CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

QTKT-Thủy sản
Kỹ thuật nuôi ngao bền vững

Cập nhật: 10/07/2015

    Ngao (nghêu) là nhóm động vật nhuyễn thể có tiềm năng lớn ở vùng triều nước ta. Kỹ thuật nuôi không phức tạp, không phải đầu tư thức ăn, có giá trị xuất khẩu. Nuôi ngao còn là biện pháp tích cực để bảo vệ và phát triển nguồn lợi này và góp phần làm sạch môi trường đáy vùng triều ven biển. Thái Bình có khoảng 7000ha mặt nước có thể nuôi được ngao, những năm gần đây tình hình nuôi ngao của Thái Bình gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh, ngao chậm lớn nhiều nơi bị chết hàng loạt. Để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, người nuôi cần nắm chắc các biện pháp kỹ thuật sau:

1. Điều kiện bãi nuôi

- Bãi nuôi có diện tích 1 - 2 ha.

- Nằm ở vùng trung và hạ triều, bãi nuôi bằng phẳng, ít dốc, nền đáy hơi xốp thuận lợi cho ngao vùi sâu 4 - 6 cm.

- Thời gian phơi bãi từ 4 - 8 giờ/ngày.

- Chất đáy bãi nuôi cát chiếm tỷ lệ 70 - 80%.

- Độ mặn ổn định, dao động từ 10 - 30‰.

- Không bị ảnh hưởng của nguồn nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp (tồn dư của thuốc BVTV) và nước thải sinh hoạt...

2. Chuẩn bị bãi nuôi

Bãi triều sau khi được quy hoạch hoặc trước khi thả giống, tuỳ theo điều kiện nền đáy bãi nuôi, tính toán lịch con nước thuỷ triều, người dân tiến hành vệ sinh, cải tạo mặt bãi. Đối với những bãi nuôi có tỷ lệ bùn hoặc phù sa cao, nền đáy chưa ổn định, cần tiến hành phun cát bổ sung đến mức hợp lý (tỷ lệ cát bùn 80:20), rồi san bằng mặt bãi trước khi thả giống. Những bãi cũ sau khi thu hoạch, có thể cày lật nền đáy kết hợp bón vôi bột với lượng 10 kg/100 m2 và san bằng mặt bãi trước khi nước thuỷ triều lên.

- Cắm xăm lưới (Politylen) vây xung quanh để bảo vệ, tránh ngao di chuyển ra khỏi bãi nuôi khi nước triều lên hoặc ảnh hưởng của bão, lũ. Vây lưới chắn có thể làm 1 hoặc 2 lớp.

+ Vây chắn 1 lớp: Lưới cao 0,8 - 1,2 m, cỡ mắt lưới = 5 mm; cọc tre hoặc cọc gỗ F = 10 – 15 cm, cao 2,5 m.

+ Vây chắn 2 lớp:

Lớp trong có tác dụng ngăn không cho ngao di chuyển ra ngoài, cỡ mắt lưới = 5 mm, cao 0,8 - 1,2 m. Cọc tre hoặc cọc gỗ để cố định lưới F = 8 – 10 cm.

Lớp ngoài có tác dụng phòng ngừa địch hại xâm nhập, chiều cao lưới 1,5 - 2 m, cỡ mắt lưới = 15 - 20 mm, cọc cao 1,5 - 2,5 m, F = 10 – 15 cm.

- Cách cắm vây lưới: Vùi lưới và cọc xuống đất 60 - 70 cm, cách 2,5 - 3 m cắm 1 cọc cỡ nhỏ để nâng lưới lên từ 0,5 - 1 m (lớp trong 0,5 m, ngoài 0,8 - 1 m), cách 3 - 5 m cắm 1 cọc cỡ lớn để căng lưới.

Trong bãi căng dây cắt nhốt cách mặt đáy 5 – 10 cm ngang dọc để hạn chế ngao di chuyển.

3. Chọn thả giống

- Chọn giống: Ngao giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị nhiễm bệnh, có mùi tanh tự nhiên.

- Thời vụ nuôi: Có thể thả nuôi quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 4 - 6 hoặc tháng 9 - 10 dương lịch hàng năm.

- Cỡ giống thả: Tuỳ theo điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư, trình độ thâm canh để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.

+ Đối với bãi triều ít chịu ảnh hưởng của sóng gió (bãi êm), cỡ giống thả 1.000 - 2.000 con/kg, mật độ 400 - 500 con/m2.

+ Đối với bãi triều sóng gió nhẹ, cỡ giống thả 800 - 1.000 con/kg, mật độ 300 - 400 con/m2.

+ Đối với bãi triều sóng gió lớn, cỡ giống thả 200 - 500 con/kg, mật độ 200 - 250 con/m2.

- Cách thả giống:

Ngao giống sau khi vận chuyển từ nơi khác về để vào nơi râm mát để cân bằng nhiệt độ trước khi thả xuống bãi nuôi. Không thả giống khi trời đang mưa. Không nên để ngao trong bao qua đêm, nếu gặp mưa, sau khi thả ngao sẽ hao hụt lớn.

Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, bằng cách dùng thuyền chở ngao giống rắc đều lên mặt bãi, cắm tiêu tránh thả chồng lên nhau, tốt nhất thả giống trước khi triều lên ngập bãi.

 4. Quản lý bãi nuôi

4.1. Xây dựng chòi canh trên mặt bãi thuận tiện cho việc kiểm tra, quan sát bãi nuôi.

4.2. Hàng ngày trước và sau khi triều xuống, kiểm tra bãi nuôi như nhiệt độ tăng cao (tháng 6 - 7 hàng năm), độ mặn thấp hoặc ảnh hưởng của bão, lũ, các biểu hiện khác của ngao để có biện pháp xử lý kịp thời.

4.3. Ngao thường có hiện tượng di chuyển và tập trung mật độ cao ở chân vây, nhất là sau mỗi con nước hoặc gió bão. Cần phải kiểm tra thường xuyên để san thưa mật độ nuôi, tu sửa lại chân vây tránh thất thoát.

4.4. Hàng ngày, trước khi triều xuống cần kiểm tra bãi nuôi và bắt các đối tượng địch hại tấn công ngao như: cua, ốc, ... trong bãi nuôi.

4.5. Thường xuyên vệ sinh mặt bãi nuôi, chân vây lưới, tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao.

5. Thu hoạch

- Sau thời gian từ 12 - 18 tháng nuôi, ngao đạt cỡ 50 - 70 con/kg tiến hành thu hoạch.

- Thời gian thu tốt nhất vào mùa xuân, thu dễ bảo quản.

- Phương pháp thu

+ Thu thủ công: Dùng cào để cào ngao, 01 người/ngày thu được 200 - 250 kg.

+ Thu bằng lưới kéo trên thuyền máy: Thích hợp ở dải hạ triều, khi triều xuống kéo lưới nước cạn để tiến lên. Khi thuyền vừa nổ máy, chân vịt quay nước chảy mạnh đưa ngao lẫn bùn chảy vào lưới, bùn cát lọc đi còn lại ngao trong lưới, mỗi giờ thu được khoảng 500kg./

Tác giả : KS. Bùi Văn Trụ - TT KNKNKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: