CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý khi gieo cấy và chăm sóc lúa Mùa

Cập nhật: 13/06/2022

    Thời tiết vụ Xuân 2022 diễn biến phức tạp, bất thường, mưa, rét đậm, rét hại trùng với thời điểm gieo cấy làm thời vụ gieo cấy bị muộn lại. Giai đoạn lúa sinh trưởng, trỗ đến chín thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp cũng làm cho cây lúa sinh trưởng chậm hơn. Chính vì vậy, lúa vụ Xuân năm 2022 thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 07-15 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác làm đất, gieo cấy vụ Mùa, đặc biệt quỹ đất sau sản xuất lúa mùa để trồng cây vụ Đông ưa ấm.


 

Ở vụ Mùa, cây lúa phát triển rất nhanh và thời gian từ gieo cấy đến trỗ thường ngắn hơn so với lúa Xuân. Có câu: “Mùa hơn đêm, chiêm hơn dược” nghĩa là lúa mùa hơn nhau 1 đêm đã khác. Vì vậy muốn cây lúa khoẻ, tốt ngay từ đầu vụ thì cần thực hiện "nhất thì, nhì thục" vừa gieo cấy đúng thời vụ, vừa đảm bảo rơm rạ, tàn dư trên đồng ruộng được thối ngấu tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh sớm.


Trong điều kiện sản xuất năm nay, cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau:


Thu hoạch lúa Xuân: Khẩn trương thu hoạch nhanh gọn khi lúa chín tới, thực hiện phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, khuyến khích gặt máy và giữ nước sau khi thu hoạch.


Làm đất và xử lý rơm rạ: Thực tế sản xuất đã chứng minh, khâu làm đất quyết định cơ bản tiến độ gieo cấy lúa Mùa. Vì vậy, cần chủ động “Thu hoạch lúa Xuân đến đâu làm đất gieo cấy lúa Mùa ngay đến đó”. Sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa Xuân; tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, nâng cao độ phì cho đất như Trường Sơn Bio, Azotobacterin,... Tùy từng chân đất, bón bổ sung mỗi sào (360 m2) 15-25 kg vôi bột. Dùng máy cày cỡ trung hoặc cỡ lớn lồng vùi rơm rạ, tuyệt đối không được đốt rơm, rạ trên ruộng. Giữ đủ nước 7-10 ngày có thể lồng bừa cấy.


Phương thức gieo cấy: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia, năm 2022, Thái Bình có thể phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Tháng 6, tháng 7 và nửa đầu tháng 8 có khả năng xảy ra 5-7 đợt nắng, nóng, nhiệt độ cao nhất mùa 38-400C, nhiệt độ trung bình các tháng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C,  ảnh hưởng trực tiếp đến thời vụ gieo cấy lúa Mùa. Lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm vào các tháng 8,9,10; đặc biệt có thể có những đợt mưa lớn xuất hiện vào cuối mùa mưa bão (tháng 10). Do vậy, cần hạn chế tối đa việc gieo thẳng do khả năng mộng bị chết, bị trôi dạt do nắng nóng và mưa lớn đầu vụ. Đồng thời, lúa vụ Xuân thu hoạch muộn nên cần tận dụng diện tích vườn, bờ ruộng, bờ mương… để gieo mạ nền cứng, mạ vườn, mạ dầy xúc…


Cơ cấu giống lúa: Tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày cho trà lúa Mùa sớm. Sử dụng giống có chất lượng cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ, có tính chống chịu khá với bệnh bạc lá.


Chủ động dự phòng giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, gieo tăng 5 - 10% mạ ở trà cuối (bảo quản mạ dự phòng đến đầu tháng 8) để phòng khi thời tiết bất thuận gây ngập úng làm chết lúa ở đầu vụ.


Phân bón: Vụ Mùa nắng, mưa nhiều, phân bón dễ bị rửa trôi và bay hơi, do vậy, phương châm bón phân cho lúa Mùa là: bón đủ lượng, cân đối NPK, hạn chế sử dụng phân đơn; thực hiện lót sâu, thúc sớm và bón chìm phân.


Nên sử dụng loại phân NPK chuyên lót, có hàm lượng lân cao ví dụ như: NPK 6:11:3; NPK 5:10:3 khoảng 25kg; hoặc NPK 16:16:8 khoảng 6-8 kg …


Cần bón lót sâu, bón trước bừa cấy hoặc bón ngay khi máy vừa bừa cấy xong để đất và phân quyện vào nhau, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa từ khi làm đòng đến cuối vụ, giúp đòng to, bông to cho năng suất cao, đồng thời giúp rễ lúa ăn sâu chống đổ tốt hơn.


Nguyên tắc của bón thúc cho lúa mùa là: Thúc sớm ngay khi cây lúa bén rễ hồi xanh; cân đối các chất dinh dưỡng N, P, K; bón tập trung, không bón lai rai.      


Để hạn chế bệnh bạc lá và chống đổ ngã giai đoạn cuối vụ, bà con không bón phân đơn đặc biệt là phân đạm (đạm làm cho cây lúa thân yếu, lốp, dễ đổ ngã, nhất là trên những chân ruộng trũng, hẩu, dồn đạm, lúa tốt muộn, cuối vụ gặp mưa dông sẽ bị bệnh bạc lá). Vì vậy, bà con nên dùng loại phân NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm và kali cao, ví dụ như phân có tỷ lệ: 16:5:17 hoặc 12:5:10 hoặc 16:16:8… khoảng 8-12 kg tùy từng loại phân, giống lúa, chân đất và yêu cầu thâm canh.


Đối với ruộng cấy mạ nền cứng cần khẩn trương bón phân thúc 1 lần ngay sau cấy 3-5 ngày, ruộng cấy mạ vườn, mạ dầy xúc, mạ gửi… bón phân thúc sau cấy 5-7 ngày.


Nước tưới: Với vụ Mùa cần giữ nước ngay sau khi thu hoạch lúa Xuân, để tăng hiệu quả khi sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ, làm cho rơm rạ, tàn dư trên đồng ruộng nhanh thối ngấu.


Sau cấy nhất thiết phải giữ nước nông đều khắp mặt ruộng, để hạn chế khả năng bị nắng, nóng, lúa bị chết. Điều tiết nước theo “Nông - Lộ - Phơi” trong quá trình sinh trưởng của cây lúa.


Phòng trừ ngộ độc hữu cơ cho lúa Mùa:


Biểu hiện của hiện tượng bị ngộ độc hữu cơ: lá lúa biến vàng, cây còi cọc, rễ vàng; khi bị nặng rễ đen, thối và mủn rễ. Để khắc phục hiện tượng này không bón phân ngay, nhất là phân đạm, cần xử lý cho bộ rễ hồi phục trước:


Trước tiên tháo hết nước ở ruộng để giảm bớt khí độc, sau đó đưa nước mới vào, rắc 10-15 kg vôi bột + 7 - 10 kg lân Supe/sào hoặc bón phân vi sinh, kết hợp sục bùn và thay nước mới. Hoặc sử dụng 100-150 gram chế phẩm Sumitri (có chứa Trichoderma) trộn cát vãi cho 1 sào. Đồng thời sử dụng các chế phẩm kích thích ra rễ mới như KH, Siêu lân, PenacP… để phun giúp lúa nhanh phục hồi.


Bệnh Lùn sọc đen: Chú ý kiểm tra và phun phòng trừ rầy kịp thời ngay từ giai đoạn mạ để hạn chế bệnh Lùn sọc đen phát sinh, lan truyền.


Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện cây có triệu chứng của bệnh Lùn sọc đen như: cây bị biến dạng, cây lùn, lá xoắn lại và có màu xanh đậm, bộ rễ phát triển kém… cần báo ngay cho cơ quan chức năng, đồng thời tiêu hủy kịp thời và phun thuốc trừ rầy để hạn chế việc lây lan của bệnh./.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: