CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số vấn đề cơ bản về Thực hành nông nghiệp tốt về trồng trọt tại Việt Nam (VietGAP – Vietnamese Good Agricultural Practices)

Cập nhật: 02/08/2023

    TCVN 11892-1:2017 do Cục Trồng trọt biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Quyết định số 2802/QĐ-BKHCN ngày 17/10/2017 công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017.


1. Mục đích


Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.


2. VietGAP là gì


VietGAP không phải là quy trình kỹ thuật canh tác mà là những nguyên tắc quản lý được thiết lập để kiểm soát về: quản lý đất, nước, giống, thuốc BVTV, phân bón, chăm sóc, thu hoạch, chất thải….



3. Một số yêu cầu chính đối với VietGAP trồng trọt


3.1. Yêu cầu chung


3.1.1. Tập huấn


Người trực tiếp quản lý VietGAP, người lao động, người kiểm tra nội bộ đều phải được tập huấn về VietGAP trồng trọt hoặc có kiến thức về VietGAP trồng trọt và kỹ năng đánh giá VietGAP trồng trọt.


3.1.2. Cơ sở vật chất


Dụng cụ chứa hoặc kho chứa phân bón, thuốc BVTV và hóa chất khác: Phải kín, không rò rỉ ra bên ngoài; có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Không đặt trong khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm, sinh hoạt và không gây ô nhiễm nguồn nước.


Nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có): Phải được xây dựng ở vị trí phù hợp đảm bảo hạn chế nguy cơ ô nhiễm từ các hoạt động bên ngoài. Khu vực sơ chế phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo.


Trang thiết bị, máy móc, dụng cụ: Phải được làm sạch trước, sau khi sử dụng và bảo dưỡng định kỳ; phải đáp ứng quy định của pháp luật về bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm.


Phải có sơ đồ về: khu vực sản xuất; nơi chứa phân bón, thuốc BVTV, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế; nơi sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có) và khu vực xung quanh.


3.1.3. Quy trình sản xuất


Phải có quy trình sản xuất nội bộ cho từng cây trồng hoặc nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện của từng cơ sở sản xuất và các yêu cầu của VietGAP trồng trọt.


3.1.4. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ


Phải thực hiện ghi chép các nội dung theo quy định. Phải có quy định và thực hiện lưu trữ, kiểm soát tài liệu và hồ sơ. Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày thu hoạch để phục vụ việc kiểm tra nội bộ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.


3.1.5. Quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc


Sản phẩm phải đáp ứng quy định về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm. Trường hợp phát hiện có chỉ tiêu vượt mức giới hạn tối đa cho phép phải điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiệu quả, lập thành văn bản và lưu hồ sơ.


Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất. Mẫu sản phẩm cần phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định. Ghi phương pháp lấy mẫu sản phẩm và lưu kết quả phân tích.


Phải có quy định xử lý sản phẩm không bảo đảm ATTP.


Sản phẩm sản xuất theo VietGAP trồng trọt phải phân biệt với sản phẩm cùng loại khác không sản xuất theo VietGAP trồng trọt trong quá trình thu hoạch, sơ chế.


Phải có quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm giữa cơ sở sản xuất với khách hàng và trong nội bộ cơ sở sản xuất. Quy định truy xuất nguồn gốc phải được vận hành thử trước khi chính thức thực hiện và lưu hồ sơ.


3.1.6. Các yêu cầu khác


Cần cung cấp các điều kiện làm việc, sinh hoạt và trang thiết bị tối thiểu, an toàn cho người lao động. Có hướng dẫn vệ sinh cá nhân; hướng dẫn sử dụng an toàn trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong quá trình sản xuất; Sau sử dụng để đúng nơi quy định.


Phải có quy định giải quyết khiếu nại liên quan đến sản phẩm và quyền lợi của người lao động. Quy định này phải thể hiện cách tiếp nhận, xử lý và trả lời khiếu nại. Lưu hồ sơ về khiếu nại và giải quyết khiếu nại (nếu có).


Phải tổ chức kiểm tra theo các yêu cầu của VietGAP trồng trọt không quá 12 tháng một lần; khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 03 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.


Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.


Phải có quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát và được phổ biến đến tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.


3.2. Yêu cầu đối với quá trình sản xuất


3.2.1. Đánh giá lựa chọn khu vực sản xuất


Phải lựa chọn khu vực sản xuất phù hợp, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm khói, bụi. Khu vực sản xuất không bị ô nhiễm bởi chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động khác bên ngoài.


Phải đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm về hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và từ các khu vực xung quanh. Trường hợp xác định có mối nguy phải có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả hoặc không tiến hành sản xuất. Tham khảo hướng dẫn đánh giá nguy cơ tại Phụ lục E.


Khu vực sản xuất VietGAP trồng trọt của cơ sở có nhiều địa điểm phải có tên hoặc mã số cho từng địa điểm.


Khu vực sản xuất VietGAP trồng trọt cần được phân biệt hoặc có biện pháp cách ly và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các khu trồng trọt không áp dụng VietGAP trồng trọt lân cận (nếu có).


3.2.2 Quản lý đất, giá thể, nước và vật tư đầu vào


3.2.2.1. Đất, giá thể, nước tưới


Có hàm lượng kim loại nặng không vượt quá giới hạn tối đa cho phép đối với tầng đất mặt đất nông nghiệp và chất lượng nước mặt.


Phải theo dõi phát hiện mối nguy trong quá trình sản xuất, sau thu hoạch. Khi phát hiện mối nguy phải áp dụng biện pháp kiểm soát, nếu không hiệu quả phải thay thế giá thể, nguồn nước khác hoặc dừng sản xuất.


Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu đất, giá thể, nước và phân tích mẫu trên cơ sở đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất. Mẫu cần phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định. Ghi lại phương pháp lấy mẫu và lưu kết quả phân tích.


Trường hợp muốn tái sử dụng nguồn nước thải để tưới phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định về chất lượng nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu.


Trường hợp sử dụng hóa chất để xử lý đất, giá thể, nước phải ghi và lưu hồ sơ về: thời gian, phương pháp, hóa chất và thời gian cách ly (nếu có).


Cần có biện pháp canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, cây trồng; tránh gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đất.


Việc tưới nước cần dựa trên nhu cầu của cây trồng và độ ẩm của đất. Cần áp dụng phương pháp tưới hiệu quả, tiết kiệm như: nhỏ giọt, phun sương và thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát và rủi ro tác động xấu đến môi trường.


Cần có biện pháp kiểm soát rò rỉ của thuốc BVTV và phân bón để tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.


Các hỗn hợp hoá chất và thuốc BVTV đã pha, trộn nhưng sử dụng không hết phải được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước và sản phẩm.


3.2.2.2. Vật tư đầu vào


Phải sử dụng giống, phân bón và chất bổ sung có nguồn gốc rõ ràng, được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.


Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của từng loại cây trồng, kết quả phân tích các chất dinh dưỡng trong đất, giá thể hoặc theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.


Cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý cây trồng tổng hợp (ICM).



3.2.3 Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sản phẩm


Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV theo quy định hiện hành hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.


Cần thu hoạch vào thời điểm sản phẩm có chất lượng tốt nhất.


Phải có biện pháp kiểm soát tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm.


Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ ô nhiễm sản phẩm. Trường hợp sử dụng các chất bảo quản chỉ sử dụng các chất được phép sử dụng theo quy định hiện hành.


Phải vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong điều kiện thích hợp theo yêu cầu của sản phẩm, không lẫn với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm.


3.2.4 Quản lý rác thải, chất thải


Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc BVTV, hoá chất để chứa đựng sản phẩm. Vỏ bao, gói thuốc BVTV, phân bón sau sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.


Rác thải trong quá trình sản xuất, sơ chế; chất thải từ nhà vệ sinh phải thu gom và xử lý đúng quy định.


3.2.5 Người lao động


Người lao động cần sử dụng bảo hộ lao động phù hợp với đặc thù công việc nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm cho sản phẩm cũng như tác động xấu tới sức khỏe.


Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: