CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na

Cập nhật: 16/12/2023

    Cây Na là cây ăn quả phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường. Với đặc điểm sinh trưởng, phát triển khỏe, dễ trồng, thích ứng rộng. Nhiều năm gần đây cây Na đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Một số giống Na phổ biến: Na bở, Na dai, Na phấn.


1. Thời vụ


Trồng vào mùa Xuân (tháng 2 - 3), hoặc mùa Thu (tháng 8 - 9), mùa đông Na ngừng sinh trưởng và thường rụng hết lá.


2. Kỹ thuật trồng


Na chịu hạn tốt, chịu úng kém, cần lựa chọn đất cao, thoát nước tốt, có độ pH từ 5,5 – 7,0.


Hố trồng có kích thước: 50 x 50 x 50 cm, bón lót 15 - 20 kg phân chuồng + 0,5 kg phân lân + 0,2 kg kali, trộn đều phân bón với đất mặt cho vào hố trước khi trồng 7 – 10 ngày. Mật độ: 4 x 4m (625 cây/ha) hoặc 3 x 4m. Trồng so le nanh sấu, nên kéo ụ cao rồi đặt bầu trồng. Sau trồng, dùng thuốc kích rễ để tưới cho cây giúp cây nhanh bén rễ.


Bón phân cho Na trong giai đoạn này chú ý bón đúng liều lượng và nên bón để kích thích các cành lá. Lượng phân: Vôi bột 70 - 100kg/sào, phân chuồng 5 – 6 tạ/sào, phân đạm 0,6 - 0,8 kg/cây, phân lân 0,3 - 0,4 kg/cây, kali 0,2 - 0,3kg/cây.


Cách bón chia 3 lần/năm: Lần 1 bón tháng 12 – tháng 01 năm sau; lần 2 bón tháng 5 – 6; lần 3 bón tháng 9 – 10. Cuốc rãnh hoặc hố xung quanh tán bón phân sau đó lấp đất.


3. Cắt tỉa tạo tán


Sau trồng 2 - 3 năm cây Na bắt đầu cho quả. Để cây Na cho năng suất và kéo dài thời gian quả thì ngoài việc bón phân, tưới nước đầy đủ, cắt tỉa hàng năm là biện pháp kỹ thuật quan trọng góp phần khắc phục hiện tượng chóng tàn cỗi của cây, làm cho cây khoẻ, trẻ và hạn chế được sâu bệnh hại, tăng năng suất. Tạo tán còn giúp dễ chăm sóc và thu hoạch. Việc cắt tỉa được tiến hành hàng năm.


Với cây chưa cho quả: Chủ yếu là tạo hình cho khung cành vững chắc, cân đối hấp thụ được nhiều ánh sáng. Tạo hình làm sao cho khung tán thấp dễ chăm sóc và thu hái.


Với cây đang thời kỳ cho quả: Tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành mọc yếu, cắt cành vượt, tạo cho cây thông thoáng.


Với cây đã già: Có thể làm trẻ hóa cây bằng cách cưa gốc, trừ lại cách mặt đất khoảng 50 - 60 cm. Sau đó bón phân tưới nước để cho cây mọc cành mới. Trong số những cành mới mọc chỉ nên giữ lại 2 - 3 cành chính để sau này phát triển thành khung tán mới của cây.


Phục hồi sau thu quả: Sau một thời gian nuôi quả, nhiều cây bị hao hụt nguồn dinh dưỡng, mặt khác sau khi thu hoạch, mùa khô cây thường bị thiếu nước dẫn đến cây trơ cành, trụi lá và khi có mưa hay nước tưới trở lại, cây tiếp tục ra lá non mới và ra hoa, tuy nhiên, bệnh vàng lá sẽ xuất hiện nhiều làm cho việc nuôi hoa, quả bị ảnh hưởng. Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết giúp cây nhanh phục hồi, sinh trưởng tốt, chống chịu được sâu bệnh và sẵn sàng cho vụ mới bà con nên tiến hành bón phân gốc, mỗi cây bón 200gr NPK 16-16-8 + phân hữu cơ (phân bò, dây đậu, …)


4. Kỹ thuật nuôi quả


Phân bón: Trong thời gian từ lúc quả đậu cho đến trước thu hoạch khoảng một tháng, tiến hành bón phân gốc bằng các loại phân NPK 13-13-13 +TE (400-500g/cây) và phân hữu cơ. Giai đoạn cuối bón các loại phân giàu Kali để cùi dày, múi lớn, quả sáng, mắt nở và đẹp màu, chất lượng ngọt kết hợp sử dụng Siêu Kali, Kali bo… phun định kỳ 7 - 10 ngày/lần. Khi phun nên kết hợp với các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học để phòng trừ các loại rầy, rệp gây hại.


Tưới nước: Trong giai đoạn đầu trước khi quả chuyển màu và mắt nở, cần tưới đều và đầy đủ, khi quả bắt đầu chuyển màu cho đến gần thời gian thu hoạch, phải giảm dần lượng nước tưới.


Tỉa quả non: Phải tỉa bớt lượng quả non sao cho số quả còn lại tương xứng với cây, nên tỉa bỏ khi quả tương đương bằng quả chanh, tỉa bỏ những quả xấu, méo mó, sâu bệnh


5. Phòng trừ sâu bệnh


Rệp sáp phấn: Cơ thể rệp phủ đầy chất sáp trắng như phấn trên lá, quả. Rệp sáp chích hút làm cho lá bị quăn, quả bị chai sần không lớn được ảnh hưởng đến mẫu mã của quả thương phẩm hoặc làm rụng quả non. Cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp phấn xuất hiện quanh năm trên các vườn Na, gây hại nặng vào mùa nắng.


Biện pháp phòng và trị rệp sáp phấn:


Sau khi thu hoạch, tỉa xén cành làm cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ cành đã bị nhiễm rệp sáp.


Khi mật độ rệp cao, có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như:  Amamecin, Imidacloprid. Phun theo hướng dẫn trên bao bì.  Nên phun 2 lần liên tiếp cách nhau 7 - 10 ngày và chú ý đảm bảo thời gian cách ly.


Sâu đục quả: Thành trùng là loài bướm có màu nâu xám, cánh trước có màu xanh ánh kim. Sâu non có màu đen, khi phát triển đầy đủ, sâu non dài khoảng 20 - 22mm. Sâu non mới nở ra bắt đầu cắn đục vào bên trong thịt quả, sau đó đùn phân ra bên ngoài vỏ quả. Thường một quả có nhiều sâu phá hại.


Biện pháp phòng trị: Khi Na có quả, cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu kịp thời. Loại bỏ những quả bị sâu ra khỏi vườn. Sử dụng một trong các loại thuốc như sau: ViTako, Divin… phun heo hướng dẫn trên bao bì.


Giòi (ruồi) hại quả


Giòi màu trắng, không chân, thon dài. Sau khi nở giòi đục và gây hại trong quả na. Trưởng thành có màu vàng với vết sẫm màu ở trên ngực và bụng.


Biện pháp phòng trừ: Don vệ sinh vườn sạch sẽ, hạn chế sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc hóa học,  phân bón cần kết hợp phân hữu cơ vi sinh và bón  NPK cân đối.


Dùng bẫy pheoromon, bẫy dính vàng: Khi cây đậu quả, treo bẫy dẫn dụ để diệt ruồi trưởng thành, treo 3-5 bẫy cho 1.000m2. Thường xuyên kiểm tra cứ 7-10 ngày đổ bỏ xác ruồi chết trong bẫy và tẩm thêm thuốc mới vào bẫy, tiếp tục treo lên cây


Khi quả na to với đường kính 3-5cm , dùng túi vải không dệt, bọc quả để hạn chế ruồi đục quả và rệp sáp hại quả na.


Bệnh thán thưLà bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với cây Na. Bệnh hại cả trên lá, ngọn, hoa và quả. Trên lá, bệnh tạo thành các đốm nâu hình tròn, xung quanh viền vàng, lâu dần hoá thành các vòng đen đồng tâm chứa các bào tử nấm. Trên ngọn, bệnh làm khô búp, hoa và quả. Quả non bị bệnh thì khô đen và rụng. Quả lớn có thể bị khô đen một phần.


Biện pháp phòng trị: Phun ngừa từ khi quả còn nhỏ đến trước khi thu hoạch 10 ngày. Nên phun định kỳ khoảng nửa tháng một lần, có thể sử dụng các loại thuốc: Metalaxy, Rhidomin….


Bệnh thối rễ: Do nấm Fusarium solani gây ra. Cây bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém dần, lá vàng và rụng, quả ít và nhỏ. Nấm sống trong đất phá hoại bộ rễ, hạn chế sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. Bị hại nặng lâu ngày bộ rễ có thể bị hư hại hoàn toàn làm cây bị chết.


Biện pháp phòng trị : Không để vườn Na bị đọng nước vào mùa mưa. Hàng năm, bón bổ sung vôi và dùng thuốc Bordeaux hoặc các loại thuốc gốc đồng tưới vào gốc 2 - 3 lần để hạn chế bệnh gây hại.


Tác giả : Ths. Quách Thị Phương
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: