Từ thực tế trên: Gia
đình ông Nguyễn Văn Đán thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái
bình đã mở ra hướng đi mới phát triển chăn nuôi chim bồ câu Pháp giống Titan và
Mimax. Đây là hướng đi có hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa
phương.
Ông tâm sự với chúng tôi:
“Trước đây gia đình ông chăn nuôi lợn, nhưng từ tháng 2/2019 Dịch tả lợn Châu
Phi bùng phát ồ ạt, gia đình đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Vì thế ông
chuyển sang mô hình chăn nuôi chim bồ câu bởi theo ông được biết chim bồ câu Pháp
dễ nuôi, không đòi hỏi đầu tư cao, vốn xoay vòng nhanh và mang lại hiệu quả
kinh tế cao.
Gia đình ông bắt đầu nuôi từ tháng 4/2019, ông mua 250 đôi chim bồ câu Pháp
sắp đến thời kỳ sinh sản từ Trung Tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi
với giá 500.000 đồng/đôi. Ông chọn các dòng Titan và Mimax cho khả năng sinh
sản cao. So với chim bồ câu Việt Nam chim bồ câu Pháp có đặc điểm nổi trội hơn là
khối lượng cơ thể và khả năng sinh sản tốt hơn, đặc biệt chim bồ câu Pháp bắt
buộc phải nuôi nhốt hoàn toàn trong lồng mới sinh sản tốt nên tốn ít diện tích
chuồng nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát được đầu con không bị thất
thoát. Chim bồ câu Pháp có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chim non sau nở lớn
rất nhanh từ 15gam/con ở 1 ngày tuổi tăng lên 650gam/con ở 28 ngày tuổi. Giống
này có đặc điểm vừa nuôi con vừa đẻ và ấp trứng cho lứa sau nên đã rút ngắn
được khoảng cách giữa các lứa đẻ, trong khi khoảng cách giữa các lứa đẻ của
chim bồ câu ta là 45 – 50 ngày, thì chim bồ câu pháp chỉ có 38 – 45 ngày, thời
gian ấp trứng là 18 - 20 ngày.

Hiện tại mô hình nuôi
chim của gia đình ông Đán có diện tích khoảng 200 m2, được xây dựng
chắc chắn, sạch sẽ, thông thoáng và có lưới thép bao quanh. Bên trong chia làm
2 dãy chuồng, mỗi ô chuồng nhốt 1 cặp chim đã ghép đôi, được trang bị tấm lót
chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ - ấp. Nhờ có sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ
Khuyến nông Thái Bình nên ông đã chăm sóc, nuôi dưỡng và nhân giống tốt, đến
nay trong chuồng nuôi của gia đình ông đã có gần 400 cặp chim sinh sản và nhiều
chim non.
Chi phí nuôi chim bồ câu
Pháp cũng không cao, ngoài chi phí về con giống, xây dựng chuồng trại thì có
thể tận dụng các loại thức ăn như: ngô, đỗ xanh, đỗ tương. Ông cho ăn với công thức phối trộn của cán bộ Khuyến nông
hướng dẫn (50 % ngô + 40 % cám công nghiệp + 10 % đỗ xanh). Do chăm sóc đúng
quy trình và vệ sinh phòng bệnh tốt nên không bị bệnh, sinh sản và phát triển
tốt.
Ông cho chúng tôi biết: Chim bồ câu của ông
được xuất theo nhu cầu của khách hàng; chim giống 50 – 60 ngày tuổi có giá là
200 – 250 nghìn đồng/đôi, chim non từ 28 – 30 ngày tuổi có giá từ 110 – 120
nghìn đồng/đôi. Như vậy, với gần 400 đôi chim bồ câu Pháp mỗi năm gia đình ông
thu lãi trên 100 triệu đồng. Hiện nay ông đang chú trọng khâu nhân giống để mở
rộng quy mô.
Nuôi chim bồ câu đã có
từ lâu đời, nhưng nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng nuôi nhốt chuồng, an toàn
sinh học và quy mô lớn thì chưa phát triển nhiều ở Thái Bình. Nuôi chim bồ câu Pháp
vừa đơn giản lại cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp rất phù hợp với
chăn nuôi nông hộ. Hy vọng rằng trong thời gian tới nuôi chim bồ câu Pháp sẽ
được nhân rộng, nhằm tăng thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới có thể làm
giàu cho người dan ở vùng nông thôn hiên nay.
Tác giả : KS. Phạm Thị Xuyên