CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý khi thu hoạch lúa Xuân, chuẩn bị cho gieo cấy lúa Mùa 2024

Cập nhật: 04/06/2024

    Hiện nay công tác thu hoạch lúa chủ yếu bằng máy gặt, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn; mặt khác thời gian chuyển từ vụ Xuân sang vụ Mùa rất ngắn, vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, rơm rạ sẽ không kịp phân huỷ, gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, ảnh hưởng đến môi trường.

 


     1. Thu hoạch lúa Xuân và xử lý rơm rạ


     Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến hành thu hoạch lúa xuân, theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch khi lúa chín khoảng 85-90%. Thu hoạch đến đâu, giữ nước, cày lồng dập rạ đến đó. Đối với một số vùng dùng rơm, rạ làm nấm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu che phủ trồng cây màu,… có thể dùng máy cuộn rơm để thu gom, tuyệt đối không đốt rơm rạ.


     Để rơm rạ, cỏ dại, các tàn dư trên đồng ruộng nhanh phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ giai đoạn lúa đẻ nhánh nên sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như Sumitri, AT-YTB, Emunix hoặc phân vi sinh Azotobacterin, Trường Sơn Bio, hoặc 15-20 kg vôi bột/sào,… để rắc.


     Lưu ý: Do lượng chế phẩm xử lý rơm rạ ít (khoảng 2-3 lạng/sào tùy từng loại), bà con có thể trộn với cát sạch, cám gạo để rắc đều trên mặt ruộng ngay trước hoặc sau khi lồng dập rạ, sau đó giữ nước 7-10 ngày rồi tiến hành bừa cấy.


     2. Giống lúa


     Trong vụ Mùa cây lúa dễ bị nhiễm bệnh bạc lá, vì vậy nên lựa chọn các giống lúa có khả năng chống chịu hoặc nhiễm nhẹ đối với bệnh bạc lá, đặc biệt không gieo các giống dễ nhiễm bệnh trên các vùng trũng hẩu, kìm hãm.


     3. Thời vụ và phương thức gieo cấy


     Đối với quỹ đất cấy lúa Mùa sớm để trồng cây vụ Đông ưa ấm cần gieo cấy trước ngày 10/7. Đối với diện tích gieo cấy đại trà kết thúc việc gieo cấy lúa Mùa trước ngày 20/7/2024. Tùy thuộc vào phương thức gieo mạ để xác định lịch gieo mạ cho phù hợp, mạ nền cứng khoảng 7-8 ngày, mạ dày xúc khoảng 12-15 ngày tuổi.


     Nên bố trí thời vụ gieo mạ và thời gian làm đất phù hợp, tuyệt đối không để mạ phải chờ ruộng, tốt nhất là làm ruộng trước khi cấy từ 1-2 ngày.


     Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 1-2 ngày nên phun phòng trừ sâu bệnh cho mạ, đặc biệt là rầy các loại.


     Chủ động gieo mạ dự phòng 5-10% ở trà cuối bằng các giống lúa ngắn ngày, phòng khi mưa lớn gây ngập úng, làm chết mạ, chết lúa đầu vụ.


     Vụ Mùa nắng nóng, thường có mưa lớn giai đoạn gieo cấy, bà con không nên áp dụng biện pháp gieo thẳng trong vụ Mùa, có thể mở rộng diện tích làm mạ khay, cấy máy.


     4. Phân bón


     Nên tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ sẵn có; tăng cường sử dụng phân vi sinh kết hợp với 20-25 kg NPK chuyên lót loại 6:9:3 hoặc 5:10:3… hoặc 5-6 kg NPK hàm lượng cao dùng cả cho bón lót và bón thúc như NPK loại 16:16:8, 16:8:9,… Bón phân lót trước lần bừa cấy hoặc ngay sau khi máy làm đất lên bờ./.


 

Tác giả : Ths. Phạm Thị Hiên
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: