CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tin Tức khuyến nông
Gà Tò - Giống gà đặc sản cần lưu giữ và bảo tồn

Cập nhật: 31/12/2020

    Gà Tò là một giống gà nuôi, có xuất xứ từ làng Tò (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Gà Tò phù hợp với hình thức nuôi chăn thả, cho thịt đặc biệt thơm ngon. Tương truyền, gà Tò xưa kia là sản vật qúy báu để dân làng nơi đây dâng lên tiến vua.

Đến nay, chưa có tài liệu chính thức công bố về lịch sử xuất xứ của giống gà này. Nhưng theo những câu chuyện còn truyền lại của bà con nơi đây thì gà Tò có hoặc được đặt tên từ đời nhà Trần: Vào thế kỷ thứ XII thời nhà Trần (từ năm 1225 đến 1400) Cụ Vũ Trung Khái người làng Noi Cáo – Từ Liêm – Hà Nội, do có công lớn trong 3 lần đánh thắng Quân Nguyên được Vua Trần Nhân Tông gả công chúa cho ông và phong cho ông làm Phò Mã Hưng Mỹ Hầu và đã phái ông về canh giữ cửa biển phía đông năm 1258. Cửa biển này là cửa biển quan trọng bậc nhất của nước ta thời đó vì giặc phương Bắc thường vào nước ta bằng con đường đó.Tới đây ông đã huy động dân chúng trong vùng khai khẩn đất hoang, đắp đê, lấn biển dựng nên điền trang Tô Xuyên. Mảnh đất làng Tò khi ấy có 1 giống gà vừa to, lông lại đẹp, thịt ngon được cụ đem về Điền Trang để nuôi. Giống gà này thịt ngon hiếm có nên cụ thường mổ ra để tế lễ thần thánh, người đã đem sản vật giống gà nơi quê nhà để tiến đức vua cha. Giống gà thân chắc nịch, tướng to cao, thịt thì thơm ngon đặc biệt không gì sánh được làm cho nhà vua rất mực hài lòng. Ngài lệnh ban thưởng cho làng Tò mười nghìn đấu gạo và kể từ đó cái tên gà Tò (còn gọi là gà Tiến Vua) ra đời.


Năm 1266, cụ cho xây dựng ngôi Đình Tò, ngôi Đình to và đẹp nhất vùng châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ có khắc họa cách điệu những con gà Tò trên đó. Tháng bảy âm lịch hàng năm là bốn làng trong vùng (Tô Xuyên, Tô Đàm, Tô Hồ, Tô Đê) lại tổ chức lễ Bá Yết Thành Hoàng, lễ vật được dâng cúng là một chú gà Tò thật to, khỏe. Đến nay, nghi lễ ấy không còn thấy xuất hiện.



Gà Tò có một số đặc điểm sau:


* Về hình dáng: Gà Tò có vóc dáng to cao hơn các giống gà khác, từ lúc mới nở tới khi đạt bốn tuần tuổi đạt khoảng 0,67kg. Gà Tò nuôi thịt từ khi nở tới lúc xuất chuồng khoảng bảy tháng. Lúc 01 ngày tuổi gà Tò có lông màu trắng ngà (vàng nhạt), mỏ vàng, chân trắng hồng, gà có lông chân. Đến 8 tuần tuổi lông chân gà có hiện tượng thưa dần. Và đến tận kỳ sinh sản, lông mới mọc lại như thường.


* Khả năng sinh sản:


Con trống có da đỏ như gà nòi trọng lượng trung bình đạt từ 4 - 5kg. Khi trưởng thành, gà trống thường có lông màu đỏ tía, mã mật, mào cờ, mào tích đỏ tươi, chân và mỏ màu vàng. Gà Tò có một đặc điểm đặc biệt là có lông quần (hàng lông mọc từ đầu gối đến tận ngón đi theo 1 hàng thẳng dày cứng). Kẽ chân có màu tía.


Con mái có lông màu trứng cà cuống, mào cờ, mỏ vàng, chân vàng có trọng lượng trung bình đạt từ 3 – 4kg. Gà mái khi đạt tới trọng lượng khoảng 2,5kg thì đẻ trứng. Gà Tò đẻ một lần từ mười hai tới mười sáu trứng. Một năm đạt tới khoảng một trăm ba mươi tới một trăm năm mươi trứng. Gà Tò không có hiện tượng ấp bóng như một số giống gà khác, sau mỗi lần đẻ chúng nghỉ từ năm tới bảy ngày sau đó đẻ tiếp. Gà Tò mái do có lông chân dễ bị ngấm nước, thể hình quá khổ làm cho gà Tò mái trở nên vụng về trong việc ấp trứng, nên tỷ lệ nở trứng ở gà Tò không cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm cho gà Tò trở nên hiếm.


Do chưa từng được thử nuôi theo hình thức nuôi công nghiệp, nên gà Tò đến nay mới chỉ được biết đến với cách nuôi thả thông thường.

Tác giả : BSTY. Nguyễn Thị Dịu
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: