CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Quy trình kỹ thuật
Chống nóng cho gia súc, gia cầm

Cập nhật: 01/06/2015

    Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng tăng cao, gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện môi trường tiểu khí hậu bất lợi. Do đó gia súc, gia cầm thường ăn, ngủ kém, mất cân bằng chất điện giải, dẫn đến rối loạn quá trình trao đổi chất.

Vào mùa hè thời tiết oi bức, có hôm nhiệt độ lên cao đến 35 -  380C. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung, với mật độ cao.

Những ngày nắng nóng nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng tăng cao, gia súc, gia cầm phải chống đỡ với những điều kiện môi trường tiểu khí hậu bất lợi. Do đó gia súc, gia cầm thường ăn, ngủ kém, mất cân bằng chất điện giải, dẫn đến rối loạn quá trình trao đổi chất.

Do sức đề kháng bị suy giảm, năng suất thịt, trứng, sữa bị giảm. Các loại dịch bệnh như tiêu chảy, lỵ, E.coli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng... có nguy cơ phát sinh, lây lan và gây tử vong cho gia súc, gia cầm làm thiệt hại lớn về kinh tế cho các cơ sở chăn nuôi.

  Để hạn chế ảnh hưởng xấu của nắng nóng, người chăn nuôi cần lưu ý:

1. Về chuồng trại:

- Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, nên làm theo hướng đông nam; nên lợp mái bằng vật liệu có khả năng chống nóng như ngói hoặc mái lá cọ. Nếu dùng ngói fibro xi măng nên lợp kiểu 2 mái. Xung quanh chuồng nên có phên che chống nắng và trồng cây xanh tạo bóng mát.

- Nền chuồng đảm bảo sạch sẽ, không để tù đọng phân, nước tiểu của gia súc. Đối với đàn gia cầm, chất độn chuồng nên trải mỏng, định kỳ thay chất độn chuồng.

- Hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Trong chuồng nên lắp đặt hệ thống quạt thông gió. Quạt điện nên treo ngang, thuận theo chiều gió, độ cao của quạt cao hơn thân gia súc từ 1,5 - 2 mét. (Không nên treo quạt trên trần sẽ đẩy không khí nóng từ trên xuống).

2. Về mật độ nuôi:

Nuôi nhốt với mật độ vừa phải:

- Đối với gia cầm úm mật độ 50 - 60 con/m2, gà thịt 10 - 15 con/m2; gà giống, gà đẻ 3 - 5 con/m2 và có thêm sào đậu cho gà. Số lượng máng ăn, máng uống cũng cần tăng thêm... Nếu nóng quá có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng.

- Đối với lợn: Lợn nái 3 - 4 m2/con, lợn thịt là 1 - 2 m2/con.

- Mật độ nuôi nhốt đối với trâu, bò thịt: 4 - 5m2/con; Bò sữa 6 - 7 m2/con, đối với dê cừu 1,8 - 2m2/con.

3. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng:

- Tăng cường khẩu phần thức ăn xanh như: rau xanh, cỏ tươi, củ quả… Tăng cường bổ sung thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần.

- Tăng cường cho ăn đêm hay sáng sớm hoặc chiều mát; hạn chế cho ăn ngày, nhất là buổi trưa, khi trời nắng nóng...

- Thường xuyên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho gia súc, gia cầm uống, nhưng không làm ẩm ướt nền chuồng. Cần bổ sung vào nước uống hỗn hợp VTM, nhất là VTM C, chất điện giải.

- Tắm chải cho gia súc 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và định kỳ vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da.

- Đối với vật nuôi sơ sinh hay còn theo mẹ: cần giữ khô ráo, tuyệt đối không làm ẩm ướt nền chuồng.

- Hạn chế gây xáo trộn đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng.

- Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

 

- Vào những ngày nhiệt độ cao, lợn thường hay có hiện tượng thở dốc. Trong trường hợp này cần tìm cách di chuyển lợn đến nơi thông thoáng, mát mẻ, sau đó rắc lên nền chuồng nơi nhốt lợn một ít nước lạnh để lợn có thể nằm trên đó, cũng có thể tạo một cái hố nước mát trong chuồng để lợn có thể “đằm mình” trong đó. Tránh dội đột ngột nước lạnh vào lợn có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng cao dẫn đến lợn sốt cao, sinh bệnh viêm phổi hoặc nặng có thể gây chết.

Có thể cho lợn uống dấm hoặc nước dưa chua để thanh nhiệt giải nóng cho lợn. Tùy theo lợn to hay nhỏ mà cho uống nước dưa chua từ 250 - 500 ml/lần/ngày.

- Đối với trâu, bò, dê: Nên chăn thả vào lúc mát mẻ: Buổi sáng đi chăn thả sớm: 6 giờ thả, 9 giờ về; buổi chiều chăn thả muộn: 4 giờ thả, 6 giờ về chuồng. Lúc nắng nóng nên buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu, bò nghỉ ngơi.

4. Vệ sinh phòng bệnh:

- Tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tẩy uế chuồng trại, trang thiết bị, đệm lót, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid.

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh như: Dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh... đối với đàn lợn; Bệnh gumboro, niu cat xơn, cúm gia cầm, viêm gan siêu vi trùng, dịch tả… đối với đàn gia cầm, thủy cầm; bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng… đối với trâu, bò, dê.

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường như: bỏ ăn, giảm ăn, tiêu chảy, khó thở, thở dốc, ít vận động, sốt cao, ủ rũ hoặc ốm, chết đột ngột./

Tác giả : Nguyễn Thị Chút - TT KNKNKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: