1. Tác hại của việc xử lý rơm, rạ không đúng
cách
Khi đốt rơm rạ, khói rơm, rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích
thích phản ứng ở họng, khiến người hít phải dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói
do đốt rơm, rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí độc
CO (Cacbon monoxit). Người hít nhiều và
kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với
lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện
khi tham gia giao thông, làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông…
Việc đốt rơm, rạ ngay trên cánh đồng còn làm cho các chất hữu cơ trong
rơm rạ biến đổi thành các chất vô cơ, làm mất lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết
cho cây trồng. Nhiệt độ cao sinh ra trong quá trình đốt rơm rạ sẽ làm đất chai
cứng, phá vỡ kết cấu đất; vi sinh vật sống có ích trong đất bị chết,… nên khả
năng giữ nước và chất dinh dưỡng kém. Quá trình canh tác sẽ giảm hiệu quả, do chi
phí đầu vào tăng, năng suất và chất lượng nông sản giảm sút.
Mặt khác, hiện nay công tác thu hoạch lúa chủ yếu bằng máy gặt, lượng
rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn; thời gian chuyển từ vụ Xuân sang vụ Mùa
rất ngắn, vì vậy, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, rơm rạ sẽ không kịp
phân huỷ, gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa giai đoạn sau cấy đến đẻ
nhánh.
2. Hiệu quả khi xử lý rơm, rạ đúng cách
Rơm rạ có thể được xử lý ngay trên ruộng hoặc thu gom ủ thành phân bón để
bón trở lại cho đất. Quá trình xử lý rơm rạ được thực hiện thường xuyên, liên tục
sẽ giúp hoàn trả lại nguồn hữu cơ cho đất và giảm thiểu việc sử dụng phân bón
hóa học. Từ đó, giúp bảo vệ, cải tạo môi trường đất và tăng năng suất, chất lượng
cây trồng.
Đối với một số vùng dùng rơm, rạ làm nấm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu
che phủ trồng cây màu, ủ làm phân bón… trường hợp này có thể thu gom thủ công
hoặc dùng máy cuộn rơm.
Rơm hiện nay đang được tận thu để sản xuất nấm. Theo kết quả từ các mô
hình khuyến nông trong Tỉnh, cứ 1 tấn rơm rạ khô khi sử dụng làm nấm sẽ cho
năng suất khoảng 3 tạ nấm. Với lượng rơm của Thái Bình thu gom, có thể sản xuất được 150 ngàn tấn nấm
ăn, thu về khoảng 480 - 500 tỷ đồng/năm (tương đương 200 ngàn đồng/sào/năm). Ngoài ra, sau khi thu hoạch sản phẩm chính,
bã nấm còn có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Rơm còn là nguồn thức ăn quý trong chăn nuôi gia súc, có thể làm thức ăn xơ
thô cho khoảng 88 ngàn con trâu, bò mỗi năm (gấp 1,55 lần đàn trâu bò hiện có của
Thái Bình), đặc
biệt có thể làm nguồn thức ăn dự trữ cho những thời điểm khan hiếm, giao mùa.
Khi rơm, rạ được tận dụng để ủ gốc cho rau màu và cây ăn quả sẽ giúp giữ
ẩm cho đất; tăng cường hoạt động của các vi sinh vật sống có ích, giun, dế,…
làm cho đất tơi xốp; hạn chế cỏ dại và mã quả sáng. Cuối vụ, rơm rạ mục được xử
lý và bón trở lại cho đất sẽ giúp bổ sung lượng lớn dinh dưỡng cho đất, giảm bớt
sự lãng phí tài nguyên.
3. Các phương pháp xử lý rơm, rạ
a, Phương pháp xử lý trực tiếp trên ruộng: Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, phù hợp
với thực tế sản xuất hiện nay. Thời gian xử lý ngắn, đáp ứng được yêu cầu thời
vụ, giảm bớt công lao động,… đặc biệt khi chuyển từ vụ Xuân sang gieo cấy vụ
Mùa.
Cách xử lý: Tốt nhất thu hoạch lúa Xuân đến đâu, giữ nước, cày lồng dập
rạ đến đó. Sử dụng các chế phẩm để xử lý rơm rạ như Sumitri, AT-YTB, Emuniv hoặc
phân vi sinh Azotobacterin, Trường Sơn Bio, hoặc 15-20 kg vôi bột/sào,… để rắc.
Lưu ý: Do lượng chế phẩm xử lý rơm rạ ít (khoảng
200 – 300 g/sào), có thể trộn với cát sạch, cám gạo để rắc đều trên mặt ruộng
ngay trước hoặc sau khi lồng dập rạ, sau đó giữ nước 7-10 ngày rồi tiến hành bừa cấy.
b, Phương pháp thu gom rơm, rạ để xử lý:
Với phương pháp này nhược điểm mất nhiều công thu gom vật liệu, nhưng
sau khi ủ sẽ tạo ra lượng phân bón lớn bón cho cây trồng.
Ví dụ sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV để ủ:
Tác dụng của chế phẩm vi sinh
EMUNIV có thể phân giải nhanh rơm rạ, tàn dư đồng ruộng chuyển hóa các
chất dễ hấp thụ cho cây trồng. Giúp làm sạch đất, tăng vi sinh vật hữu ích cho
đất, kích thích bộ rễ phát triển, từ đó tăng sức đề kháng với các loại sâu bệnh.
Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cây lạc, đỗ, bèo, phân chuồng,
….), ủ thành phân bón: Dùng 1 gói Emuniv 500gram để xử lý 2-3 tấn nguyên liệu. Rắc
trộn đều chế phẩm với nguyên liệu hoặc hòa nước rồi tưới lên đống ủ sao cho độ ẩm
đạt khoảng 45- 50%. Dùng bạt, bao dứa,… đậy kín để giữ nhiệt và độ ẩm. Sau 7-10
ngày thì tiến hành đảo trộn và tưới bổ sung độ ẩm, tùy thuộc vào nguyên liệu
ban đầu mà thời gian ủ từ 25-30 ngày là có thể sử dụng.
Như vậy, để tạo ra sản lượng 1 triệu tấn thóc, tỉnh Thái Bình cũng tạo ra
lượng rơm rạ khổng lồ khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó lượng rơm chiếm khoảng 480
ngàn tấn. Nếu sử dụng tốt, lượng rơm rạ này sẽ trở
thành nguyên vật liệu đầu vào của quá trình sản xuất khác, góp phần giảm thiểu
gánh nặng cho môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Qua
đó, hình thành phương thức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng
nền nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, đáp ứng các
tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa
phương.
Tác giả : Ks. Phạm Thị Tươi