CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Hiệu quả từ việc nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi tại xã Bình Định

Cập nhật: 08/12/2023

    Về xã Bình Định, huyện Kiến Xương vào một buổi sáng mùa thu tháng 8, không khí rất khẩn trương khi mọi người đang tập trung thu hoạch cá trong ao bán nổi, xe tải của các thương lái nối đuôi nhau đang chờ sẵn để lấy cá chuyển đi các nơi tiêu thụ. Thêm một vụ cá nữa được mùa. Mặc dù rất mệt, nhưng niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người dân tham gia thu hoạch, đặc biệt là anh chủ hộ Phạm Văn Tính, thôn Sơn Trung, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương xã Bình Định, với bản tính hiền lành, cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Cũng như bao người dân khác, anh gắn bó với nông nghiệp, lao động sản xuất và làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Nhưng cách anh chọn không phải ai cũng dám làm, đó là nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi. Ban đầu gia đình anh thuê 1 ha đất ngoài đê đào ao truyền thống nuôi tôm cá, hiệu quả cũng cao hơn nhiều lần cấy lúa. Không dừng lại ở đó, sau khi tìm hiểu lợi ích nuôi cá trong ao bán nổi, năm 2019, gia đình anh mạnh dạn thuê thêm 5 ha đất cấy lúa kém hiệu quả của xã trên cánh đồng Ba Đa - thôn Sơn Trung để đầu tư xây dựng ao bán nổi. Gia đình anh cũng là một trong những hộ đi tiên phong nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi trên địa bàn huyện Kiến Xương. Với diện tích 5 ha ao bán nổi, anh chị đầu tư xây dựng 5 ao với chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu khoảng 250 triệu đồng/ha để nuôi thủy sản.



Anh Tính chia sẻ: “Nuôi trồng thủy sản trên áo bán nổi cho hiệu quả cao hơn so với ao truyền thống từ 1,5 - 2 lần, cao hơn cấy lúa hàng chục lần. Các đối tượng thủy sản hàng năm gia đình anh thả trên ao bán nổi chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép lai V1, ngoài ra còn thả thêm cá trôi, cá mè, cá rô phi, cá trắm đen và tôm thẻ chân trắng. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 150-170 triệu đồng/ha, có năm đạt 200 triệu đồng/ha”.


Ưu điểm nổi bật của việc nuôi trồng thủy sản trên ao bán nổi so với ao truyền thống là mặt ao thông thoáng, lượng ôxy hòa tan trong nước cao, khí độc ít nên cá phát triển tốt hơn, lại có thể thả với mật độ cao hơn ao truyền thống nên đem lại năng suất và sản lượng cao hơn hẳn. Nuôi trồng thủy sản trên ao bán nổi tốn rất ít công lao động, vì gia đình anh Tính nuôi theo hình thức công nghiệp (sử dụng thức ăn công nghiệp, có máy phun thức ăn tự động, máy sục khí, ...). Một mình anh quản lý chăm sóc toàn bộ các ao nuôi trồng thủy sản của gia đình, vợ anh vẫn đi buôn bán bên ngoài, giai đoạn thu hoạch mới cần mượn thêm người hỗ trợ.


Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã hỗ trơ gia đình anh Tính 1 mô hình “Nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp” với quy mô 5.000 con/5.000 m2 theo nguồn vốn khuyến nông của tỉnh. Tham gia thực hiện mô hình gia đình anh Tính ngoài việc được hỗ trợ 1 phần giống cá và vật tư còn được tư vấn kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Đây cũng là sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung tâm Khuyến nông để  người dân và địa phương thực hiện tốt Đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi, giúp người dân tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Anh Tính cũng cho biết thêm, nhờ được hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình, được hỗ trợ kỹ thuật  nên gia đình anh rất yên tâm sản xuất, phần hỗ trợ coi như là phần thu nhập tăng thêm của gia đình so với những năm trước. Đặc biệt, sau khi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ xây dựng mô hình thì việc nuôi trồng thủy sản của gia đình ngày càng đảm bảo hơn về khâu kỹ thuật, hầu như cá nuôi phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.



Để có được thành công như ngày hôm nay, là bao tâm huyết anh Tính dồn vào đó. Thời điểm mới nuôi trồng thủy sản, gia đình anh gặp nhiều khó khăn về khâu kỹ thuât, đăc biệt là nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Đến nay, nhờ Trung tâm Khuyến nông giúp đỡ về kỹ thuật, anh đã tự tin về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nhưng gia đình anh vẫn phải vay một phần vốn từ ngân hàng để đầu tư sản xuất hàng năm.


Trao đổi với ông Bùi Ngoc Trìu, chủ tịch UBND xã Bình Định, ông cho biết: Thực hiện Đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, xã Bình Định đã quy hoạch 25 ha trên vùng cấy lúa lúa kém hiệu quả tại cánh đồng Ba Đa, thôn Sơn Trung để chuyển đổi sang vùng thủy sản ao bán nổi. Đến nay đã có 2 hộ thuê đất và đầu tư xây dựng ao bán nổi để nuôi trồng thủy sản với diện tích 10 ha, trong đó hộ anh Tính là 5 ha đã chuyển đổi và nuôi thành công. Vì vậy, xã phấn đấu chuyển đổi diện tích còn lại để xây dựng ao bán nổi vào cuối năm 2023 đến đầu năm 2024. Tuy nhiên, để các hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng ao bán nổi để nuôi trồng thủy sản vẫn cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để các hộ dân như gia đình anh Phạm Văn Tính mạnh dạn thuê đất và đầu tư xây dựng ao bán nổi nuôi trồng thủy sản theo đúng chủ trương của Tỉnh.


Tác giả : Ths. Lại Thị Bích Hợi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: