CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Lưu ý một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa Xuân 2020

Cập nhật: 27/04/2020

    Điều kiện thời tiết từ đầu tháng 12/2019 đến nay, thuận lợi cho việc cày lật đất, để ải. Trận mưa rào lớn kéo dài kèm theo dông lốc, mưa đá ngày 25/01/2020 đã ảnh hưởng đến một bộ phận diện tích rau màu nhưng lại cung cấp được lượng nước tưới lớn phục vụ cho làm đất, gieo cấy lúa Xuân;

    

     Các đợt không khí lạnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa Xuân nhưng nền nhiệt độ bình quân trung bình ngày đêm đều trên 15oC, ẩm độ không khí cao xen kẽ những trận mưa rào từ sau Lập Xuân tạo thuận lợi cho lúa Xuân bén rễ, hồi xanh, sinh trưởng phát triển tốt.


     Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên khi chăm sóc lúa xuân, ngoài các biện pháp áp dụng đồng bộ từ đầu vụ (như: chọn giống chống chịu sâu bệnh tốt, vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối...), đến thời điểm này cần lưu ý như sau:


     1. Các biện pháp chăm sóc:


     Thường xuyên giữ mực nước nông trên ruộng để cây lúa đẻ nhánh (2-3 cm), hạn chế cỏ dại và tăng hiệu lực của công tác phòng trừ sâu bệnh.


     Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản, tháo cạn nước để cho mặt ruộng khô 3-5 ngày, hạn chế cho lúa đẻ nhánh lai rai và giúp bộ rễ ăn sâu, chống đổ tốt.


     Khi cây lúa bị bệnh, tuyệt đối không bón phân, đặc biệt là phân đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Trong điều kiện vụ xuân ấm, khô, tốc độ khoáng hóa dinh dưỡng nhanh có thể xảy ra hiện tượng đói ăn cuối vụ. Vì vậy, giai đoạn lúa phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, sức sinh trưởng của cây, chân đất…) có thể bón bổ sung các loại phân có hàm lượng kali cao.


     2. Phòng trừ sâu, bệnh gây hại: Với các loại bệnh chủ yếu nên áp dụng biện pháp phòng là chính, do đó khi thâm canh cây lúa cần áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ. Với các loại sâu hại (sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy...) cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, bám sát lịch khuyến cáo phòng trừ của cơ quan chuyên môn, của địa phương để phun trừ kịp thời.


      Lưu ý với một số loại sâu bệnh hại chính trong vụ xuân:


     Bệnh đạo ôn:


     Thường xuất hiện trên các giống nhiễm như BC15, TBR225, nếp địa phương… ở hầu hết các giai đoạn của cây lúa, gây hại nặng từ giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ bông. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ cao, ruộng cấy to, cấy dày, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, bón phân muộn, ruộng trũng hẩu… Vì vậy:

       

     Đối với bệnh đạo ôn lá: Cần phát hiện sớm và phun phòng bệnh khi tỉ lệ bệnh còn thấp bằng các loại thuốc đặc hiệu.


     Khi bệnh nặng cần dứt bỏ lá bệnh kết hợp phun thuốc nhiều lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày tùy mức độ nặng của bệnh.


     Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Thời điểm lúa trỗ bông, nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cao, trên các giống nhiễm phải chủ động phun kép khi lúa thấp thoi trỗ và khi trỗ xong.


     Bệnh khô vằn: Có thể gây hại trên tất cả các giống và các giai đoạn sinh trưởng của cây. Các bẹ lá sát mặt nước, bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao, đặc biệt khi có nắng, mưa xen kẽ; Ruộng cấy quá dày, quá to; Ruộng bón thừa đạm… Nguồn bệnh tồn tại ở trên đất ruộng, gốc rạ và tàn dư trên đồng ruộng… nên rất dễ lan truyền sang vụ sau.


     Cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ, tàn dư thực vật, nhổ bỏ tất cả các khóm cấy dặm thừa trên ruộng, đảm bảo ruộng thông thoáng sẽ hạn chế bệnh phát sinh gây hại.


     Rầy các loại: Giai đoạn bộ lá còn xanh dùng có thể sử dụng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn để phun. Giai đoạn lúa chín cần sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, vị độc và phải rẽ lúa để phun vào gốc.


     Khi bị sâu bệnh gây hại: Sử dụng các loại thuốc rõ nguồn gốc, hướng đến sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc có nguồn gốc thảo mộc, đảm bảo độ cách ly theo hướng dẫn. Thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao khi phòng trừ.

Tác giả : KS. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: