CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÁI BÌNH
Giới thiệu chung
Cơ cấu tổ chức
Lịch sử khuyến nông
Chức năng nhiệm vụ
Kết quả nghiên cứu
Trồng trọt
Chăn nuôi
Thủy sản
Trồng trọt
Chăn Nuôi
Thủy Sản
 
Hỏi & đáp
Số lượt truy cập:
 

Tiến bộ kỹ thuật mới
Một số biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 24/11/2018

    Việc giảm phát thải khí nhà kính đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là câu hỏi lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp. Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cần xác định đâu là nguồn phát thải chính, đâu là lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, yếu tố nào tác động đến lượng phát thải..., từ đó có những giải pháp phù hợp với đặc thù từng quốc gia.

     Sự cân bằng giữa năng lượng mặt trời chiếu xuống Trái Đất và lượng bức xạ nhiệt của mặt đất vào vũ trụ quyết định nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất. Bức xạ nhiệt của mặt trời có bước sóng ngắn dễ dàng xuyên qua tầng ozon và lớp khí quyển (O2, hơi nước, các khí khác...) tới mặt đất và phản xạ lại vũ trụ các bức xạ nhiệt có bước sóng dài. Song các bức xạ nhiệt có bước sóng dài không thể xuyên qua khối khí nhà kính (CO2, N2O, CH4, hơi nước, CFC...) nên bị hấp thụ lại làm cho nhiệt độ bầu khí quyển bao quanh Trái Đất tăng lên, hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng nhà kính".

     Nhiệt độ trung bình của trái đất khi không có hiệu ứng nhà kính chỉ khoảng –19°C. Nhờ khối khí nhà kính của tự nhiên nhiệt độ trung bình của trái đất được tăng lên, duy trì ổn định khoảng 150C, tạo các điều kiện khí hậu tương đối ôn hòa, thuận lợi cho sự phát triển của các động thực vật. Tuy nhiên dưới sự tác động của con người, nồng độ các khí nhà kính tăng lên nhanh chóng làm trái đất nóng lên bất thường, nước biển dâng, khí hậu biến đổi, các dạng hình thời tiết cực đoan (băng tuyết, rét đậm rét hại, mưa úng, bão, lũ, nóng bức, hạn hán,…) diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn làm thay đổi hàng loạt các điều kiện sống của con người cũng như các sinh vật khác trên trái đất. Các nhà khoa học nhận định rằng sự thay đổi khí hậu là thảm họa tự nhiên lớn nhất mà con người phải đối mặt, hậu quả của nó còn lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh gộp lại, là thách thức lớn nhất với hòa bình và an ninh thế giới.

     Việc giảm phát thải khí nhà kính đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là câu hỏi lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp. Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cần xác định đâu là nguồn phát thải chính, đâu là lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, yếu tố nào tác động đến lượng phát thải..., từ đó có những giải pháp phù hợp với đặc thù từng quốc gia.

     Việt Nam là một nước đang phát triển, trên 70% dân số sống ở nông thôn và sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Song nông nghiệp cũng được xác định là  lĩnh vực có lượng phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Trong các nguồn phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp thì việc trồng lúa nước và chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 70%. Nguyên nhân do canh tác lúa truyền thống đã lạm dụng phân hóa học trong một thời gian dài làm cho đất nông nghiệp bị chai cứng, tỷ lệ phân thất thoát cao gây phát thải khí oxit nito (N2O); tình trạng ruộng ngập nước thường xuyên gây phát thải khí metan (CH4); thói quen đốt phụ phẩm, rơm rạ gây phát thải khí cacbonic (CO2); quá trình tiêu hóa thức ăn, thải phân gây phát thải khí CH4, N2O .... Căn cứ vào điều kiện hình thành các khí nhà kính, có thể áp dụng một số giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính như sau:

          - Tái sử dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học, khí sinh học....để thay thế các nguồn nguyên nhiên liệu hóa thạch. Thông qua các các biện pháp như đốt rơm rạ bằng kỹ thuật Biochar, ủ compost, Biogas....

          - Thay thế phân bón hóa học bằng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh vật  (đặc biệt các loại phân có chứa các chủng vi sinh vật cố định đạm)

          - Quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù: Qua định lượng nguồn dinh dưỡng có thể huy động từ đất, lượng dinh dưỡng cây trồng cần qua các thời kỳ sinh trưởng, từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng, giảm thất thoát phân bón ra môi trường, đặc biệt là phân đạm.

          - Sử dụng các chất điều tiết quá trình chuyển hóa N trong phân đạm cũng như thay đổi dạng phân đạm (đạm vàng, đạm xanh, phân nén...), làm quá trình giải phóng N cho cây sử dụng dưới dạng NH4+ hoặc NO3- sẽ chậm hơn, giảm thiểu hiện tượng thất thoát phân bón. Nhờ vậy vừa tiết kiệm được phân bón, vừa  giảm phát thải N2O.  

          - Gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, kết hợp với biện pháp tưới tiêu khô ướt xen kẽ, luân canh với cây trồng cạn để rút ngắn thời gian ngập nước, cải thiện tình trạng yếm khí của đất...

     Để các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp không chỉ cần có những chiến lược của các cơ quan quản lý mà cần có sự tham gia tích cực của bà con nông dân trong việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, từng bước thay đổi những thói quen sản xuất truyền thống có hại cho môi trường, dần tiến tới nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Tác giả : KS. Đỗ Thị Ngọc - TTKN
 
Bản quyền thuộc TRUNG TÂM KHẢO NGHIỆM KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ THÁI BÌNH
Địa chỉ: Phường Phú Khánh - Tp Thái Bình - Tỉnh Thái Bình. Điện thoại: 0363.831.842, Fax:0363.831.842. 
Email
: