CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý trước khi mưa bão xảy ra

Cập nhật: 05/09/2024

    Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia về cơn bão số 3 (tên quốc tế YAGI) sẽ là cơn bão rất mạnh, khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhiều khả năng bão số 3 sẽ gây mưa to cho khu vực Bắc Bộ tới Thừa Thiên - Huế, trong đó có tỉnh Thái Bình. Vì vậy, để chủ động ứng phó với cơn bão số 03, nhằm hạn chế những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra bà con cần lưu ý một số vấn đề sau


     1. Đối với trồng trọt

    

     Các địa phương chủ động tiêu nước đệm trên hệ thống sông, khơi thông kênh mương nội đồng, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, thu dọn đăng đó, bèo bồng, đảm bảo tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Chuẩn bị máy bơm sẵn sàng tiêu úng khi mưa lớn xảy ra.

          

     - Đối với lúa: Trong trường hợp xảy ra ngập úng khi có mưa to, phải thực hiện tiêu thoát thật nhanh bằng mọi biện pháp theo phương châm “Vùng trũng tiêu nước trước, vùng cao tiêu nước sau, ưu tiên thoát nước ở các diện tích lúa đã trỗ”, không để ngập, úng kéo dài.

          

     - Đối với các loại rau màu: Trên các diện tích đã trồng (cây màu Hè Thu), khẩn trương thu hoạch rau màu khi đã đến kỳ thu hoạch. Trên các diện tích chưa trồng, nên tạm thời dừng cho đến khi thời tiết thuận lợi. Cần vét sâu các rãnh luống, đào sâu các đầu luống để thoát nước nhanh, kịp thời khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối thân. Đối với những cây dây leo, chằng buộc gia cố lại giàn để hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lớn và gió to gây dập nát, đổ gãy các loại rau, màu.

          

     - Đối với cây giống các loại: Nếu di chuyển được, có thể di chuyển cây giống vào nơi an toàn. Nếu trồng cố định trên đất, cần chằng buộc gia cố khum, vòm nilon để che chắn, bảo vệ cây trong vườn ươm.

      

    - Đối với các cây màu trồng trong nhà màng: Cần gia cố, chằng chống, bảo đảm an toàn các thiết bị trong nhà màng để giảm thiểu thiệt hại khi có mưa to, gió lớn.

    

     - Đối với cây ăn quả: Khẩn trương cắt tỉa để cây được thông thoáng, chằng néo thân cây hoặc cành lớn nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; Đối với cây đang mang quả nếu đến kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm trước khi mưa bão xảy ra, tỉa bỏ bớt quả trên chùm để giảm va đập gây hư hỏng hoặc rụng. Vun cao gốc, chủ động xẻ mương, khơi thông rãnh thoát nước để tăng khả năng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ


     2. Đối với chăn nuôi

     

     - Kiểm tra chuồng trại:

     

     Nếu chuồng trại làm ở vùng trũng, vùng thường bị sạt lở, cần tôn cao nền hoặc phải di dời đàn gia súc gia cầm đến nơi cao ráo, an toàn. Cần che chắn mưa tạt, gió lùa, nhằm giữ  cho vật nuôi và nền chuồng không bị ướt. Kiểm tra lại mái chuồng nuôi và hệ thống cửa, cần chủ động che chắn gia cố không để tốc mái hay mưa hắt vào chuồng nuôi hoặc phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm.

     

     Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, không để đọng phân, nước, thường xuyên thay chất độn chuồng. Phun thuốc tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường.

     

     Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm. Chặt bớt những cành cây to trên mái chuồng để chống cây đổ làm hỏng mái.

      

    Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi... để giữ ấm.

      

    - Dự trữ thức ăn, nước uống:

      

    Cần dự trữ thức ăn đủ dùng cho vật nuôi trong 1 tuần. Đặc biệt, đối với trâu, bò, dê cần dự trữ rơm, cỏ, thức ăn ủ chua, thức ăn tinh do các loại cỏ thường bị chết do ngập nước. Nên có phương pháp bảo quản thức ăn tránh bị lũ lụt cuốn trôi, bị mưa tạt làm ẩm mốc, kém chất lượng, thậm chí gây độc cho vật nuôi.

    

      Phải bảo đảm luôn có đủ nước sạch cho vật nuôi uống, có thể sử dụng nước máy hoặc nước sông đã được khử trùng bằng các loại hóa chất có thể uống được như Chloramin-B…

       

     - Chăm sóc nuôi dưỡng:

    

     Thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao sức khỏe và khả năng đề kháng với bệnh tật của gia súc gia cầm.

 

     3. Đối với thủy sản


    - Chủ động thực hiện và phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trong quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

 

     - Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai (lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…);


     - Nắm bắt tình hình thủy sản của gia đình (thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại); rà soát, dự phòng hóa chất xử lý môi trường... phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão;


     - Nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi, đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Nếu có điều kiện cần chăng lưới bốn xung quanh ao, gim chân lưới chắc chắn để tránh hiện tượng nước tràn bờ làm tôm, cá thoát ra ngoài. Sử dụng vôi bột rắc xung quanh bờ ao;


     - Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng. Xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển) khi cần thiết.


     Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài;


     Lưu ý: Trước khi có mưa bão lớn xảy ra yêu cầu sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.


Tác giả : Trung tâm Khuyến nông Thái Bình
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: