CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa

Cập nhật: 27/02/2023

    Bệnh đạo ôn tên khoa học là Pyricularia oryzae, bệnh có thể phát sinh và gây hại ở tất cả các giai đoạn từ thời kỳ mạ đến trỗ, chín và ở tất cả các bộ phận của cây lúa như: Lá, thân, cổ bông, gié, hạt. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ 18 – 26oC, ẩm độ cao 90%


1. Điều kiện phát sinh bệnh

           

Bệnh đạo ôn tên khoa học là Pyricularia oryzae, bệnh có thể phát sinh và gây hại ở tất cả các giai đoạn từ thời kỳ mạ đến trỗ, chín và ở tất cả các bộ phận của cây lúa như: Lá, thân, cổ bông, gié, hạt. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ 18 – 26oC, ẩm độ cao 90%. Nấm đạo ôn phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng trên các giống nhiễm như: Bắc thơm 7, BC15, các giống nếp,… trên các chân ruộng trũng hẩu.


2. Triệu chứng

           

Trên lá lúa: Ban đầu vết bệnh là những chấm nhỏ màu xanh xám, sau lớn dần có hình thoi, ở giữa màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm, ở viền ngoài cùng vết bệnh màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng, các vết bệnh dày đặc nối tiếp nhau làm cho lá bị cháy.

           

Trên thân: Vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục làm cho gốc bị gãy đổ.

           

Trên cổ bông và gié: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.

           

Trên hạt: Vết bệnh không định hình, có màu nâu xám.



 

3. Một số biện pháp phòng, trừ bệnh

           

Tuyên truyền để người dân nhận thấy mức độ gây hại nghiêm trọng của bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm khi lúa trỗ bông gặp mưa và nền nhiệt độ giảm. Các loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ có tác dụng phòng bệnh đạo ôn cổ bông ở giai đoạn trỗ và trỗ thoát, khi vết bệnh có biểu hiện trên cổ bông hoặc bông đã bị bạc thì không còn khả năng phòng trừ.

           

- Biện pháp canh tác: Trước khi gieo trồng cần dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng.

           

- Giống: Chọn các giống kháng hoặc nhiễm nhẹ với bệnh đạo ôn để gieo cấy trong vụ xuân. Không cấy các giống nhiễm bệnh trên chân ruộng trũng, hẩu hay bị nhiễm đạo ôn. Kiểm tra hạt giống và xử lý hạt giống ở nhiệt độ thích hợp. Mật độ gieo cấy vừa phải.

           

- Phân bón: Bón phân cân đối giữa N-P-K, ưu tiên sử dụng nguồn phân chuồng, phân hữu cơ, đảm bảo khi lúa trỗ bông có bộ lá đòng màu xanh hơi vàng.

           

- Bảo vệ thực vật: Tích cực kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết, nếu thời điểm lúa trỗ gặp mưa, nhiệt độ thấp cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần (khi lúa thấp thoi trỗ và khi lúa trỗ hoàn toàn) trên các giống nhiễm bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: FILIA 525SE, BEAM 75 WP, FUARMY 40EC,… (nồng độ và liều lượng sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì). Khi ruộng nhiễm đạo ôn cần điều tiết mực nước hợp lý, không để ruộng khô hạn, không bón bổ sung phân đạm, không phun các loại phân bón lá và kích thích sinh trưởng.  

           

* Lưu ý: Đối với những diện tích bị bệnh nặng trước khi phun thuốc cần vơ sạch những lá bị bệnh, sau khi phun thuốc 5-7 ngày cần kiểm tra lại, nếu thấy vẫn còn vết bệnh mới cần phun thuốc lại lần 2. Sau khi phun thuốc trong vòng 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại theo đúng liều lượng và nồng độ ban đầu. Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách.


Tác giả : Ks. Phạm Thị Tươi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: