CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Kinh nghiệm nhà nông
Đánh giá vụ xuân 2018, một số lưu ý vụ xuân 2019

Cập nhật: 02/01/2019

    Vụ Xuân 2018 là vụ đạt năng suất cao trên tất cả các giống.Tiến độ gieo cấy vụ xuân 2018 chậm hơn mọi năm, trong đó có nguyên nhân về tiến độ làm đất chậm tuy nhiên thời tiết khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 sắp tới, dự báo tình hình thời tiết diễn biến khó lường, vụ Xuân tới là vụ nghiêng ấm, mưa ít

   

     Vụ xuân 2018, toàn tỉnh gieo cấy 78.228ha bằng các giống như BC15, TBR225, BT7, Thiên ưu 8,.... nhóm giống lúa chất lượng ngày càng tăng lên do thị hiếu của người tiêu dùng và phục vụ chế biến xuất khẩu. Là vụ đạt năng suất cao trên tất cả các giống, các trà lúa trỗ, trà lúa trỗ tuần 2 tháng 5 cho năng suất cao nhất, năng suất trung bình toàn tỉnh đạt 71,76 tạ/ha. Tiến độ gieo cấy vụ xuân 2018 chậm hơn mọi năm, trong đó có nguyên nhân về tiến độ làm đất chậm tuy nhiên thời tiết khá thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển: Đầu vụ thời tiết ấm thuận lợi cho gieo cấy, lúa bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm. Diện tích lúa gieo thẳng giảm đáng kể so với các năm trước và là vụ có mật độ gieo khá cao. Diện tích cấy máy và cấy tay mật độ thưa tăng lên giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo năng suất. Giữa vụ ấm, mưa phùn, ẩm độ không khí cao thuận lợi cho quá trình đẻ nhánh song bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nặng trên các giống nhiễm một phần do tâm lý chủ quan của người dân. Cuối vụ nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều thuận lợi cho lúa xuân trỗ bông, phơi màu và vào chắc tốt tuy nhiên nắng nóng xen kẽ mưa rào làm 1 số diện tích lúa bị đổ ngã, rầy nâu bùng phát gây cháy cục bộ, nông dân phải gặt chạy rầy. 


     Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay đến sớm hơn so với 5 năm gần đây (từ 7/9/2018). Thời gian xuất hiện rét đậm, rét hại có có khả năng tương đương so với trung bình các năm (khoảng nửa cuối tháng 12/2018). Các đợt rét đậm, rét hại trong mùa Đông Xuân 2018-2019 không kéo dài, nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019. Trong mùa Đông Xuân 2018 - 2019, nhiệt độ ở khu vực Miền Bắc có xu hướng cao hơn TBNN, riêng tháng 12 ở mức xấp xỉ TBNN. Đợt rét đậm, rét hại diện rộng đầu tiên của năm nay sẽ xảy ra vào khoảng nửa cuối của tháng 12/2018. Nhiệt độ trung bình tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 3 và tháng 4 năm 2019 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C; tháng 12/2018 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 1 và tháng 2 năm 2019 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 độ C. Hiện tượng ENSO nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái El Nino từ tháng 11 với xác suất khoảng 60-70%.


 

   

      Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 sắp tới, dự báo tình hình thời tiết diễn biến khó lường, vụ Xuân tới là vụ nghiêng ấm, mưa ít. Vì vậy, để chủ động giành vụ lúa xuân 2019 thắng lợi cần lưu ý:


     1. Về thời vụ: Để lúa trỗ vào thời điểm an toàn và cho năng suất cao (tuần 2/5) thì các giống lúa ngắn ngày cần tập trung gieo mạ nền xung quanh tiết lập xuân (4/2), cấy khi mạ được 2,5-3 lá, thời tiết thuận lợi (nhiệt độ trên 15 độ C. Trong trường hợp gặp thời tiết bất thuận (rét chết mạ) có thể lùi thời vụ hoặc gieo cấy lại và cấy khi cây mạ có 1,5-2 lá thật.


     2. Làm đất: Tùy từng loại chân đất mà có biện pháp làm đất (cày, phơi ải, bừa,...) phù hợp. Với chân đất kìm hãm, nhiễm chua phèn mặn, các vùng chua, trũng, các xã ven biển không để ải xác cần áp dụng biện pháp làm đất “Tiền ải non, hậu dầm ngấu”. Để phòng bệnh LSĐ cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng cắt nơi trú ngụ của môi giới truyền bệnh (rầy) và ký chủ phụ (cỏ lồng vực, ngô,..). Tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bảo dưỡng hệ thống máy bơm,... Tận dụng các đợt xả nước và triều cường lấy nước vào đồng ruộng tiến hành thau chua, rửa mặn, rửa phèn cho toàn bộ diện tích gieo cấy. Các địa phương cần tổ chức lại, phân vùng, quản lý và điều hành tổ làm đất để đảm bảo thời vụ gieo cấy theo đúng đề án đã ban hành.


     3. Cơ cấu giống: Gieo cấy 100% bằng các giống lúa ngắn ngày, ưu tiên những giống kháng bệnh đạo ôn để ổn định năng suất, tập trung vào nhóm giống chất lượng, lúa nhật, giống phục vụ chế biến để sản xuất lúa hàng hóa giúp tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.


     4. Chăm sóc mạ: Trong điều kiện vụ xuân việc che phủ nilon cho mạ (mạ nền cứng và mạ dày  xúc) sau khi gieo là giải pháp khoa học để có cây mạ khỏe. Nếu trời rét cần che cả ngày lẫn đêm để giữ ấm. Khi nhiệt độ cao (trên 150C), trời có nắng mở dần nilon để tôi luyện mạ và không làm ảnh hưởng đến cây mạ, trước khi cấy 2-3 ngày nên mở hoàn toàn. Để phòng bệnh Lùn sọc đen cần xử lý hạt giống bằng 1 số chế phẩm như CRUISER PLUS hoặc ENALDO,.. trước khi gieo, phun trừ rầy cho mạ trước khi mang ra ruộng cấy...


     5. Phương thức gieo cấy: Mở rộng diện tích cấy máy thay cho gieo thẳng, khuyến cáo cấy lúa theo Hiệu ứng hàng biên, cấy mật độ thấp ở nơi có tập quán cấy truyền thống và tuân thủ quy trình kỹ thuật với từng giống lúa và chân đất.


     6. Chế độ nước tưới: Vụ xuân cây lúa lấy nước làm áo vì vậy sau gieo cấy cần giữ mực nước nông giúp tăng khả năng chống chịu cho cây, tăng hiệu lực sử dụng thuốc ốc và thuốc cỏ. Với diện tích lúa gieo thẳng cần giữ ẩm mặt ruộng, không để ruộng bị khô nứt nẻ.


     7. Phân bón: Để giúp cây lúa STPT khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh hại cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sử dụng các loại phân bón tổng hợp NPK, ngừng bón phân khi cây lúa đang bị bệnh nhất là đạm đơn và các chất kích thích sinh trưởng.


     8. Sâu bệnh: Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng trừ 1 số đối tượng sâu bệnh hại (bệnh LSĐ, bệnh đạo ôn, rầy,...). Với phương châm phòng là chính khuyến cáo nông dân cần thường xuyên kiểm tra và phun phòng đạo ôn từ giai đoạn mạ, giai đoạn lúa trỗ bông phải phun kép 2 lần khi lúa bắt đầu trỗ và lúc kết thúc trỗ, đặc biệt với các giống nhiễm, chân ruộng chua trũng khi ẩm độ không khí cao, trời có mưa, nhiệt độ phù hợp cho bệnh phát sinh.


     Lưu ý: Khi cây lúa gặp các hiện tượng bất thường như cây khô héo, vàng lá,... cần xác định rõ nguyên nhân (do thời tiết, do đất, do nước, do phân bón, …) để có biện pháp khắc phục kịp thời.



Tác giả : Ks. Nguyến Thị Thương Huyền
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: