CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Hiệu quả sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi trong nông hộ tại Thái Bình.

Cập nhật: 06/12/2023

    Việc xử lý chất thải chăn nuôi là vấn đề then chốt để phát triển chăn nuôi, nhất là trong khu vực dân cư. Để giải quyết vấn đề này, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý như ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas,… Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết triệt để nên chất thải, nước thải ra môi trường vẫn còn mùi hôi gây ô nhiễm cho khu vực xung quanh trang trại chăn nuôi nhất là vào những ngày mưa, ẩm… Những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng người dân đã biết cách sử dụng đệm lót sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi giúp giải quyết gần như triệt để chất thải. Bên cạnh đó, còn biết tận dụng nguồn chất thải đem ủ với chế phẩm vi sinh làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.


Từ nguyên lý cơ bản: Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn có thể là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào... kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi. Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại, từ đó Trung tâm nghiên cứu, vận dụng chế phẩm vi sinh phù hợp, kết hợp với tỉ lệ hỗn hợp trấu, mùn cưa thích hợp làm đệm lót sinh học xử lý chất thải phù hợp cho từng đối tượng chăn nuôi (lợn, gà, trâu, bò) đạt hiệu quả ứng dụng cao, đem lại lợi ích cho người dân.


Năm 2013, bằng nguồn vốn khuyến nông của tỉnh, Trung tâm đã triển khai mô hình xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt tại 36 hộ của 15 xã trong tỉnh. Trung tâm đã chuyển giao quy trình sử dụng chế phẩm Balasa NO1 làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; các loại nguyên liệu lựa chọn phù hợp làm chế phẩm sinh học Balasa N01 là hỗn hợp trấu với mùn cưa; hướng dẫn phương pháp làm đệm lót trực tiếp trên nền chuồng nuôi lợn cho các hộ tham gia; cách sử dụng, bảo dưỡng và chống nóng trong mùa hè… Qua theo dõi mô hình cho thấy: Đàn lợn thích nghi với nền đệm lót, sinh trưởng phát triển tốt, tăng khối lượng bình quân 20 kg/con/tháng; chuồng nuôi lợn giảm đáng kể mùi hôi thối; hạn chế bệnh đường tiêu hóa, hô hấp trên đàn lợn, giảm chi phí chăm sóc nuôi dưỡng, tăng lợi nhuận cho người nuôi… Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, đệm lót bị bết, khả năng thấm nước kém, tạo sình lầy trên nền chuồng nuôi, phát sinh thêm công đảo, chất độn và chế phẩm bổ sung, điều này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, mô hình kém tính nhân rộng.


Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng Chế phẩm sinh học Balasa N01. Trung tâm triển khai mô hình xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà thương phẩm tại 6 hộ nuôi gà ở 6 xã trong tỉnh với qui mô 3.000 con; Chế phẩm sinh học Balasa N01 được dùng phối hợp với hỗn hợp trấu với mùn cưa (lúc đầu sử dụng trấu, mùn cưa tỉ lệ 1/1, sau đó cải tiến 2/3 trấu, 1/3 mùn cưa), độ dày lớp đệm 20-30 cm. Qua theo dõi mô hình cho thấy: Đàn gà thích nghi cao với nền đệm lót; hạn chế bệnh đường tiêu hóa, hô hấp trên đàn gà, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 98%; đàn gà sinh trưởng phát triển tốt; nuôi 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 1,8 kg/con. Mùi hôi trong chuồng nuôi giảm đáng kể; giảm công lao động dọn chuồng, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.


 


Năm 2014, Trung tâm đã triển khai mô hình sử dụng đệm lót sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi lợn thịt tại 32 hộ của 17 xã, chế phẩm vi sinh sử dụng Balasa N01 làm đệm lót sử dụng hoàn toàn bằng trấu. Qua theo dõi mô hình cho thấy đệm lót chuồng nuôi tơi xốp, không còn hiện tượng sình lầy, khử tốt mùi hôi trong chuồng, hạn chế ruồi muỗi, môi trường chăn nuôi được đảm bảo, không ảnh hưởng tới người chăn nuôi; lợn nuôi hạn chế bệnh đường tiêu hóa, hô hấp (đối với lợn con); lợn choai sinh trưởng phát triển tốt, mô hình được đánh giá cao về hiệu quả xử lý môi trường và tính nhân rộng do dễ áp dụng.


Để phục vụ đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”, tỉnh đề ra định hướng phát triển tăng quy mô đàn trâu, bò. Tuy nhiên, để phát triển được quy mô chăn nuôi trâu, bò vấn đề then chốt là phải xử lý được chất thải chăn nuôi vì chăn nuôi trâu, bò phần đông quy mô nông hộ, nếu không xử lý được môi trường chăn nuôi nói chung và trong nông hộ nói riêng thì không phát triển được quy mô lớn. Trước yêu cầu đó, năm 2020, với nguồn vốn khuyến nông của tỉnh, Trung tâm thực hiện mô hình “Nuôi bò thịt thương phẩm quy mô nông hộ sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường”; quy mô 40 con, 6 hộ tham gia, sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV làm đệm lót sinh học với nguyên liệu đệm lót là trấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đệm lót sinh học thoát nước tốt, nền chuồng khô ráo, xử lý tốt mùi hôi của chất thải nuôi bò, không làm ảnh hưởng tới móng, bò thích nghi với nuôi nhốt, sinh trưởng phát triển tốt; đệm lót xử lý tốt môi trường chăn nuôi, không ảnh hưởng tới người chăn nuôi và môi trường xung quanh, tăng lợi nhuận chăn nuôi nhờ việc nuôi nhốt giảm chi phí công chăm sóc và vệ sinh chuồng nuôi; ngoài ra, còn tăng nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng nhờ việc ủ đệm lót sau sử dụng với chế phẩm vi sinh.


Năm 2022, tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA, nguyên liệu trấu làm đệm lót để xử lý chất thải chăn nuôi. Trung tâm thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt theo chuỗi liên kết, quy mô 54 con, 05 hộ tham gia ở xã Quốc Tuấn và Vũ Công huyện Kiến Xương và mô hình vỗ béo trâu thịt theo chuỗi liên kết sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi quy mô 54 con ở 04 xã: Đông Tân, Hà Giang, Đông Xuân, Trọng Quan huyện Đông Hưng với 05 hộ tham gia đều cho kết quả tương tự: Đệm lót khử tốt mùi hôi; trâu, bò thích nghi phát triển bình thường, đảm bảo vệ sinh môi trường ,mang lại lợi ích cho người chăn nuôi.


Năm 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông với nguồn kinh phí Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt” tại 5 huyện (Vũ Thư, Thái Thụy, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà), để vỗ béo cho 640 con bò đáp ứng quy mô dự án, Trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật ứng dụng chể phẩm vi sinh EMUNIV đệm lót sinh học với nguyên liệu là trấu để xử lý chất thải trong nuôi vỗ béo bò cho 100 hộ tham gia mô hình. Đàn bò vỗ béo của các hộ tham gia mô hình được xử lý chất thải tốt, tăng trọng bình quân bò loại thải 769,44 gam/con/ngày (yêu cầu dự án 750gam/con/ngày); bò thịt 920,83gam/ con/ngày (yêu cầu dự án (850gam/con/ngày). Hiệu quả kinh tế tăng 24,13% so các hộ ngoài mô hình.


Với những lợi ích thiết thực trong việc xử lý chất thải chăn nuôi mà đệm lót sinh học mang lại, Trung tâm khuyến nông Thái Bình đã chuyển giao thành công cho các hộ nông dân tiếp nhận và ứng dụng nhân rộng trong việc xử lý chất thải chăn nuôi trong nông hộ, xử lý tốt môi trường chăn nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển góp phần bảo vệ môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Tác giả : Ks. Trần Văn Trung
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: