện thời tiết ấm, nắng và ít mưa tốc độ khóng hóa mạnh, cây đói ăn cuối vụ cần tăng lượng phân và chia thành 2 lần thúc. Theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa và diễn biến thời tiết để bổ xung phân bón giúp cây sinh trưởng tốt, phát huy tiềm năng năng suất của giống.

Sâu bệnh: Cần làm tốt công tác dự tính dự báo, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng trừ 1 số đối tượng sâu bệnh hại (bệnh LSĐ, bệnh đạo ôn, rầy,...). Với phương châm phòng là chính khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra và phun phòng kịp thời. Vụ xuân cần lưu ý phòng bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, nhất là khi lúa trỗ có ẩm độ không khí cao, trời có mưa, nhiệt độ phù hợp cho bệnh phát sinh cần phải tiến hành phun kép khi lúa bắt đầu trỗ và kết thúc trỗ, đặc biệt với các giống nhiễm, chân ruộng chua.

Khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát huy ưu thế về diện tích lớn trong sản xuất nông sản và đảm bảo lượng nông sản lớn tham gia cạnh tranh trên thị trường.

Trong quá trình sản xuất, khi cây lúa gặp các hiện tượng bất thường như cây khô héo, vàng lá,... cần xác định rõ nguyên nhân (do thời tiết, do đất, do nước, do phân bón,…) để có biện pháp xử lý đúng, kịp thời.

Tác giả : KS. Nguyễn Thị Thương Huyền
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: