CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc củ cải

Cập nhật: 20/07/2023

    Hiện nay, chủ yếu sử dụng giống củ cải trắng địa phương: củ cải Hà Nội cao sản VA.31, củ cải Hà Nội BM, củ cải Thái Bình BM131, củ cải Lệ Chi, củ cải tuyển cao sản VA.13,… Ngoài ra còn có một số giống nhập nội như: Củ cải trắng Hàn Quốc, Củ cải đỏ lai F1 VA.2014,… Lượng giống: Trung bình từ 10 – 12kg/ha. Hạt giống yêu cầu phải chắc, mẩy, hạt có độ đồng đều cao và sạch sâu bệnh.


1. Thời vụ


Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của từng vùng khác nhau sẽ tiến hành gieo trồng khác nhau. Nhiệt độ thích hợp cho cây cải củ phát triển từ 18 – 250C. Tại Thái Bình, cây cải củ có thể được trồng 2 vụ: vụ chính gieo trồng từ tháng 8 – 9 và vụ muộn trồng vào tháng 10 – 11.


2. Chuẩn bị đất


Chọn đất: Cây cải củ cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, có độ pH từ 6 đến 7, tốt nhất là đất tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước tốt.


Trước khi gieo trồng cần phải xử lý đất thật kỹ. Tiến hành cày sâu, phơi ải ít nhất 1 tuần để diệt trừ mầm bệnh tồn đọng trong đất. Lên luống: rộng 1,2-1,5m; rãnh 30-40 cm; độ cao 15-20 cm.


3. Kỹ thuật trồng


Cây củ cải trắng thường được trồng trực tiếp bằng biện pháp gieo hạt, ngoài ra có thể gieo ươm cây con trước rồi mới đưa ra vườn sản xuất.


Có thể gieo theo luống hoặc theo hàng. Nếu gieo hàng thì tiến hành rạch hàng cách nhau 20-25 cm, bỏ phân vào rạch, lấp đất từ 2 – 3 ngày rồi gieo. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm để hạt nảy mầm tốt, đảm bảo  5-6 hàng/luống, cây cách cây 10-15cm, mỗi hốc gieo 1-2 hạt, sau khi cây ổn định cần tỉa chỉ để 1 cây.


4. Chăm sóc


Tưới nước: Cây củ cải trắng ưa ẩm nhưng không chịu ngập úng. Chỉ nên tưới lướt 2 ngày 1 lần, không nên tưới nước quá đẫm. Có thể áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun sương để hạn chế áp lực nước cũng như đất đá bám lên thân lá, tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại.


Vun xới: Cây cải củ khi hình thành củ chúng có xu hướng chồi lên mặt đất làm củ sần sùi, không sáng mã, vỏ có màu xanh. Vì vậy, cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo và thường xuyên bổ sung rơm rạ phủ kín củ cùng với các lần bón thúc cho cây, vừa để giữ ẩm, vừa hạn chế cỏ dại, hạn chế mất phân và đất bị dí.



5. Phân bón và cách bón phân


- Bón lót: Kết hợp làm đất. Lượng bón cho 1ha: 12 - 15 tấn phân chuồng hoai mục, 300 kg lân, 20 - 25 kg đạm urê, 25 - 30kg kali.


- Bón thúc: chia làm 3 lần bón theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây:


Lần 1:  Khi cây đạt 2 – 3 lá thật, tiến hành bón phân kết hợp tỉa thưa. Sử dụng 13 – 20kg phân đạm + 10 – 13kg phân kali.


Lần 2: Cách lần 1 từ 5 – 7 ngày, kết hợp tỉa thưa một lần nữa. Sử dụng 20 – 30kg phân đạm + 10 – 13kg phân kali


Lần 3: Tiến hành bón khi kích thước củ như ngón tay cái. Bón với liều lượng tương tự lần 2.


Lưu ý:


Có thể bón theo hàng hoặc rải đều phân bón lên mặt luống sau đó tưới nước rửa lá. Tuyệt đối không được để đọng phân trên lá.


Có thể sử dụng các loại phân bón lá, chế phẩm vi sinh để bổ sung dinh dưỡng. Ngừng bón phân cho cây ít nhất 21 ngày trước khi thu hoạch.


Chỉ sử dụng các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.


6. Sâu, bệnh hại và biện pháp phòng trừ


- Sâu bệnh hại thường gặp trên củ cải: Rệp, sâu tơ,bọ nhảy, sâu khoang, sâu xám,… bệnh đốm lá, bệnh thối củ,..


- Biện pháp phòng trừ: Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM.


Biện pháp canh tác kỹ thuật: Vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ, chọn giống khỏe, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sức đề kháng sâu bệnh tốt, bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ chăm sóc theo nhu cầu của cây. Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh gây hại.


Thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng


Biện pháp sinh học: Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm… Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh gây hại.


Biện pháp vật lý: Sử dụng bẫy màu vàng, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng. Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5-1,8m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.


Biện pháp hóa học: Khi sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) và nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, phun khi bệnh chớm xuất hiện. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:


+ Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau.


+ Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người


+ Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc)


7. Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch


Sau khi gieo 45 ngày hoặc 60 - 70 ngày là có thể thu hoạch, tùy từng giống, mùa vụ, thời tiết, nhu cầu  thị trường mà thời gian thu hoạch có thể sớm hoặc trễ hơn. Sau khi thu hoạch rũ hoặc rửa sạch đất bám trên củ, cắt bỏ phần lá, vận chuyển vào nơi mát mẻ, đóng gói theo yêu cầu khách hàng.


Tác giả : Ks. Phạm Thị Tươi
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: