CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Một số lưu ý khi chế biến rơm, cỏ làm thức ăn dự trữ cho trâu bò

Cập nhật: 26/10/2024

    Để chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho trâu bò, người chăn nuôi cần tận dụng tối đa được nguồn rơm, cỏ chế biến làm thức ăn cho trâu bò. Hàm lượng dinh dưỡng rơm, cỏ thô thấp, nhưng nếu được đem đi chế biến đúng cách sẽ là nguồn thức ăn tốt, giàu dinh dưỡng, hàm lượng Protein cao. Người chăn nuôi cần lưu ý các phương pháp dự trữ, chế biến rơm, cỏ như sau:


1. Phơi khô thức ăn cho gia súc

Cỏ, rơm phơi khô là thức ăn cung cấp nguồn Vitamin, Protein, khoáng chất, chất xơ cho trâu bò vào mùa lạnh. Đây là phương pháp đơn giản, phù hợp với mọi quy mô chăn nuôi, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc.

Để làm thức ăn khô đạt chất lượng tốt người chăn nuôi nên thu hoạch cỏ để phơi vào lúc cỏ sắp ra hoa, lúc đó cỏ vừa đúng độ, không quá non cũng không quá già làm tăng khả năng ăn vào của gia súc. Thức ăn phơi khô cần được bảo quản ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không bị mưa, dột hay đọng nước.

2. Ủ chua thức ăn xanh cho gia súc

Ủ chua thức ăn xanh là biện pháp đơn giản đã được nhiều người chăn nuôi áp dụng, tuy nhiên trên thực tế đã có rất nhiều người thực hiện song do ủ không đúng cách nên đã bị hỏng, chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, người chăn nuôi cần lưu ý thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật về cách ủ, bảo quản và cách cho ăn sau:

Nguyên liệu có thể là cỏ tự nhiên, rơm, cây ngô, cây chuối, bã mía, cỏ voi,… Người chăn nuôi ủ với công thức: 100 kg nguyên liệu thô + 0,5 kg muối + 3 kg urê (có thể thêm 2 - 4% rỉ mật đường).

Nguyên liệu đem ủ chua (có chứa lượng nước khoảng 65 - 75%) cần được cắt ngắn từ 5 – 10 cm trước khi đem ủ. Thức ăn được ủ phải đảm bảo đã được sơ chế sạch sẽ, còn tươi mới, sau đó trộn đều nguyên liệu thô với lượng nước đã được hòa tan muối và Urê, sau đó được ủ trong túi nilon hoặc trong hố ủ. Khi ủ nên chia lượng thức ăn thành nhiều lớp, mỗi lớp dày khoảng 20 – 30 cm, lớp trước phải được nén thật chặt và đầm kỹ rồi mới thêm lớp tiếp theo. Lưu ý thức ăn nén xong phải buộc kín túi ủ hoặc che phủ hố ủ kín, tránh nước mưa ngấm vào. Thời gian ủ mùa hè sau 2 tuần và mùa đông sau 3 tuần thì lấy rơm ra cho trâu bò ăn.

Cách sử dụng lưu ý lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa lấy xong lại đậy kín hố hay buộc chặt túi. Rơm ủ bằng phương pháp này có thể dự trữ và bảo quản trong vòng 6 tháng. Rơm sau khi ủ có chất lượng tốt là rơm có màu vàng đậm, mềm và ẩm, mùi urê, không có mùi mốc.

3. Ủ héo thức ăn xanh cho gia súc

Ủ héo là cách làm trung gian giữa ủ tươi và phơi khô. Người chăn nuôi cần lưu ý nguyên liệu được ủ héo thường khô hơn nguyên liệu dùng để ủ tươi. Thức ăn ủ héo lên men ít, lượng chất dinh dưỡng được bảo toàn.

Nguyên liệu dùng để ủ héo thường là cỏ tươi. Tùy thuộc vào độ ẩm của cỏ mà người chăn nuôi có thể ủ lúc cỏ còn tươi hay đem phơi tái trước khi ủ nhằm làm giảm độ ẩm của cỏ. Độ ẩm thích hợp để ủ héo cỏ là khoảng 50 - 60%. Cỏ được ủ trong túi nilon, khi ủ phải nén chặt từng lớp và túi phải được buộc kín, đảm bảo không có lỗ hổng nếu không cỏ sẽ bị hỏng. Người chăn nuôi cũng cần chú ý chuột hay các con côn trùng có thể cắn vỏ bao khi ủ cỏ.

Tùy theo điều kiện chăn nuôi của từng gia đình và điạ phương mà người chăn nuôi cần có phương pháp dự trữ thức ăn phù hợp.


Tác giả : BSTY. Phạm Thị Thúy An
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: