CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Đánh giá hiệu quả đào tạo, tập huấn 30 năm – Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Cập nhật: 01/11/2023

    Trải qua 30 năm hình thành và phát triển Khuyến nông Thái Bình luôn đồng hành và gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, là địa chỉ tin cậy của nông dân. Hệ thống khuyến nông của tỉnh đã có đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. Trong những năm qua, công tác đào tạo, tập huấn luôn được Trung tâm chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.


Các chương trình tập huấn TOT góp phần bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông giúp họ tự tin, đủ năng lực là cầu nối chuyển giao nhanh TBKT, KHCN tới người dân nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông tại cơ sở.



Tổ chức các lớp tập huấn tại các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh đã giúp nông dân nắm bắt chủ trương, định hướng của ngành, chính sách phát triển nông nghiệp, đề án sản xuất, ưu tiên phát triển các cây trồng, con vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của từng địa phương; nâng cao hiểu biết, tiếp thu, ứng dụng TBKT, KHCN về giống, phương thức canh tác tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững; chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; luân canh tăng vụ theo một số công thức có hiệu quả phù hợp cho từng vùng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh trên các đối tượng cây trồng như phòng chống bệnh Lùn Sọc đen, phòng chống ngộ độc hữu cơ cho cây lúa,…; các biện pháp phòng chống bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản như phòng chống dịch Cúm gia cầm, lợn tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh đốm trắng trên tôm,…



Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà, hàng năm Trung tâm đã tổ chức gần chục lớp tập huấn TOT, hàng trăm lớp tập huấn cho hàng vạn nông dân nhằm chuyển giao TBKT mới, hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Chỉ tính riêng trong 10 năm, từ năm 2013 trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức 404 lớp tập huấn cho 38.270 lượt người là cán bộ khuyến nông, KNVCS, CTV khuyến nông và nông dân. Ngoài ra, Trung tâm phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, tổ chức các cuộc hội thảo và các chuyến tham quan, khảo sát, học tập trong nước. Năm 2017, tổ chức 02 hội thảo phổ biến kinh nghiệm giảm nghèo và giới thiệu gương điển hình giảm nghèo cho 160 đại biểu là cán bộ khuyến nông, KNVCS, CTVKN và nông dân; tổ chức 1 cuộc khảo sát học tập mô hình tiên tiến, hiệu quả tại 3 tỉnh đồng bằng sông Hồng là Nam Định, Thái Bình và Hải Dương. Năm 2022, tổ chức 1 cuộc khảo sát học tập “Mô hình tổ chức sản xuất thủy sản gắn với liên kết chuỗi” tại 3 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng.



Song song với hình thức tập huấn ngắn ngày, Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2013 - 2022, Trung tâm triển khai thực hiện 250 lớp đào tạo nghề cho 5.407 lao động nông thôn (Trong đó có 99 lớp trồng cây lương thực, thực phẩm; 54 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm và 13 lớp khuyến ngư; 05 lớp dạy nghề sản xuất lúa giống và thương phẩm; 03 lớp dạy nghề sản xuất khoai tây giống và thương phẩm cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất).


Nét nổi bật trong công tác đào tạo, tập huấn của Khuyến nông Thái Bình đó là đã gắn học lý thuyết với tham quan, thực hành tại mô hình mẫu; sử dụng phương pháp tập huấn tại hiện trường, lớp học được tổ chức ngay tại hộ gia đình, tại ruộng, ao, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Được hướng dẫn thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc” nên nông dân tiếp cận dễ dàng, dễ nhớ, dễ áp dụng và nhớ lâu hơn. Trước đây, trong các giờ tập huấn tại hội trường, giảng viên thường sử dụng phương pháp thuyết trình, giao tiếp một chiều, giảng viên trình bày, học viên chỉ ngồi nghe tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Từ năm 2002 trở lại đây, cán bộ khuyến nông đã vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp, phù hợp với từng đối tượng học viên. Phương pháp tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng lấy người học làm trung tâm, phương pháp thúc đẩy nhóm tham gia, phương pháp dạy nông dân thực hành tại hiện trường, phương pháp tập huấn cho người lớn tuổi. Hiệu quả đào tạo, tập huấn được đánh giá bằng kết quả bài thu hoạch hoặc bài kiểm tra đầu vào, đầu ra giúp học viên hệ thống lại các kiến thức đã học và ghi nhớ kiến thức.



Trong những năm tiếp theo, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo tập huấn, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã đề ra giải pháp cụ thể cần thực hiện tốt đó là:


Một là, đa dạng nội dung đào tạo, tập huấn phù hợp từng đối tượng người học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất trong giai đoạn hiện nay:


Phải bám sát chủ trương, định hướng của ngành và căn cứ điều kiện sản xuất của từng địa phương để xây dựng nội dung, chương trình tập huấn, dạy nghề theo hướng gắn đào tạo nghề với tư vấn, định hướng phát triển nghề nghiệp cho các đối tượng học viên. Cần chú trọng công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu tập huấn, nhu cầu học nghề của nông dân, tuyển chọn học viên đúng đối tượng. Nội dung kỹ thuật ưu tiên các cây con chủ lực, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của từng địa phương; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học; ứng dụng 4.0, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, quảng bá bán sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức online; tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, tăng thu nhập cho người dân.


Hai là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất:


Đội ngũ cán bộ khuyến nông phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tiếp cận nhanh với các TBKT tiên tiến trong khu vực, quốc tế; tăng cường đào tạo phương pháp quản lý, cách triển khai và xây dựng dự án khuyến nông; kỹ năng tổ chức sự kiện khuyến nông, phương pháp sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng KHCN; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế xã hội, quản lý tài chính, kiểm tra giám sát; kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP để cán bộ khuyến nông trở thành giảng viên thực thụ chuyển giao nhanh tới nông dân, tư vấn hướng dẫn họ áp dụng vào sản xuất theo cách cầm tay chỉ việc.


Ba là, mở rộng xã hội hóa công tác đào tạo, tập huấn kết hợp khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng:


Mục tiêu, đối tượng đào tạo, tập huấn ngoài thực hiện theo các chương trình, dự án nhà nước theo kế hoạch hàng năm, cần phải liên kết với các doanh nghiệp, các công ty sản xuất, chế biến nông sản, các HTX, tổ hợp tác để tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nguồn nhân lực cho các vùng sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và tiến tới đào tạo nguồn lao động nông nghiệp cho các nước có nhu cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,....


Bốn là, đổi mới và đa dạng phương pháp đào tạo, tập huấn:


Phương pháp tập huấn không ngừng đổi mới, gắn lý thuyết với thực hành, kết hợp giữa nghe và nhìn, sử dụng các đĩa hình kỹ thuật; áp dụng phương pháp đào tạo tập huấn có sự tham gia, lấy người học làm trung tâm, lồng ghép giữa nghiệp vụ khuyến nông với kỹ thuật chuyên ngành, tăng cường phương pháp thúc đẩy nhóm tham gia, phương pháp giảng dạy nông dân thực hành ngoài hiện trường nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, tập huấn.


Năm là, song song với đào tạo, tập huấn chuyển giao TBKT, KHCN phải đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp:


Tăng cường, lồng ghép giữa đào tạo, tập huấn về kiến thức với tuyên truyền chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp tới cộng đồng, vận động người dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo cung cấp hàng hóa nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.     




Tác giả : Ks. Nguyễn Thị Chút
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: