CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Nông dân làm giàu từ gốc lúa, ruộng rươi

Cập nhật: 03/06/2024

    Đến với xã Trà Giang một xã thuần nông ven đê Trà Lý, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với hạt lúa, củ khoai. Mấy năm gần đây nông thôn đổi mới bà con đã không còn bỏ đất, bỏ ruộng. Việc tích tụ ruộng đất không còn xa lạ với bà con trong xã. Tuy nhiên tích tụ ruộng đất và làm giàu từ nguồn tự nhiên như hộ anh Hoàng Văn Nhất, thôn Trực Tầm, xã Trà Giang lại được bà con trong và ngoài xã hết lời ngợi khen.


     Sinh ra và gắn bó với nghề nông đã lâu, từ những năm 2006 anh Nhất là một trong những hộ đứng ra đấu thầu bãi bồi ven đê để phát triển kinh tế gia đình. Với diện tích đấu thầu được gia đình anh tập trung vào trồng chuối, khai thác cáy và khai thác Rươi. Tuy nhiên, mô hình trồng chuối, khai thác cáy và Rươi không thực sự hiệu quả. Thời điểm đó hiệu quả từ việc khai thác Rươi còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Như anh Nhất nói: “Năm nào trời cho nhiều thì được nhiều”. Năng suất thu hoạch Rươi những năm đó còn rất ít. Từ đó anh đã rất trăn trở làm sao để có thể làm giàu lên từ nguồn lợi tự nhiên này.


     Đầu năm 2020, sau khi anh Nhất cùng một số người bạn đi thăm quan học tập mô hình phát triển kinh tế từ con Rươi tại Hải Phòng, Hải Dương, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô với tổng diện tích ruộng tích tụ được là 35 mẫu chú trọng vào việc nuôi Rươi. Để tạo môi trường cho Rươi phát triển và giảm nhiệt độ nước trong những ngày thời tiết nắng nóng, anh đã đầu tư máy móc làm kiên cố bờ giữ nước, làm cống để chủ động việc đưa nước vào ruộng và tiến hành trồng lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và giống lúa chất lượng cao, cấy 01 vụ/năm giúp gia tăng kinh tế. Quá trình canh tác sản xuất lúa hoàn toàn không sử dụng hóa chất , vì vậy lúa bị ảnh hưởng bởi cỏ, ốc, sâu hại… nên năng suất lúa cuối vụ chỉ đạt khoảng 70 kg/sào.


 


     Theo anh Nhất chia sẻ: “Việc cấy lúa là cần thiết để cải thiện môi trường, tạo sự tơi xốp cho đất giúp cho con Rươi sinh trưởng, phát triển tốt. Cuối vụ lúa nên thu hoạch thủ công, sau đó để gốc rạ khô mục rồi cày úp xuống làm phân bón cho ruộng. Để con Rươi có thể sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường đất thì yêu cầu môi trường sống phải phù hợp,không bị ô nhiễm và ảnh hưởng bởi các chất độc hại. Vì vậy, cần thường xuyên cải tạo môi trường đất trong ruộng lúa nuôi Rươi”


     Sau 2 năm kiên trì, cần mẫn bỏ công, bỏ sức cải tạo môi trường vùng nuôi, gia đình anh Nhất đã gặt hái được những thành quả đầu tiên. Vụ Rươi năm 2022, gia đình anh thu hoạch được 1.800 kg Rươi, bán với giá 250.000 đồng/kg; năm 2023, gia đình anh thu về 2.100 kg với giá 270.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận anh thu về hàng trăm triệu mỗi năm. Năm 2024, nhờ những thành công bước đầu và những bài học kinh nghiệm thu được, gia đình anh Nhất đã mạnh dạn mở rộng diện tích thêm 15 mẫu ruộng chủ yếu là ruộng ven đê thấp trũng cấy lúa kém hiệu quả bà con bỏ hoang để thâm canh khai cấy lúa và chủ yếu là khai thác Rươi.


     Tin tưởng rằng với đam mê nhiệt huyết và sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó, cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được, trong thời gian tới anh Nhất cũng như gia đình sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biến ruộng lúa năng suất thấp sang nuôi Rươi, tăng thu nhập cho bà con nông dân tại địa phương.


Tác giả : ks. Đặng Thị Kim Sa
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: