CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý khi tái đàn vật nuôi sau tết Quý Mão

Cập nhật: 02/02/2023

    Sau dịp Tết Nguyên đán số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh do phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân. Vì vậy, sau Tết là thời điểm thuận lợi để bà con tập trung tái đàn tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế. Trong công tác tái đàn vật nuôi, ngoài việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng để phòng chống dịch thì việc kiểm soát chặt chẽ khâu tái đàn vật nuôi rất quan trọng để đảm bảo an toàn hiệu quả đàn vật nuôi sau Tết Nguyên đán, các chủ hộ chăn nuôi cần thực hiện một số lưu ý sau:


1. Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi

         

Khi xuất bán xong sản phẩm chăn nuôi của lứa trước, chủ hộ cần dọn sạch các chất thải trong chuồng nuôi, sau đó rửa sạch nền, tường cổng nuôi, để khô rồi phun thuốc sát trùng. Đối với chất thải được xử lý bằng các biện pháp thích hợp:

         

+ Với chất thải rắn như: Chất độn chuồng bằng trấu, rơm rạ, lá cây,… chủ hộ thu gom lại xử lý bằng cách đốt, ủ nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh.

         

+ Với phân và nước tiểu của gia súc, gia cầm được xử lý qua bể Biogas hoặc ủ nhiệt sinh học.

         

Để trống chuồng trước khi nhập đàn vật nuôi mới, thời gian trống chuồng ít nhất là 2 tuần (đối với nuôi gia súc, gia cầm nuôi lấy thịt), 4 tuần (đối với vật nuôi sinh sản). Trong khoảng thời gian để trống chuồng chủ hộ tu sửa lại hệ thống chuồng nuôi, hệ thống chụp sưởi, hệ thống cấp nước, hàng rào, tường bao quanh khu vực chăn nuôi cũng như cổng ra vào, hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi. Vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi sau đó phơi khô khi trời có nắng rồi phun thuốc sát trùng.

         

Sau khi tu sửa xong, chuồng nuôi cần được quét nước vôi từ tường xuống dưới nền. Khi nước vôi khô, chủ hộ phun hóa chất sát trùng bên trong, bên ngoài chuồng nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi bằng một số thuốc khử trùng như: Bencocid, BKA, Paccoma,…


 


2. Lựa chọn và nhập con giống

         

Vật nuôi tái đàn phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y cấp, con giống phải khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không mua giống ở vùng có dịch và vùng không an toàn dịch bệnh. Con giống nhập về phải nuôi cách ly theo dõi ít nhất 2 tuần và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin theo quy định của thú y.



 

3. Chuẩn bị thức ăn, nước uống, vật tư, thuốc thú y

         

Chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng vật nuôi. Phải dự phòng thuốc thú y, thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi khi mới mua về và trong quá trình chăn nuôi.


*Lưu ý:

         

+ Khi khôi phục, tái đàn gia súc, gia cầm cần thận trọng, tránh tư tưởng nóng vội, không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Bên cạnh đó, xác định phòng dịch là công tác quan trọng, cần khép kín quy trình phòng bệnh bằng vaccine.

         

+ Trước khi tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin thị trường, lượng cung cầu và nơi tiêu thụ sản phẩm để có căn cứ quyết định quy mô đầu tư để chăn nuôi có hiệu quả và bền vững. Mặt khác sau Tết  Nguyên đán người chăn nuôi phải đối mặt với rủi ro cao vì thời tiết bất lợi. Cùng với đó, giá cám còn cao cũng là nguyên nhân rủi ro cho việc duy trì và tăng đàn.

         

+ Khi tái đàn, ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi, người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

         

+ Trong quá trình thực hiện công việc người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình, vệ sinh thú y như: Mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay… Sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan.


Tác giả : Ks. Trần Văn Trung
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: