CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
KINH NGHIỆM TRỒNG CÂY HÒE CHO NĂNG SUẤT CAO

Cập nhật: 13/10/2014

    Tại Thái Bình cây hòe được trồng tập trung nhiều nhất ở các huyện Thái Thụy, Vũ Thư, Tiền Hải. Do ưu điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, hiếm khi nhiễm sâu bệnh và mất mùa. Từ những năm 2010 - 2014, giá 1 kg hòe tăng dần cao từ 80.000 - 160.000 đồng và thậm chí trên 200.000 đồng nên nhiều bà con trong tỉnh mở rộng trồng cây này. Sau đây là một số kinh nghiệm trồng Hòe có hiệu quả kinh tế cao:

1.     Cần quy hoạch vùng trồng cây Hòe kết hợp với chế biến và tiêu thụ để tránh tình trạng nhân dân trồng tràn lan rồi bị tư thương ép giá. Tại Thái Bình, Công ty CP dược Khải Hà và Công ty Dược vật tư y tế Thái Bình đã có công nghệ chế biến và chiết tách Rutin từ hòe.

2.     Kỹ thuật trồng Hòe cho năng suất cao:

a, Chọn giống Hòe: Tại Thái Bình có giống Hòe nếp và Hòe tẻ; Hòe nếp có năng suất cao hơn, các hoa trên cùng một bông nở đồng đều hơn, mật độ hoa dầy hơn vì vậy bà con nên chọn giống Hòe nếp.

b, Chọn cây hòe:

- Cây Hòe gieo từ hạt: Ưu điểm cây có tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu. Nhược điểm: thời gian ra hoa sau khi trồng từ 3-4 năm trở lên. Hoa Hòe là cây tự thụ phấn, tỷ lệ giao phấn thấp. Vì vậy cần chọn bông hoa to để giống lấy hạt đem gieo. Hạt đã già, lấy hạt gieo trong cát ẩm khoảng 20 - 30 ngày là cây nẩy mầm, tiếp tục ươm cây con trong bầu đến khi cây cao từ 60 - 70 cm là đem trồng.

- Cây Hòe ghép: có tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu, trồng  từ 2 năm trở lên là cho thu hoạch. Lấy những mắt ghép từ cây có hoa to, ghép sang cây con trồng từ hạt. Thời gian ghép: Mùa Xuân từ tháng 2 - 4, mùa Thu từ tháng 8 - 9. Ghép hòe bằng cách ghép mắt nhỏ có gỗ thì tỷ lệ sống cao hơn.

- Cây Hòe chiết: cây cho ra hoa nhanh hơn, sau khi trồng 1 năm là cho thu hoạch. Nhược điểm là tuổi thọ của cây thấp, nếu chăm sóc tốt chỉ thu hoạch từ 4 - 6 năm là cây cỗi.

c, Mật độ trồng:

Thời vụ trồng: Vụ Xuân trồng tháng 2, vụ Thu trồng vào tháng 8-9.

Nếu hòe trồng từ hạt hoặc trồng từ cây ghép, mật độ trồng từ 3,5-4,0 x 3,5-4,0 m. Một sào trồng từ 22 - 30 cây. Nếu hòe trồng từ cây chiết mật độ trồng từ 2,5-3,0 x 2,5-3,0 m. Một sào trồng từ 40 - 60 cây.

d, Chăm sóc:

- Phân bón: Hòe là cây họ đậu nên có khả năng tự cố định đạm tự do để sử dụng. Tuy nhiên để nâng cao năng suất, nhanh cho thu hoạch chúng ta phải bón phân cho cây hòe. Lượng phân bón cho hòe như sau:  

+ Thời kỳ cây con (4 năm sau khi trồng) bón 0,2 - 0,8 kg đạm + 0,3 - 0,8 kg lân + 0,5 - 0,4 kg kali trong 1 năm/1 hốc. Nguyên tắc bón phân là khi cây còn nhỏ bón ít, khi lớn bón nhiều. Chia lượng phân trên ra 3 - 4 lần bón. Chỉ bón phân khi đất đủ ẩm. Nếu sử dụng phân NPK sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm cao như 20:10:10; 16:12:8.

+ Thời kỳ thu hoạch (sau khi trồng được 4 năm): bón 0,5 - 1 kg đạm + 0,3 - 0,5 kg lân + 0,5 - 1 kg kali. Cây càng to bón càng nhiều. Nếu sử dụng phân NPK sử dụng các loại có hàm lượng Kali cao như 13:13:13; 14:14:14; 15:15:15. Ưu tiên phân có hàm lượng TE vì Bo và Zn là hai yếu tố làm tăng sự ra hoa.

Thời gian bón: Vụ Xuân bón vào tháng 2 để đón lộc Xuân; vụ Hè từ tháng 4-5 để đón lộc hè là lộc cho hoa, vì vậy lượng phân vụ Xuân và vụ hè bón 30 - 40%. Vụ thu tháng 10 bón lượng phân còn lại để nuôi sức cho cây qua vụ đông kết hợp tỉa cành tạo tán làm cho cây có dáng phù hợp.

Có thể bón thêm phân chuồng từ 10 - 15 kg/hốc hoặc tưới nước rửa chuồng chăn nuôi hàng ngày

- Tỉa cành, tạo tán:

Khi cây cao 1,2 - 1,5 m, tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhánh, Giữ lại từ 4-5 cành, sau đó tiếp tục bấm ngọn cành để tạo cành cấp 2. Cứ làm như vậy đến khi có bộ khung tán phân bố đều là được.

Bấm lộc xuân vào cuối tháng 3: Vì Hòe là cây ra hoa đầu cành nên càng nhiều ngọn, cây càng có năng suất cao. Tiến hành bấm lộc Xuân và bón phân vụ hè để đón lộc hè là lộc cho thu hoạch.

Tỉa cành vào cuối vụ thu hoạch làm cho bộ khung tán gọn gàng, tỉa cành sâu, cành nhỏ kết hợp bón phân vụ thu để phát triển lộc đông và lấy sức để cây qua đông.

e, Thu hoạch:

Khi thu hoạch chọn ngày nắng ráo thì phơi hòe được nắng sẽ thơm hơn, có màu đẹp hơn. Khi bẻ cành hoa chỉ nên bẻ hết phần cành hoa mà không bẻ sâu vào cành cấp thấp. Như vậy hòe nhanh ra hoa trở lại hơn.

Tác giả : KS. Lại Văn Chuyên - TTKNKNKN Thái Bình
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: