KỸ THUẬT XỬ LÝ RƠM RẠ SAU THU HOẠCH ĐỂ HẠN CHẾ NGỘ ĐỘC HỮU CƠ CHO LÚA MÙA
Khi lúa bị ngộ độc hữu cơ
nông dân khắc phục rất vất vả, cuối vụ thường bị bệnh bạc lá gây
hại làm giảm năng suất. Hiện tượng này thường xảy ra vào vụ mùa
thời gian làm đất đến gieo cấy lúa mùa ngắn, đất làm sổi, rơm rạ
chưa kịp thối ngấu. Nhiệt độ vụ mùa thường cao, sau khi gieo cấy lúa
mùa, lượng gốc rạ, rơm rạ trên ruộng tiếp tục phân hủy trong điều
kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4…, đây
là những chất độc ảnh hưởng trực tiếp đến bộ rễ lúa làm cho lúa
sinh trưởng phát triển chậm, thậm chí bị chết. Trong sản xuất hiện
nay, nông dân thu hoạch lúa xuân thường gặt ngang cây lúa, gặt bằng máy
gặt, theo phương thức này lượng rơm rạ trên ruộng là rất lớn rất dễ
xảy rạ hiện tượng nghẹt rễ ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa nếu không xử
lý tốt. Để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nghẹt rễ và ngộ độc
hữu cơ cho lúa mùa cần lưu ý:
Khi thu hoạch lúa xong
cần giữ nước làm đất để đất nhanh thối ngấu. Những chân ruộng cao
gặt sát gốc rạ, gặt xong rải đều rạ ra ruộng (không để gồi rạ to),
bón 7 - 10 kg phân vi sinh Azotobacterin và 15 - 20 kg vôi bột/sào, rồi
lồng dập rạ, để ngập nước, sau 7 - 10 ngày tiến hành bừa cấy.
Đối với phương thức
gặt ngang cây lúa, cũng giữ nước trong ruộng, phun các chế phẩm vào
ruộng rạ như AT, Trichodema… hoặc rắc phân vi sinh Azotobacterin với
lượng 7 - 10 kg/sào, bón mỗi sào 15 - 20 kg vôi bột sau đó đưa máy cày
cỡ trung và cỡ lớn lồng vùi rơm rạ. Ruộng có nước, có vôi, nhiệt
độ vụ mùa cao, rơm rạ sẽ được các vi sinh vật phân hủy rất nhanh, sau
7 - 10 ngày là bừa cấy được.
Thực tiễn sản xuất
cho thấy “Tốc độ làm đất quyết định tiến độ gieo cấy lúa mùa” do
đó cần giữ nước khi thu hoạch lúa xuân tạo điều kiện thuận lợi cho
việc làm đất. Những chân ruộng trũng phèn, khi làm đất vùi rơm rạ
sẽ tăng hiện tượng ngộ độc sắt do đó cần bón tăng lượng vôi bột lên
đến 20 - 25 kg/sào./
Tác giả : KS. Quách Thị Phương - TTKNKNKN