CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Kỹ thuật trồng đậu xanh

Cập nhật: 26/04/2022

    Hiện nay có một số giống đậu xanh phổ biến được trồng tại Thái Bình cho năng suất cao, chống chịu tốt như: ĐX208; VC-6397; ĐX14; TX05...


1. Giống


Hiện nay có một số giống đậu xanh phổ biến được trồng tại Thái Bình cho năng suất cao, chống chịu tốt như: ĐX208; VC-6397; ĐX14; TX05...


2. Chuẩn bị đất trồng


Chọn đất: Đậu xanh trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 5,5 - 6,5. Đậu xanh rất thích hợp luân canh trên đất đã canh tác lúa, tuy nhiên không nên trồng đậu xanh trên những chân đất thấp, dễ bị ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất có độ pH thấp dưới 5.


Làm đất: Đất cần được cày bừa kỹ, làm tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại, dọn sạch hết tàn dư cây trồng vụ trước. Đối với các chân phù sa, đất bãi, có thể cày bừa một lần rồi gieo ngay để tranh thủ độ ẩm trong đất. Đối với các loại đất thịt cần cày bừa kỹ, số lần cày bừa nhiều hơn so với đất bãi, đất phù sa. Đối với các chân đất thịt và đất pha cát cần được cày sâu 25 - 30cm. Trên các chân đất phù sa, đất bãi, do đất đã có độ tơi xốp tự nhiên nên chỉ cần cày sâu khoảng 15 - 20cm.


Lên luống: Đối với điều kiện đất phù sa, đất cát pha có thể lên luống thành từng băng rộng 5 - 7m, dài 15 - 20m. Đối với các loại đất thịt khó thoát nước, cần lên luống với tỷ lệ rãnh lớn. Thường luống rộng 1 - 1,5m và dài 10 - 15m, rãnh rộng 30 - 40cm, sâu 25cm.


3. Thời vụ


Vụ Xuân: Đậu xanh thường được gieo trong tháng 3 là chính, vì gieo sớm hơn, thời tiết còn lạnh.


Vụ Hè: Gieo vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.


Vụ Thu Đông: Diện tích trồng đậu xanh không nhiều, phần lớn là để tranh thủ nhân giống có thể gieo từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, nhưng tốt nhất là trong tháng 8.


4. Mật độ và kỹ thuật gieo trồng


Trước khi gieo nên phơi hạt ở nắng nhẹ để kích thích hạt nẩy mầm đều. Lượng giống cần cho 1 ha, gieo theo hàng từ 20 - 25 kg.


Mật độ: Hàng cách hàng 40 - 45cm, hốc cách hốc 12 - 15cm, gieo 2 – 3 hạt/hốc. Độ sâu gieo hạt là 2 - 3cm, không nên gieo quá sâu cây sẽ khó mọc. Khi đậu mọc đều cần tỉa dặm, chỉ để 1 - 2 cây/hốc và đạt số lượng là 25 - 30 cây/m2.


5. Phân bón và cách bón phân


Phân bón: Lượng phân bón cho 01 sào: 30 - 40 kg phân hữu cơ vi sinh (HCVS) + 15 - 20 kg vôi bột + 2 - 4 kg đạm Ure + 15 - 20 kg Lân Supe + 3 - 4 kg Kali


Cách bón:


+ Bón lót: Toàn bộ HCVS + vôi bột + lân supe. Vôi bột bón khi bừa đất lần cuối; chú ý không trộn lẫn vôi bột với các loại phân khác.


+ Bón thúc:


Lần 1: Khi cây có 1 - 2 lá thật bón ½ lượng phân đạm và ½ lượng phân kali, kết hợp xới, vun nhẹ phá váng, diệt cỏ làm cho đất thông thoáng, bộ rễ phát triển xung quanh.


Lần 2: Khi cây có 4 - 5 lá thật (khoảng 25 - 30 ngày sau gieo hay trước lúc cây ra hoa): Bón hết lượng phân còn lại vãi đều giữa 2 hàng đậu kết hợp xới, vun cao để chống đổ.


6. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh


a. Chăm sóc


Dặm tỉa: Sau khi mọc từ 3 - 5 ngày cần phải dặm sớm những hạt ở những hốc không có cây mọc để đảm bảo mật độ, có thể ngâm hạt từ 4 - 6 giờ trước khi gieo để tranh thủ thời gian mọc mầm của hạt đảm bảo độ đồng đều quần thể. Từ 10 - 12 ngày sau khi mọc tiến hành tỉa bỏ những cây lẫn, cây bị bệnh, cây xấu, để 1 - 2 cây/hốc bảo đảm mật độ trồng khoảng 25 cây/m2.


Tưới tiêu: Đảm bảo độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây trên 80%. Tùy theo điều kiện thời tiết, đất đai, đồng ruộng để xác định chế độ tưới. Thông thường tưới từ 5 - 6 lần/chu kỳ sinh trưởng, tuyệt đối không để cây thiếu nước trong thời kỳ chuẩn bị ra hoa và ra quả tập trung (25 - 35 ngày).


+ Tưới lần 1 (nếu đất khô hạn): Tưới trực tiếp vào hàng sau khi bón lót phân trước khi gieo hạt.


+ Tưới lần 2: Sau mọc 15 ngày, lần 3 sau mọc 30 ngày, lần 4 sau mọc 45 ngày, lần 5 sau mọc 60 ngày (Nếu độ ẩm đất < 80).


b. Phòng trừ cỏ dại


Phải bảo đảm ruộng trồng đậu xanh luôn sạch cỏ, tránh tranh chấp dinh dưỡng với cây trồng.


Cần bảo đảm ruộng sạch cỏ trước khi cây ra hoa (28 - 32 ngày sau mọc) để chuẩn bị cho cây khép tán, sau khi cây ra hoa và khép tán không nên làm cỏ vì gây rụng hoa, giảm tỷ lệ đậu trái và tổn thương cây.


Đối với những diện tích không có điều kiện làm cỏ sau khi gieo cần phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như Ronstar 25 EC (vụ trước trồng lúa) hoặc Dual 720 EC. Phun Onecide 15 EC (thuốc cỏ hậu nảy mầm) khi ruộng có cỏ non từ 2 - 5 lá, với điều kiện đất phải đủ ẩm.


c. Phòng trừ sâu bệnh


Thường xuyên theo dõi để phát hiện phòng trừ sâu, bệnh kịp thời, đặc biệt là giai đoạn cây con và giai đoạn cây ra hoa.


* Các bệnh hại chủ yếu: Lở cổ rễ, chết xanh héo rũ, nhất là bệnh đốm nâu     Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc hoá học như Daconil; Validacin; Anvil; Bayleton 0,1 - 0,3% hoặc zinhep 0,2% để phun khi cây mới chớm bệnh. Phun lần 2 cách lần một từ 15 - 20 ngày để ngăn ngừa bệnh hại lá làm rụng lá sớm.


* Phòng trừ sâu hại: Trong quá trình chăm sóc cần chú ý các loại sâu hại như sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, đục quả, sâu xám, sâu chích hút (bọ trĩ, rệp, rầy xanh).


7. Thu hoạch và bảo quản


Thời điểm thu hoạch bắt đầu khi quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu đen hoặc vàng tùy thuộc đặc tính mỗi giống. Đậu xanh thường thu hoạch 2 - 3 đợt, không thu hoạch vào những lúc trời nắng gắt, nhất là vào buổi trưa vì quả dễ nứt và tách hạt. Thu hoạch lúc nắng ráo, thu đợt 1 khi có tỷ lệ quả chín 70 - 80%. Sau khi thu đợt 1 xong có thể phun phân bón lá và các chế phẩm kích thích ra hoa để giữ được bộ lá xanh lâu và tăng cường tỷ lệ đậu quả cho đợt thu sau. Tuyệt đối khi thu không để tách hạt ngoài đồng.


Quả thu hoạch xong phải phơi nắng, thường phơi 3 - 4 nắng. Nếu dùng làm thương phẩm thì độ ẩm có thể là 13%, còn làm giống thì phải đảm bảo theo quy định (dưới 12%).


Khi đưa vào bảo quản độ ẩm của hạt phải từ 10 - 12%. Nếu hạt đậu xanh có độ ẩm > 13% thì mọt dễ đục làm giảm chất lượng. Bảo quản đậu xanh nơi khô ráo tránh tiếp xúc với không khí, đối với đậu giống cần bỏ trong chum, vại có lớp chống ẩm phù hợp.


Tác giả : Ths. Nguyễn Đức Chí
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: