1. Chọn giống
Chỉ mua con giống tại các cơ sở được nhà nước
cấp phép, an toàn dịch bệnh và có kiểm dịch của cơ quan thú y. Con giống phải
khỏe mạnh, đặc điểm ngoại hình đạt tiêu chuẩn của từng giống, đã được tiêm
phòng đầy đủ các loại vắc xin theo yêu cầu.
2. Vận chuyển GSGC
- Thời điểm vận chuyển: Nên vận
chuyển GSGC vào thời điểm từ chiều mát, đêm và sáng sớm.
- Phương tiện vận chuyển: Dùng phương tiện vận chuyển
GSGC chuyên dùng, có bạt che nắng. Tất cả các phương tiện vận chuyển phải được
vệ sinh sạch sẽ, khử trùng trước khi sử dụng. Nếu vận chuyển GSGC đường dài cần
chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ.
- Kiểm tra kỹ sức khỏe đàn GSGC trước và trong suốt
quá trình vận chuyển. Nên nhốt với mật độ vừa phải, không nên cho con vật ăn
quá no trước khi vận chuyển. Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho GSGC
nghỉ ngơi hợp lý, vào các thời điểm buổi trưa nên để GSGC vào nơi
mát, có nhiều lùm cây để chăm sóc bổ sung thức ăn, nước uống.
- Khi vận chuyển GSGC về đến chuồng nuôi cần giảm
nhiệt cho con vật thích nghi từ từ, không để con vật thay đổi nhiệt độ
một cách đột ngột. Với trâu bò, lợn đưa vào nơi mát cho nghỉ ngơi không nên
dùng nước tắm ngay để tránh cho trâu bò, lợn bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột
ngột. Trường hợp trong đàn có GSGC khi vận chuyển về thấy có biểu hiện không bình thường (ủ rũ, thở
gấp, ho, sốt, đi đứng không bình thường...) cần tách riêng để theo dõi điều trị
đến khi trở lại bình thường mới cho nhập đàn. Cho con vật uống nước sạch, sau
đó cho ăn ½
mức ăn so với mức ăn bình thường trong ngày
thứ nhất, ngày thứ 2 cho ăn tăng dần mức ăn và
sau 3 ngày mới cho ăn mức đầy đủ theo nhu cầu và cho ăn 3-4 lần trong
ngày.
- Nuôi cách ly 15 ngày, đàn giống hoàn toàn khỏe mạnh
mới cho nhập đàn. Nếu đàn giống bị ốm trong thời gian nuôi cách ly cần điều trị
khỏi hoàn toàn mới cho nhập đàn.
3. Chuồng trại
- Bà con cần căn cứ vào điều
kiện cụ thể của chuồng nuôi để lựa chọn hệ thống làm mát cho phù hợp, có thể sử
dụng kết hợp các biện pháp sau:
+ Trồng cây dây leo, phủ bèo
tây - rơm rạ hoặc lắp đặt hệ thống phun mưa trên mái chuồng.
+ Thiết
kế các hệ thống che chắn bằng liếp, bạt, tấm lưới để chủ động che chắn chuồng
trại, diện tích che chắn phải rộng để đảm bảo có độ phủ mát tốt. Lắp đặt thêm
quạt điện, hệ thống phun sương hoặc nhỏ giọt trong chuồng nuôi. Lưu ý quạt điện
nên treo ngang, hệ thống phun sương vận hành hợp lý để tránh làm độ ẩm chuồng
nuôi tăng quá cao.
+ Trồng
cây xanh bóng mát xung quanh chuồng nuôi.
- Tăng cường vệ sinh chuồng trại và hệ thống làm mát, chất
thải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp như Biogas, ủ phân, đệm
lót sinh học... không để phân và chất thải ứ đọng nhiều sẽ sinh ra khí độc và phát
sinh mầm bệnh. Nếu dùng đệm lót sinh học cần giảm độ dày của lớp đệm để tránh
làm nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra bà con có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh
học để hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi. Định kỳ 2 lần 1 tuần phun thuốc sát
trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh (một số
loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Vikol,
Haniodin, Halamit...).
- Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh bãi chăn
thả để hạn chế mầm bệnh.
- Cần thường xuyên kiểm tra các hệ thống làm mát trong
chuồng nuôi để kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các
hệ thống trên sử dụng tốt. Nên bố trí thêm máy phát điện để đề phòng mất
điện.
4. Chăm sóc nuôi dưỡng
- Nuôi nhốt với mật độ vừa phải.
+ Đối với gà: úm 50 - 60 con/m2,
gà dò nhốt 20 - 30 con/m2, gà vỗ béo nhốt 7 - 10 con/m2,
gà đẻ nhốt 4 con/m2.
+ Đối với lợn: lợn nái, lợn có chửa cần 3
- 6 m2/con; lợn thịt 2 m2/con.
+ Đối với trâu, bò 4 - 5 m2/con,
dê 1,8 - 2 m2/con.
- Cho vật nuôi ăn thức ăn sạch, dễ
tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp theo lứa tuổi. Nên cho ăn vào sáng sớm và
chiều mát. Với trâu, bò,
bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua đảm bảo cho
con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, nên tránh
nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau
xanh, thả gà ra vườn cây có bóng mát.
- Cho vật nuôi uống nước sạch và
mát, tốt nhất là dùng vòi uống tự động. Có thể bổ sung các loại Vitamin tổng
hợp, điện giải để tăng sức đề kháng cho vật nuôi vào những ngày nắng nóng kéo
dài.
Bà con chú ý: nên dùng
vật liệu cách nhiệt để che chăn bồn chứa nước, tránh không cho vật nuôi uống
phải nước nóng.
- Chế độ
chăn thả: Nên chăn thả vào lúc mát mẻ, buổi sáng đi chăn thả sớm (6 giờ thả, 9
giờ về), buổi chiều chăn thả muộn (4 giờ thả, 6 giờ về). Lúc nắng nóng nên buộc
ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu, bò nghỉ ngơi.
- Chế độ tắm chải: nên tắm cho gia súc 1 - 2 lần/ngày để giảm
nhiệt cho cơ thể và phòng chống các bệnh ngoài da, không tắm vào buổi trưa khi
thời tiết đang nắng nóng.
5. Phòng bệnh
- Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc
xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là GSGC mới tái đàn. Đối
với gia cầm tiêm các loại vắc xin cúm gia cầm, Niu cát xơn, Gumboro, dịch tả
vịt, viêm gan vịt, tụ huyết trùng...; đối với lợn tiêm các loại vắc xin: phó
thương hàn, dịch tả, tụ dấu, tai xanh, lở mồm long móng (LMLM)...; đối với trâu
bò tiêm vắc xin tụ huyết trùng, LMLM...
Chú ý: gia súc, gia cầm khoẻ mạnh mới tiêm
phòng. Thời điểm tiêm phòng tốt nhất vào sáng sớm và chiều mát để
đảm bảo chất lượng vắcxin, tránh phản ứng, tạo miễm dịch tốt cho con vật.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật
nuôi, phát hiện sớm những con bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh
lây lan. Đặc biệt với các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá cần chủ động cho
GSGC uống thuốc ở liều phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.
Khi có vật nuôi bị ốm, chết cần báo ngay
cho thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Tác giả : BSTY. Bùi Thị Chuyên